Trong ba năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, nhằm khuyến khích phát triển khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề. Kết quả trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu công nghiệp tập trung với diện tích trên 600 ha, trong đó khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Tiền Hải được Chính Phủ chấp thuận cho xây dựng thành khu công nghiệp tập trung trong danh mục các khu công nghiệp của cả nước. Trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút 141 dự án vào đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng số vốn 3.212 tỷ đồng, đăng ký thu hút 47.000 lao động, nhiều dự án đã xây dựng xong và đi vào hoạt động làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Nghề và làng nghề phát triển mạnh, toàn tỉnh đã cơ bản xóa xã trắng nghề, số làng nghề trên toàn tỉnh hiện nay là 152 làng, có 23 làng nghề phát triển mạnh trên quy mô xã, thu hút 230 ngàn lao động, đóng góp tích cực vào việc phân công lại lao động trong khu vực nông thôn và thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, để cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, chặng đườn phía trước của công nghiệp Thái Bình còn rất dài và nhiều khó khăn, thử thách. Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp Thái Bình cần thực hiện được bước đột phá mạnh mẽ với những giải pháp hiệu quả, thích hợp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, kết hợp với điều kiện của một tính xuất phát từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhiệm vụ chiến lược của ngành công nghiệp nói riêng và của các cấp, các ngành trong tỉnh là:
- Đẩy mạnh mở rộng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung theo quy hoạch phát triển công nghiệp và quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2010. Phấn đấu đến năm 2010, cả tỉnh có 10 khu công nghiệp tập trung với diện tích 1.500 ha; mỗi huyện, thành phố có từ 2-3 cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu quy hoạch vùng nguyên liệu và phân công lại lao động giữa các địa phương trong tỉnh. Trong quá trình phát triển, phải chú ý phát triển theo chiều rộng, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển theo chiều sâu và phát huy tối đa được những lợi thế hiện có của tỉnh về nguồn lao động dồi dào, có trình độ văn hóa cao để tăng cường đưa khoa học, công nghệ vào sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, giảm lao động sống và lao động vật hóa trong giá thành, tạo ra sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
- Về cơ cấu ngành nghề và phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp: Cần nhanh chóng xây dựng mô hình công nghiệp 3 tầng trong mối tác động đẩy kéo. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn với công nghệ phù hợp làm vệ tinh cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho công nghiệp cấp tỉnh. Bên cạnh việc phát triển các làng nghề theo mục tiêu đến năm 2010, toàn tỉnh có 200 làng nghề đạt tiêu chuẩn để giải quyết lao động tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương” cần nhanh chóng thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc các huyện.
Để có một nền công nghiệp hiện đại, cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, đồng thời lựa chọn một số ngành mũi nhọn xuất phát từ lợi thế so sánh của tỉnh để thu hút đầu tư, tạo sự đột phá mạnh mẽ cho bước phát triển rút ngắn, bằng cách tập trung tranh thủ sự ủng hộ của Chính Phủ và các bộ, ngành, các Tổng công ty 90, 91, xây dựng các cơ sở công nghiệp Trung ương trên địa bàn trở thành đầu tàu động lôi kéo công nghiệp địa phương phát triển về cả quy mô và công nghệ. Đặc biệt, tập trung thăm dò, khai thác khí đốt tại Tiền Hải, Thái Thụy và thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ để cung cấp nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp, trước mắt, mở rộng các cơ sở sản xuất gốm, sứ, thủy tinh hiện nay về cả chiều rộng và chiều sâu, tiến tới xây dựng Thái Bình từ cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp sử dụng khí đốt ở khu vực miền Bắc với các nhà máy điện, đạm, thép, vật liệu xây dựng công suất lớn.
Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để cải tiến nền nông nghiệp, chuyển mạnh nông thôn từ sản xuất tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa là một yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa có chính chiến lược đối với Thái Bình. Để tiêu thụ hết sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cánh đồng đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm, đẩy mạnh phát triển phát triển biển, cần xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu để có số lượng sản phẩm đủ lớn với chất lượng đáp ứng nhu cầu cung cấp cho các nhà máy chế biến. Việc quy hoạch ngành công nghiệp chế biến cần kết hợp chặt chẽ với quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch công nghiệp chế biến vùng, để đảm bảo hiệu quả cao và đưa công nghiệp trở thành nhân tố quan trọng, thúc đẩy mở rộng kinh tế thị trường trên phạm vi toàn tỉnh.
Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, phát triển rút ngắn là một cuộc cách mạng, bởi đây là sự biến đổi về chất, đưa tỉnh Thái Bình từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu công nghiệp – xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng thấp trong GDP thành một tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế tiên tiến. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa phát triển rút ngắn, chỉ có thể diễn ra khi có giải pháp mạnh mẽ, hợp lý về nguồn nhân lực, về vốn, về khoa học, công nghệ, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Là một tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế, cần phải chú trọng đến việc dành nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa – xã hội, còn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thu hút từ trong dân, từ các thành phần kinh tế, từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đang đặt ra cho ngành công nghiệp nói riêng và các cấp, các ngành trong tỉnh những cơ hội mới, đồng thời những thách thức, khó khăn quyết liệt, đòi hỏi mỗi cơ quan quản lý nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động khi bước vào hội nhập để phát triển bền vững.
Với điều kiện thực tại của tỉnh, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 30% trong GDP và góp phần cùng cả nước đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 50-60%, là một mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi có sự tập trung cao độ của Đảng bộ, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống của người Thái Bình và truyền thống 45 năm, ngành Công nghiệp nhất định sẽ đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa Thái Bình trở thành trở thành tỉnh có công, nông nghiệp, dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh./.