Tác động của các giải pháp đổi mới, sắp xếp lại DNNN đến hiệu quả sản xuất kinh doanh

Phân tích tác động của các giải pháp đổi mới, sắp xếp lại DNNN đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn trong việc đổi m

Xin bắt đầu từ các biện pháp đổi mới, sắp xếp làm giảm số lượng DNNN, bao gồm giải thể, sáp nhập, hợp nhất và chuyển đổi sở hữu. Một bộ phận xí nghiệp quốc doanh thua lỗ nghiêm trọng được giải thể theo Quyết định số 315/1990-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Phương án giải thể xí nghiệp có thể bao gồm các hình thức như: sáp nhập toàn bộ hay từng phần vào xí nghiệp quốc doanh khác; bán toàn bộ hay từng phần cho đơn vị khác; cho thuê, cho đấu thầu hoặc hóa giá và thanh lý. Cho đến khi áp dụng các điều kiện khắt khe theo Thông tư số 130/1998/TT-BTC thì việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể trở thành khó khăn hơn. Mặc dù vậy, việc giảm được tới khoảng 6.500 đơn vị thua lỗ nghiêm trọng, trong đó giải thể khoảng 3.500 DN và sáp nhập khoảng 3.000 DN vào các DN khác có liên quan về công nghệ, thị trường là một thành tích vĩ đại. Nó đã có tác động như thế nào đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn kinh doanh của các DNNN ? Trước hết, giá trị vốn của các DNNN còn lại được bổ sung một lượng nhất định từ số DN và bộ phận DN sáp nhập, tuy giá trị tài sản của các đơn vị này thường là nghèo nàn khi đã lâm vào tình trạng đó. Ngoài ra, việc giải thể này đã loại được các đơn vị thua lỗ lớn (lợi nhuận âm) khỏi hệ thống DNNN, mặc dù lợi nhuận của các DN còn lại không hẳn nhờ thế mà tăng lên.
Bên cạnh đó, các hình thức chuyển đổi sở hữu cũng góp phần làm giảm được chừng 1.460 DNNN, nhất là từ 1997 trở lại đây. Tuy vậy, theo số liệu quý I năm 2003 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương, số vốn nhà nước trong 828 DN và bộ phận DN đã CPH và khoảng 130 DN thực hiện giao, bán, khoán, cho thuê, chỉ mới chiếm khoảng 2,8% tổng vốn của DNNN, cho thấy sự tác động ảnh hưởng là không đáng kể. Con số này hiện nay tăng lên đến gần 6% thì sự ảnh hưởng cũng vẫn còn là rất ít. Nhiều khảo sát ghi nhận rằng các chỉ tiêu kinh doanh của hầu hết các DN sau chuyển đổi đều tăng (nhưng có gì đảm bảo rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng ?) Dù sao thì điều này cũng không liên quan trực tiếp đến hiệu quả của các DNNN còn lại, vì các DN sau khi chuyển đổi đã hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Nếu chỉ số hiệu quả bình quân của các DNNN còn lại có tăng thì chỉ do số DN chuyển đổi vốn dĩ trước đây là các đơn vị hiệu quả thấp hoặc thua lỗ kéo dài nay đã được loại bỏ ra khỏi phạm vi tính toán. Vì vậy, sự ảnh hưởng ở đây chỉ mang tính số học thuần tuý mà thôi. Lô gíc cũng cho phép nhận định: tuy số DN cổ phần hóa chiếm số đông (1.264 DN) nhưng đóng góp của chúng trong mức tăng chỉ số hiệu quả chung của DNNN là nhỏ hơn so với 196 DN thực hiện giao, bán, khoán, cho thuê. Vì các DN đủ điều kiện cổ phần hóa đều là các đơn vị đang hoạt động có lãi hoặc không thua lỗ nghiêm trọng, còn các DN đa dạng hóa là những đơn vị thua lỗ nghiêm trọng và kéo dài.
Hướng sắp xếp, tổ chức lại DNNN theo mô hình tổng công ty nhà nước (TCT) đã được thực tế kiểm định là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong 10 năm qua, mặc dù còn bộc lộ những yếu kém từng lúc, từng đơn vị, nhưng hầu hết các TCT đều nắm giữ và khẳng định được vị trí then chốt của mình trong nền kinh tế quốc dân, là công cụ vật chất quan trọng nhất để Nhà nước thực hiện điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Vậy các TCT đã đóng góp bao nhiêu vào hiệu quả chung của DNNN ?
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp công bố, ước tính cả năm, một đồng vốn chủ sở hữu ở các TCT 91 làm ra 0.1521 đồng lợi nhuận, tương đương với tỷ lệ lợi nhuận trên 15%/năm. Còn trong 6 tháng đầu năm 2003 thì tỷ lệ này vào khoảng trên 7%. So với năm 2002, các TCT 91 giảm 2,34% về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn kinh doanh và giảm 3,42% về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân của 46 TCT 90 có báo cáo là 2,07% giảm 5,62% so với mức thực hiện năm 2002.
Trên cơ sở xử lý các số liệu từ các nguồn đã dẫn, có thể hình dung một cách tổng quát về khả năng sinh lợi của các bộ phận vốn nhà nước năm 2003 như sau: (Xem bảng)
Như vậy, với tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước (vốn sở hữu chủ) 15%/năm, các TCT 91 đang dẫn đầu về hiệu quả trong các DNNN. Mặc dù mức hiệu quả này chưa thể coi là cao, nhưng nó đã gánh cho các bộ phận còn lại để có tỷ suất lợi nhuận bình quân chung là 10,8% trong toàn bộ khu vực DNNN. Ngược lại, các TCT 90 đang là nhóm DN níu kéo tỷ suất chung xuống nhiều nhất. So với mức tỷ suất chung 6,8% năm 1993, sau 10 năm, các TCT 91 đã nâng được mức hiệu quả lên hơn 2,2 lần. Mức tỷ suất lợi nhuận của các DNNN độc lập về cơ bản được cải thiện không đáng kể. Còn tính chung trong toàn bộ các DNNN, tỷ suất lợi nhuận chỉ tăng gần 1,6 lần.
Số liệu thống kê trung bình là như vậy, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với các TCT, kể cả TCT 91. Thứ nhất, so với mức chung năm 1994, quy mô vốn trung bình của một DNNN trong TCT 91 tăng gần 40 lần (129,9 tỷ đồng) nhưng hiệu quả chỉ được cải thiện ở mức 2,2 lần. Thứ hai, nếu loại bỏ các khoản ưu tiên như hoãn, khoanh, xóa nợ, lãi suất ưu đãi... và nếu không có các lợi thế đặc quyền, độc quyền (nhất là độc quyền định giá) thì hiệu quả thực tế sẽ thấp hơn rất nhiều. Và thứ ba, chính các TCT cũng chưa chấm dứt được tình trạng thua lỗ ở từng DN cũng như ở cấp TCT. Kết quả SXKD 6 tháng đầu năm 2003 của các TCT, vẫn có 2/18 TCT 91 không có lãi, trong số 46 TCT 90 gửi báo cáo thì có 5 TCT lỗ là Mía đường I, Mía đường II, Dâu tằm tơ, Muối, Hải sản biển đông. Điển hình như vụ thua lỗ 3.000 tỷ đồng của 38 nhà máy đường, trong đó có 32 đơn vị trực thuộc hai TCT Mía đường. Chính phủ vẫn phải chỉ thị cho các bộ, tỉnh, thành phố, hội đồng quản trị các TCT phải đạt được mục tiêu năm 2005 là các TCT không còn DN thành viên SXKD yếu kém, thua lỗ kéo dài. Trong hai năm 2004-2005, sẽ có khoảng 74 trên tổng số 79 TCT 90 được sắp xếp lại, trong đó giải thể 6 TCT và sáp nhập 8 TCT. Có tới 922 DN (chiếm 62,5%) thuộc diện chuyển đổi sở hữu.  Các số liệu này hoàn toàn lôgic với nhận định “Quy mô vốn bình quân của một DN đã tăng lên đáng kể, nhưng chủ yếu bằng cách tập trung vốn, sáp nhập các DN lại với nhau mà không phải bằng con đường tích lũy vốn. DNNN đã được điều chỉnh hợp lý hơn, thu gọn đầu mối về mặt cơ cấu số lượng, nhưng nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến mạnh về cơ cấu chất lượng, đã sắp xếp được nhiều nhưng đổi mới vẫn còn ít.
Vậy nguyên nhân kìm hãm hiệu quả của DNNN đích thực là gì ?
Khi tiến hành một cách đơn lẻ, những can thiệp cơ học, kể cả sự hỗ trợ, tiếp sức vật chất của Nhà nước, chỉ tạo được mức cải thiện hiệu quả của DNNN ở mức còn hạn chế. Vậy những điều gì đã cản trở việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN?
Trước hết là hiện tượng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền kinh doanh của các TCT ở một số ngành, lĩnh vực, mà biểu hiện là độc quyền quyết định giá, độc quyền thị trường. Một khi DN có thể chi phối giá cả hàng hóa dịch vụ thì lợi nhuận, hiệu quả không còn phản ánh đúng thực chất của chất lượng sản xuất kinh doanh nữa. Lợi nhuận cao mà DN thu được chỉ là kết quả từ một biến dạng của sự can thiệp, điều tiết thu nhập của Nhà nước đối với ngành mà thôi. Đây là một khe hở trong môi trường kinh doanh do thể chế kinh tế thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ mà bất kỳ DN nào cũng tận dụng một cách hợp pháp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang tồn tại hai trạng thái độc quyền là độc quyền như ngành Hàng không, Điện lực, Thuốc lá, Đường sắt, BCVT, Vận tải biển... và độc quyền nhóm như xăng dầu, bảo hiểm, ximăng, sắt thép, mía đường... Điều đáng ngạc nhiên là điều kiện thuận lợi này lại được một vài TCT dùng để bù đắp các lãng phí do trình độ quản lý, tổ chức yếu kém gây ra hoặc đưa cả các chi phí không liên quan đến kinh doanh vào giá chứ không được coi như cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh doanh hơn nữa. Phải chăng độc quyền đã tạo ra tâm lý tự thỏa mãn, mà sao nhãng mục tiêu nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN. Kết quả là một số TCT như vận tải biển, mía đường, dệt may đã thua ngay trên sân nhà, giá dịch vụ BCVT, giá vé máy bay, giá điện hiện đang là cao không chỉ so với thu nhập của người Việt Nam mà còn cao hơn nhiều nước trong khu vực và quốc tế.
Vấn đề thứ hai, ngày càng có nhiều giám đốc than phiền rằng “họ đang bị chính cơ chế hoạt động hiện nay trói buộc và làm mất động lực nâng cao hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Trong DNNN, giám đốc là người quyết định thành công hay thất bại của DN. Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo DNNN, giám đốc DNNN phải được trao quyền hạn và quyền lợi tương xứng thì họ mới có thể năng động và yên tâm làm ăn. Nhưng hiện nay, cả hai điều quan trọng này đều chưa có. Lý do đơn giản là do cơ chế quyết định tập thể, chịu trách nhiệm tập thể, trong DNNN đã không cho phép giám đốc được toàn quyền quyết định về nhân sự và ứng xử tình huống diễn biến trong kinh doanh. Cơ chế này một mặt đang là lá chắn của những cán bộ yếu kém, mặt khác lại trói buộc những nhân tố năng động tích cực.
Vấn đề thứ ba, “vẫn còn một bộ phận cán bộ DNNN chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực và phẩm chất”. Kinh doanh là một nghề, đòi hỏi phải đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận. Để đồng vốn sinh lợi cao thì yêu cầu về trình độ năng lực của doanh nhân ngày càng cao. Liệu trong giai đoạn vừa qua, có bao nhiêu giám đốc DNNN “không đọc được báo cáo tài chính, không nói được tiếng Anh, không truy cập được Internet...” như Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc nhở nhân dịp đối thoại với DN trẻ năm 2002. Thủ tướng cho rằng “tình trạng hiện nay còn nhiều” giám đốc như vậy. Tiếng Anh, Internet là chuyện đương đại, nhưng không đọc nổi báo cáo tài chính thì khó nói đến phân tích, đánh giá hiệu quả, nhất là kinh doanh bằng vốn ngân sách được cấp.
Và điều cuối cùng phải nói đến là giới kinh doanh nước ta chưa có tập quán lấy tiêu chuẩn hiệu quả làm thước đo để định hướng cho các quyết định kinh doanh cũng như để đánh giá hoạt động của DN. Với các giám đốc DNNN, kinh doanh bằng vốn Nhà nước giao, và chính Nhà nước cũng chưa đưa ra tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa đòi hỏi gắt gao, thì thói quen không quan tâm đến hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.
Môi trường kinh doanh hiện nay, cả thể chế lẫn cơ chế, đang có những tác động không tốt đến các DNNN, gây ra tình trạng bất bình đẳng ngay trong khu vực DNNN cũng như các thành phần kinh tế khác.
Đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế đồng bộ - hướng đi hứa hẹn nhiều hy vọng 
Đảng và Nhà nước đã tỏ quyết tâm cao trong việc lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước mắt tập trung vào ba việc lớn. Kiên quyết xóa bỏ các loại bảo hộ, bao cấp bất hợp lý như khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, bù lỗ, cấp vốn tín dụng ưu đãi tràn lan đối với các hoạt động kinh doanh của DNNN, mà biện pháp triệt để nhất chính là đẩy mạnh cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu. Khẩn trương xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh của DNNN phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, sớm ban hành Luật cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh, Luật chống bán phá giá. Thực hiện phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu đối với sản phẩm công ích, sẽ giảm được số lượng các DNNN hoạt động phi lợi nhuận.
Đã có những tín hiệu tích cực được ghi nhận. Lần đầu tiên, tiêu chuẩn trình độ học vấn và chỉ tiêu hiệu quả, điều kiện ràng buộc lợi ích đối với giám đốc DNNN đã được chính thức công khai đưa vào Luật DNNN 2003. Luật Phá sản 2004 mới được ban hành đã bắt đầu phát huy hiệu lực. Chúng ta có thể hy vọng, với những chuyển biến của thể chế kinh doanh, các DNNN sẽ “thực sự kinh doanh theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh và hợp tác với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác” bằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD của mình.

  • Tags: