Di chứng đến đời thứ ba
Xã Việt Lâm (thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) hiện có 960 hộ thì có 242 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt mức 4 triệu đồng/người/năm. Bà Hà Thị Chư – Bí thư Đảng ủy xã Việt Lâm cho biết, đã nghèo, nhưng Việt Lâm lại có số cựu chiến binh cao nhất của huyện Vị Xuyên. Sức khỏe kém, dân trí thấp, nên dù xã đã rất tạo điều kiện để nhân dân được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhưng kết quả chẳng được là bao. Khi nhận được tin HABECO sẽ giúp đỡ địa phương xây dựng một nhà tình nghĩa, lãnh đạo xã đã quyết định ưu tiên cho ông Hà Phúc Tuyền, một cựu chiến binh, nạn nhân chất độc màu da cam.
Vượt qua Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Ngần, chúng tôi đi sâu vào trong xã Việt Lâm tìm đến nhà ông Hà Phúc Tuyền. Bên cạnh ngôi nhà mới khang trang đang hoàn thiện nốt những chi tiết cuối cùng để ngày mai cắt băng khánh thành là ngôi nhà lợp lá cọ của gia đình ông Tuyền. Nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc ghế gỗ, thấy chúng tôi, ông Tuyền gượng ngồi dậy. Ông bảo, do thời tiết thay đổi thất thường, các vết thương cũ tái phát nên ông nằm liệt mấy hôm, giờ mới nhúc nhắc dậy được. Ngoài bộ bàn ghế và 2 cái giường cũ, nhà ông chẳng có gì đáng giá. Ông Tuyền kể, năm 1966 ông nhập ngũ rồi vào chiến trường Quảng Trị đường 9 - Nam Lào. Bao nhiêu năm chiến tranh ác liệt, thương tích khắp người, vết nặng nhất là bị mảnh pháo văng vào đầu, nhưng giấy giám định thương tật thì đã “vo lại đốt thuốc” vì chiến trường buồn quá, nhớ thuốc, lại chưa ý thức được tầm quan trọng của giấy tờ. Năm 1974, ông Tuyền trở về địa phương. Lập gia đình, đẻ bốn đứa con đều bình thường, lại đủ nếp đủ tẻ, gia đình đã mừng. Thế nhưng, càng lớn đứa con gái lớn càng có những biểu hiện không bình thường, ngơ ngơ ngác ngác. Lấy chồng đẻ con được một thời gian thì cô bỏ đi biệt tích. Bây giờ đứa cháu ngoại do ông nuôi nấng cũng có những biểu hiện giống mẹ, nhớ nhớ, quên quên dù vẫn đang đi học cấp 1. Cô thứ hai bình thường, lập gia đình sinh được 2 con thì bé trai sinh ra đã bị một vết loang bên mắt phải, trông mặt như bị bỏng bom napan. Cậu con thứ 3 của ông vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, nhưng sức khỏe yếu. Còn cậu con trai út thì bị tàn tật teo chân, tuy rất khéo tay nhưng cũng không làm được gì. Ông đã xác định nuôi đứa cháu ngoại và cậu con trai kém may mắn cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Được sự bảo lãnh của xã, năm 2003 ông Tuyền được vay vốn ngân hàng mua trâu, từ hai con trâu cái nay ông có thêm 2 con nghé con. Cộng với tiền lương thương binh và tiền trợ cấp chất độc màu da cam cho cậu con trai út, gia đình ông có thu nhập trên 600.000 đồng/tháng, giật gấu, vá vai cũng tạm gọi là đủ cho những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của một gia đình.
Buổi sáng khi diễn ra lễ trao tặng nhà tình nghĩa, ông Tuyền mặc bộ quân phục người lính, đội mũ tai bèo, trên ngực gắn các huy chương kháng chiến, rưng rưng nói không nên lời: “Tôi rất cảm động và biết ơn những người lao động của TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội đã giành cho tôi niềm hạnh phúc này. Không ngờ, những ngày cuối đời, tôi lại được sống trong ngôi nhà mới ngói đỏ thấm đượm tình nghĩa của những tấm lòng nhân ái”.
Những tấm lòng nhân ái
Là một tổng công ty mạnh của ngành Công nghiệp, trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, HABECO cũng rất chú trọng tới công tác từ thiện xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước. Đã 11 năm liên tục HABECO hỗ trợ kinh phí nuôi dạy 35 trẻ mồ côi của Trường mái ấm tình thương 19/5 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình), mỗi năm 34 triệu đồng. Ngoài ra, Tổng công ty còn nhận phụng dưỡng 36 Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây 10 nhà tình nghĩa, 1 nhà tình thương và tặng nhiều sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách.
Ông Trần Quý Cộng – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cho biết: Trung bình mỗi năm, HABECO trích 500 đến 600 triệu đồng từ quĩ phúc lợi và quyên góp từ CBCNV cho công tác từ thiện. Từ năm 2005, theo qui định,Tổng công ty nhà nước không được trích quĩ phúc lợi và quĩ khen thưởng để làm từ thiện, thì kinh phí cho hoạt động này đều được quyên góp từ CBCNV trong Tổng công ty. Để xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho ông Hà Phúc Tuyền, Công đoàn HABECO đã vận động mỗi CBCNV một ngày lương cơ bản, tổng cộng 30 triệu đồng. Nữ công Công đoàn trích 1,5 triệu đồng mua giường tủ bàn ghế. Nhân chuyến công tác này, Công đoàn Tổng công ty đã trao tặng Hội chữ thập đỏ huyện Vị Xuyên 1 tấn gạo trị giá 5 triệu đồng và một số quần áo cũ để giúp đỡ những người nghèo trong Huyện.
Sau chuyến công tác trở về, mỗi chúng tôi đều có những niềm trăn trở riêng. Theo con số chưa chính thức thì Hà Giang có tới 50% hộ nghèo. Khi chúng tôi đi thăm, đồng bào dân tộc sống trên các vùng núi cao cuộc sống còn rất khó khăn. Bữa cơm gia đình ngô và muối vẫn là món chủ đạo. Khi bà con còn tiếp tục sống theo nếp sống cũ, lập gia đình sớm, lấy nhau cận huyết, sinh con không theo kế hoạch thì cuộc sống của họ sẽ vẫn còn nghèo, dân trí vẫn thấp. Vì vậy, đồng bào Hà Giang vẫn cần nhiều, rất nhiều sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng, những tấm lòng nhân ái để cuộc sống ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng sẽ phải phát huy nội lực để có thể phát triển hòa nhập với công cuộc đổi mới của cả dân tộc.