Nằm tại đỉnh của tam giác Châu thổ sông Hồng, cùng với nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn nhân lực, Vĩnh Phúc có đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, ở vị trí thứ 7 trên toàn quốc về tổng giá trị sản xuất công nghiệp, Vĩnh Phúc đã khẳng định sự đổi mới đúng đắn trong tư duy, đồng thời hứa hẹn sự phát triển nhanh chóng, tương xứng với những thế mạnh sẵn có.

Với diện tích tự nhiên là 1.371,48 km2, Vĩnh Phúc tiếp giáp với năm tỉnh là Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Tây,  Phú Thọ và thủ đô Hà Nội. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở  khu vực chuyển tiếp giữa các tỉnh trung du miền núi với tam giác phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Với vị trí tiếp giáp Thủ đô, Vĩnh Phúc có các tuyến giao thông thuận lợi cho việc thông thương: đường bộ có quốc lộ 2, đường thuỷ có sông Lô, sông Hồng, đường sắt có tuyến Hà Nội – Lào Cai đi qua. Từ trung tâm Tỉnh đến sân bay quốc tế Nội Bài chỉ hơn 30km, tuy không có cảng biển nhưng có thể tận dụng đường cao tốc nối từ sân bay Nội Bài đến cảng Cái Lân. Với vị trí địa lý thuận lợi này, Vĩnh Phúc có rất nhiều thế mạnh cho sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, đặc biệt là sự thu hút đầu tư và giao lưu kinh tế với Thủ đô. Có thể nói, đây là  một nguồn lực đặc biệt mà nhiều tỉnh không có.

Tựa lưng vào dãy núi Tam Đảo ở phía bắc, phía tây lại được bao bọc bởi sông Lô và sông Hồng, Vĩnh Phúc có địa hình rất đa dạng và mang đặc trưng sinh thái của vùng đồng bằng, trung du và miền núi.  Với đặc điểm địa lý này, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp, thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, và đặc biệt thu hút khách thập phương với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải...

Vĩnh Phúc cũng là một tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Với tổng diện tích tự nhiên là 137.141,27 ha, đất nông nghiệp là 66.018,3 ha, đất lâm nghiệp là 30.236,08 ha, đất chuyên dụng là 10.589,39 ha, đất ở là 5.249,96 ha. Ngoài quỹ đất sử dụng trong phát triển nông lâm nghiệp, diện tích đất chưa sử dụng khoảng 16.047 ha có thể dùng vào việc mở rộng diện tích canh tác và xây dựng các cơ sở công nghiệp. Do vậy, nền kinh tế Vĩnh Phúc có tiềm năng phát triển nhanh dựa vào lợi thế vị trí địa lý và quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Rừng của Vĩnh Phúc không lớn (30.346,82 ha), sản lượng khai thác từ rừng không nhiều, nhưng cũng góp một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Tỉnh. Trong số các rừng tự nhiên, khu rừng cấm quốc gia Tam Đảo có nhiều loại dược liệu và các loài động vật quý hiếm, đó là nguồn dược liệu quý cho sự phát triển công nghiệp dược phẩm và là tiềm năng của ngành du lịch Tỉnh.

Vĩnh Phúc là một tỉnh có mức sinh giảm, trong giai đoạn 1984 – 1999, tốc độ giảm bình quân hàng năm là 0,05%. Với chỉ số trên, đến năm 2010, dân số Vĩnh Phúc sẽ là khoảng 1.241.686 người. Năm 2005, dân số trong độ tuổi lao động là 752.623 người, chiếm 64,09% tổng số dân, đến năm 2010 sẽ có khoảng 826.370 người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,74% dân số. Như vậy, lực lượng lao động tăng 3,07% thời kỳ 2001 – 2005 và tăng 2,9% thời kỳ 2006 – 2010. Có thể nói, nguồn nhân lực của Tỉnh là rất dồi dào. Hàng năm, nguồn lao động mới được bổ sung là các thanh niên tốt nghiệp phổ thông, có sức khoẻ, có kiến thức cơ bản khoảng 10.000 người. Nguồn lao động có văn hoá được bổ sung hàng năm là nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đòi hỏi Tỉnh phải đầu tư lớn cho sự phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo dạy nghề.

Với tất cả những tiềm năng và thế mạnh sẵn có từ điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2000 – 2005, nền kinh tế của Vĩnh Phúc đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay, Tỉnh có cơ cấu kinh tế là công nghiệp – xây dựng 52,2%, dịch vụ 26,6%, nông nghiệp 21,2%. Tổng sản phẩm trong Tỉnh tăng bình quân 15,3%/năm. Ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thuỷ sản có mức tăng trưởng khá. Bình quân giá trị sản xuất toàn ngành tăng 7%/năm. Trồng trọt đã có bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất hầu hết các loại cây trồng do áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, thâm canh, chủ động về tưới tiêu. Chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 13%/năm. Sản xuất công nghiệp – xây dựng duy trì ở mức tăng trưởng cao ở tất cả các thành phần kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 23%/năm, riêng công nghiệp tăng 23,6%. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí, lắp ráp ô tô, xe máy, gạch ốp lát, đồ gỗ nội thất, săm lốp, hàng may mặc... Cơ cấu sản xuất hàng hoá chuyển dịch tích cực theo hướng tăng giá trị  hàng hoá xuất khẩu, hàng tiêu dùng và hàng có chất lượng cao. Việc thu hút đầu tư của Tỉnh từ các thành phần kinh tế tăng mạnh, thu ngân sách đạt cao, đặc biệt thu nội địa tăng nhanh, tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Đồng thời với sự phát triển kinh tế, nền văn hoá xã hội của Tỉnh cũng có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế của Tỉnh ngày càng được nâng cao.

Vĩnh Phúc bước vào thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2006 – 2010 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Nền kinh tế thế giới và khu vực có khả năng phục hồi và phát triển với nhịp độ cao hơn. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Việc chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội lớn cho cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ mới. Với những thuận lợi đó, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế  trong giai đoạn tới là duy trì  tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định bền vững. Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chủ động và chuẩn bị tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, Tỉnh chú trọng phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển nhân lực, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tỉnh phấn đấu có đủ yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015, trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

Để thực hiện những mục tiêu đó, đến năm 2010, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14 – 14,5%, trong đó công nghiệp – xây dựng đạt 18,5 – 20%, dịch vụ đạt 13 – 14%, nông - lâm nghiệp – thuỷ sản đạt 5 -  5,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 380 triệu USD. Cơ cấu kinh tế sẽ là công nghiệp – xây dựng 58,4%, dịch vụ 27,3%, nông – lâm – thuỷ sản 14,3%. GDP bình quân đầu người đạt 1.100 USD. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt 27 – 28%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 44 – 45 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu lao động là công nghiệp – dịch vụ 52%, nông nghiệp 48%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40 - 45%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 15%. Kết nạp Đảng viên hàng năm là 1.800 – 1.900 đồng chí. Tỷ lệ Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm là 70% trở lên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hàng năm là 80% trở lên.

Đến năm 2020, Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 – 2020 trên 10%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.000 USD, năm 2020 đạt 3.000 USD. Cơ cấu kinh tế là công nghiệp – xây dựng 60%, dịch vụ 37%, nông nghiệp – lâm nghiệp – thuỷ sản 3%. Cơ cấu lao động là công nghiệp – xây dựng 40%, dịch vụ 40%, nông - lâm - thủy sản 20%. Tỷ lệ dân số đô thị là 55%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65%.

Để thực  hiện các mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh Vĩnh Phúc là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng cơ sở, đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn. Giải pháp chung cho phát triển kinh tế giai đoạn 2006 – 2010 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh nhằm giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.  Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Coi trọng phát triển văn hoá, làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng...

Với những thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, cộng với một tư duy luôn đổi mới và năng động, trong thời gian không xa, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành thành phố có sức phát triển mạnh mẽ tương xứng với nội lực sẵn có. Không ngừng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp nói riêng và tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị đủ hành trang và sẵn sàng hoà nhập với quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế của đất nước. 

  • Tags: