Giai đoạn 2011 - 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 14-15%/ năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.100-2.200 USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt trên 500 triệu USD. Tỉ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt 20% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp năm 2015 giảm còn 47% tổng số lao động xã hội. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 45%. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 3 đến 4%/ năm, trong đó vùng đồng bằng giảm từ 2 đến 3%/ năm, vùng miền núi giảm từ 4 đến 5%/ năm. 

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt ba nhiệm vụ đột phá, bảy nhiệm vụ trọng tâm và sáu giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu là: Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Xây dựng và phát triển đô thị hợp lý; Phát triển nguồn nhân lực, làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát huy mọi nguồn lực và lợi thế so sánh để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. 

Tỉnh cần phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tiềm năng lớn về mọi nguồn lực, về lợi thế so sánh và những kết quả đã đạt được để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thay đổi mô hình tăng trưởng; phải chú trọng phát triển công nghiệp, coi đó là khâu đột phá để phát triển kinh tế; tập trung thực hiện nhiệm vụ mở rộng Khu kinh tế Dung Quất phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng, xây dựng trung tâm lọc hoá dầu quốc gia, mở rộng Nhà máy lọc dầu hiện có và đầu tư xây dựng cảng nước sâu mới,…đồng thời, tranh thủ điều kiện thuận lợi đó để phát triển đội ngũ công nhân, trí thức, chuyên gia, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ và hội nhập quốc tế. 

Trong 5 năm tới, Tỉnh sẽ tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và khai thác, phát huy mọi nguồn lực và lợi thế so sánh để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đột phá và trọng tâm sau: 

Phát triển công nghiệp – lĩnh vực này tiếp tục được xác định là nhiệm vụ đột phá. Vì vậy, Tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp ở KKT Dung Quất, các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp - làng nghề. Phát huy tiềm năng về đất đai, tài nguyên, lao động; đặc biệt là lợi thế cảng biển nước sâu để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nặng có ý nghĩa chiến lược, có giá trị gia tăng cao như công nghiệp lọc - hoá dầu, gia công kim loại, đóng tàu, khai khoáng, năng lượng điện... Ưu tiên các dự án đầu tư cơ sở sản xuất có công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm, ít tiêu tốn ít năng lượng, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu, giải quyết được nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực. 

Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, gắn với giải quyết tốt vấn đề nông thôn và nông dân. Phát triển nông, lâm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Thực hiện “dồn điền, đổi thửa”; bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, chăn nuôi với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất bình quân đất canh tác vào năm 2015 đạt từ 40 đến 45 triệu đồng/ha. Hình thành vành đai nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao phục vụ các đô thị, KKT Dung Quất và các khu công nghiệp. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. 

Phát triển, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông, du lịch, vận tải, kho bãi, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ… phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh. 

Tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển. Tăng cường đầu tư xây dựng đi đôi với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư bền vững; đảm bảo đời sống của người dân sau khi tái định cư khá hơn so với trước. 

Xây dựng và hoàn thành dứt điểm những công trình kết cấu hạ tầng quan trọng theo hướng hiện đại, đồng bộ ở các vùng, nhất là ở khu công nghiệp, KKT Dung Quất. Trong 5 năm tới, phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Dung Quất - Trà Bồng - Trà My, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, hồ chứa nước Nước Trong, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ... 

Tập trung xây dựng, phát triển đô thị, tạo bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các vùng trong quá trình phát triển nhanh, bền vững. Hình thành hệ thống đô thị đa cấp, làm cho đô thị thật sự trở thành vùng động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng TP Quảng Ngãi theo quy hoạch. Phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2015, TP Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. 

Triển khai thực hiện quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất lên trên 45.000 ha. Xây dựng Dung Quất trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển, có kiến trúc cảnh quan đẹp, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại. Trước mắt, tập trung phát triển đô thị Vạn Tường, đồng thời quy hoạch thêm một số đô thị vệ tinh khác để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Xây dựng, phát triển thị trấn Đức Phổ và vùng phụ cận trở thành thị xã vào năm 2015, với cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, là trung tâm kinh tế, văn hoá ở vùng phía Nam tỉnh. Từng bước xây dựng đô thị Sơn Hà trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Tây Quảng Ngãi. Quy hoạch, đầu tư mở rộng các thị trấn hiện có và xây dựng mới một số thị trấn ở các huyện, ưu tiên đầu tư đối với các huyện hiện chưa có thị trấn. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các huyện đều có thị trấn. 

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động kinh tế đối ngoại; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, tín dụng; huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; tăng cường quản lý, bảo vệ và cải thiện môi trường.

  • Tags: