Hỏi đáp về sản xuất sạch hơn

Hiện nay, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương đang xây dựng Sổ tay “Hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn tại cơ sở sản xuất công nghiệp” nhằm giúp các giám đốc, những nhà quản lý doanh nghiệp định h

HỎI: SXSH được thế giới phổ biến, triển khai như thế nào?

ĐÁP: Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hiệp quốc (UNIDO), UNEP đã phối hợp xây dựng các trung tâm SXSH ở 26 quốc gia để thúc đẩy SXSH. Các trung tâm được thành lập với mục đích thúc đẩy SXSH thông qua việc cung cấp các thông tin và tư vấn kỹ thuật, thiết lập cách trình diễn kỹ thuật và đào tạo SXSH.

Trên thế giới, hầu hết các nước cũng có chương trình SXSH và hỗ trợ tại chỗ cho doanh nghiệp công nghiệp. Tại châu Á, hầu hết các nước có các chương trình trình diễn trong các ngành Công nghiệp khác nhau. Các chương trình này được hỗ trợ bởi Chính phủ, ngành Công nghiệp và có sự hỗ trợ từ tổ chức nước ngoài cho các chương trình khác nhau.

* Tại Trung Quốc, thúc đẩy SXSH đã được đưa thành luật vào tháng 6/2002. Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc gồm 6 chương, 42 điều với nội dung khuyến khích thúc đẩy SXSH, tăng cường hiệu quả sử dụng các tài nguyên quí hiếm, giảm và tránh thải các chất ô nhiễm bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe con người và thúc đẩy phát triển bền vững trong xã hội và kinh tế.

Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc qui định, Ủy ban nhà nước và các chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên phải đưa SXSH vào các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế và xã hội quốc gia cũng như các kế hoạch và chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phát triển công nghiệp và phát triển vùng. Luật qui định, các chính sách ưu đãi từ thuế, quản lý ưu đãi tại các cấp đối với doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn.

Luật này cũng qui định cụ thể các doanh nghiệp phải làm gì khi xây mới, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp công nghệ. Các nội dung khác được qui định trong luật bao gồm qui định về sản phẩm, đóng gói sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hóa chất, thăm dò khai thác khoáng sản… Các biện pháp tổ chức thực hiện như trách nhiệm của các cơ quan liên quan; Qui định việc loại bỏ các công nghệ, sản phẩm lạc hậu cần loại bỏ theo hạn định; Các qui định về xử phạt, mức phạt.

* Tại Thái Lan, kế hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng và thông qua năm 2000, với mục tiêu chung là đưa SXSH vào thực tiễn và áp dụng hiệu quả tại tất cả các ngành nhằm ngăn ngừa, giảm và giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng cường bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế.

Kế hoạch này có 3 mục tiêu cụ thể:

- Giới thiệu các nguyên tắc của SXSH có thể áp dụng và thực hiện tại tất cả các ngành (bao gồm: Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Dịch vụ, Tài chính và ngân hàng, Giáo dục và nghiên cứu và phát triển).

- Xác định các giải pháp và công cụ để hỗ trợ thực hiện SXSH.

- Tạo cơ cấu thực hiện để các hoạt động của các cơ quan khác nhau được đồng bộ và tổng thể.

Các hoạt động đưa ra trong kế hoạch tổng thể gồm:

- Rà soát các luật, chính sách và qui định của các ngành để thúc đẩy thực hiện SXSH.

- Điều chỉnh các qui trình xây dựng chính sách và lập dự toán để phù hợp cũng như thúc đẩy việc thực hiện SXSH.

- Đưa SXSH vào các ngành: Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Dịch vụ, Tài chính và ngân hàng, Giáo dục và nghiên cứu phát triển.

- Sử dụng các công cụ kinh tế: Tài chính, ngân sách, thuế và cơ chế thị trường để khuyến khích việc thực hiện hiệu quả SXSH.

- Xây dựng và nâng cao năng lực con người và tổ chức liên quan đến SXSH.

- Sử dụng công cụ quan hệ cộng đồng để thiết lập uy tín của tổ chức và doanh nghiệp áp dụng SXSH.

* Tại Australia, một chiến lược của Hội đồng Bảo tồn và môi trường Australia và New Zealand (ANZECC) đã được xây dựng để thúc đẩy SXSH. Đã có nhiều cuộc thảo luận với các bên liên quan chính như Chính phủ, doanh nghiệp công nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các bên quan tâm khác và một loạt các tài liệu cơ sở đã được chuẩn bị.

Chính phủ liên bang đang triển khai chương trình SXSH. Hầu hết các bang đều có chương trình SXSH, với sự hỗ trợ của chính quyền, các hoạt động khá thành công. Các nhóm/đội SXSH đã tiến hành các chương trình trình diễn bao gồm 10 công ty trên khắp đất nước và hiện đã có kết quả, tích cực trong việc tổ chức hội thảo, xuất bản tạp chí và nâng cao nhận thức cộng đồng, làm việc với các ngành Công nghiệp để thúc đẩy SXSH.

* Tại Nhật Bản, công nghệ SXSH được chia thành hai loại hình chính, loại hình công nghệ thông thường cho mỗi biện pháp hay còn gọi là “công nghệ cứng” và công nghệ quản lý “công nghệ mềm”, dựa trên các ý tưởng về giảm tác động môi trường của tất cả các công đoạn từ khai thác nguyên liệu đầu vào đến thải bỏ hoặc tái chế các sản phẩm sau sử dụng.

Hình thức SXSH phổ biến nhất được thể hiện thông qua các chính sách về tiết kiệm năng lượng, với mục tiêu làm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Hiện nay, đã có 190 công nghệ SXSH của Nhật Bản được Trung tâm Công nghệ môi trường Liên Hiệp quốc xây dựng thành một cơ sở dữ liệu có thể chuyển giao vào các nước đang phát triển (được Ủy ban Xúc tiến công nghệ SXSH của Trung tâm Môi trường toàn cầu đánh giá và tổng hợp). Công nghệ SXSH được chia thành công nghệ cho các loại hình công nghiệp khác nhau như ngành Dệt, ngành Hóa chất, ngành Chế biến thực phẩm; các loại hình công nghệ khác nhau như thay đổi nguyên liệu đầu vào, đơn giản hóa qui trình, cải tiến kiểm soát quá trình…

HỎI: Việt Nam đưa SXSH vào áp dụng trong thực tế như thế nào?

ĐÁP: Với sự hỗ trợ ban đầu của Liên Hiệp quốc, Việt Nam đã có Trung tâm SXSH đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trung tâm này đã có những hoạt động như đào tạo các giảng viên tiềm năng, tiến hành thí điểm trình diễn tại một số cơ sở sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ về SXSH cho các cán bộ kỹ thuật. Thông qua các hoạt động thực tế, Trung tâm đã đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc áp dụng SXSH, nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo vệ môi trường.

Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH từ năm 2000. Một số tổ chức khoa học trong Bộ đã tổ chức nghiên cứu và tham gia các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin, điều tra, khảo sát tiềm năng SXSH.

Đến năm 2005, đã có khoảng 180 doanh nghiệp công nghiệp tại 34 tỉnh, thành đã tham gia vào các hoạt động đánh giá/trình diễn SXSH, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bình Dương.

  • Tags: