Đà Nẵng - Cơ hội đầu tư và phát triển công nghiệp

Tên gọi Đà Nẵng xuất hiện cách đây khoảng 500 năm. Năm 1858, thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam ở Đà Nẵng. Năm 1888, Đà Nẵng còn có tên Tourane là nhượng địa, đất mà triều đình nhà Nguyễn gia

Với một vị trí đặc biệt thuận lợi về giao thông, Đà Nẵng có sân bay quốc tế hiện đại, đang phát huy thế mạnh vị thế cảng biển, một cảng nước sâu (11m), kín gió, nơi neo đậu an toàn cho tàu bè khi có giông, bão. Nhiều tàu du lịch với hàng ngàn du khách bốn phương đã cập cảng Đà Nẵng. Từ một cảng biển của con đường tơ lụa tiêu biểu nổi tiếng trong lịch sử, Đà Nẵng sẽ trở thành cửa mở ra Thái Bình Dương, của hành lang Đông Tây trong thế kỷ XXI. Hành lang này đi qua một vùng rộng lớn quan trọng từ Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia đến Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam và xa rộng hơn nữa là Bắc ấn Độ, Nam Trung Quốc, Myanmar, hình thành sự liên kết kinh tế sôi động, giao lưu văn hoá phong phú, tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cả vùng. Đà Nẵng nằm ở giữa ba di sản văn hoá thế giới: Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và có 30 km bờ biển với những bãi tắm tuyệt vời, những cảnh đẹp nổi tiếng, nhất định sẽ là một vùng du lịch phát triển mạnh trên đất nước Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ. Ngoài 05 khu công nghiệp lớn tập trung với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và cơ chế quản lý thoáng mở, thành phố Đà Nẵng còn đầu tư xây dựng 04 khu cụm công nghiệp để phục vụ tốt nhất mọi nhu cầu của các doanh nghiệp. Đây sẽ là những cánh cửa rộng mở chờ đón các nhà đầu tư.
Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, thành phố Đà Nẵng đã có vị thế mới trên bước đường xây dựng và phát triển trong sự đi lên ổn định của cả nước. Kinh tế Thành phố có nhịp độ phát triển khá liên tục, hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc khai thác và phát huy nội lực của Thành phố được đẩy mạnh, sự đầu tư của nhân dân vào sản xuất kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị có những bước đột phá. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, chính trị - xã hội trên địa bàn được ổn định, an ninh quốc phòng ngày càng củng cố. Trong gần 8 năm qua, thành phố Đà Nẵng thật sự là một công trường xây dựng lớn và sôi động ở khu vực miền Trung, góp phần thay đổi diện mạo, tạo ra thế và lực mới cho thời kỳ phát triển tiếp theo.
Tốc độ tăng trưởng GDP thành phố bình quân giai đoạn 1997-2001 đạt 10,6%/năm; trong đó công nghiệp tăng 16,6%, dịch vụ 7,77%, nông nghiệp 3,5%. Năm 2004, năm thứ tư liên tiếp kinh tế Thành phố tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tăng dần (GDP 2001 tăng 12,13%, 2002 tăng 12,56%, 2003 tăng 12,62%, 2004 tăng 13,3%).  Giá trị SXCN tăng 20,17%, dịch vụ tăng 7,12%, nông nghiệp tăng 5,64% so với năm 2003. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn1997-2001 đạt 1.014 triệu USD, tăng bình quân 17,16%. Năm 2004, xuất khẩu đạt 400 triệu USD, tăng 21,69% so với năm 2003. Tổng đầu tư toàn xã hội 5 năm (1997-2001) đạt 9.024 tỷ đồng,  tăng bình quân hàng năm 27,97%. Năm 2004 đạt 5.518 tỷ đồng tăng 68,8% so với năm 2003. Trong 5 năm (1997-2001), Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 82.000 lao động. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm là 2,09%0. Riêng năm 2004 đã giải quyết việc làm cho 24.136 lao động, 36.000 hộ được vay vốn xoá đói giảm nghèo với số tiền 113 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa 384 ngôi nhà tình thương với kinh phí 3,29 tỷ đồng, đưa 2.451 hộ thoát nghèo và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,13% (185 hộ). GDP bình quân đầu người năm 2004 đạt 12,54 triệu đồng.
Với cơ cấu kinh tế - xã hội đã được xác định đến năm 2010 là “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp”, công nghiệp thành phố Đà Nẵng đang thực sự là một đầu tàu thúc đẩy kinh tế của cả thành phố tiến lên. Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã tập trung phát triển các khu công nghiệp từ các nguồn đầu tư của Thành phố gắn với việc ưu đãi cho các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tiến hành có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, nên trong năm qua hoạt động đầu tư trên địa bàn Thành phố đã có những khởi sắc; nhiều dự án lớn đang được chuẩn bị và triển khai đầu tư như, dự án sản xuất lốp ôtô 2-3 triệu bộ/năm, dự án luyện và cán thép 250.000 tấn/năm, dự án sản xuất sữa 75 triệu lít/năm, đóng và sửa chữa tàu 5.000 – 10.000 tấn, sản xuất ôtô, xe máy, thiết bị viễn thông, điện thoại di động, dây và cáp điện, cụm liên hợp sợi dệt …
Thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trung tâm Công nghiệp, Công nghệ thông tin của miền Trung, rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn, đủ sức tham gia AFTA, WTO; là thành phố Công nghiệp trước năm 2020 và là một trong những địa phương dẫn đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước với các phương hướng cụ thể sau:
1 - Xây dựng công nghiệp theo hướng mở, đa ngành, tận dụng lợi thế của thành phố và khu vực để củng cố và hình thành doanh nghiệp mới theo nhiều quy mô, nhiều thành phần; trong đó đặc biệt chú ý hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn đủ khả năng cạnh tranh, chuyển đổi mạnh cơ cấu công nghiệp theo  hướng hiệu quả, có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2010, các doanh nghiệp lớn của Thành phố đều có mối kiên kết, hỗ trợ trên toàn vùng; khu vực kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 60% GTSXCN trên địa bàn.
2 - Phát triển công nghiệp theo hướng có chọn lọc, đột phá vào những ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ cao, hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; coi trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất tư liệu sản xuất, các mặt hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, các ngành hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh lân cận và cả nước. Trước mắt, ưu tiên một số sản phẩm thuộc các ngành: Điện - điện tử - tin học; cơ - kim khí; Vật liệu mới. Hình thành các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường dựa vào lợi thế so sánh của Thành phố.   
3 - Xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một ngành kinh tế chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao, và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của Thành phố, chú trọng công nghiệp phần mềm. Từ nay đến năm 2010, tập trung xây dựng công nghiệp phần mềm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm tối thiểu 50%.
4 - Tiếp tục đầu tư, mở rộng các cơ sở công nghiệp thu hút nhiều lao động thuộc các ngành dệt, may, da, giày;...; phục vụ nhu cầu của khu vực như sản xuất vật liệu xây dựng (xi-măng, gạch ngói, sứ vệ sinh, kính), thuỷ tinh...; chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống... Sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp hiện có, cải tạo, chuyển hướng sản xuất và có kế hoạch di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến khu vực xa dân cư.
5 - Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp tập trung Liên Chiểu, Hoà Khánh, Đà Nẵng, Hoà Cầm, Thọ Quang và thu hút đầu tư trong và ngoài nước để lấp kín các khu công nghiệp đó. Phát triển các khu công nghiệp mới và các cụm công nghiệp nhỏ.
6 - Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về GTSXCN bình quân trong giai đoạn 2006-2010 trên 20%/năm. Đến năm 2010, giá trị SXCN đạt trên 22.000 tỷ đồng, tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (trên 50%) trong GDP của Thành phố, lao động ngành công nghiệp chiếm khoảng 38 - 40% tổng số lao động có việc làm. Giá trị xuất khẩu công nghiệp chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.
 Đà Nẵng đang cùng cả nước bước vào cạnh tranh và hội nhập, vừa phấn đấu để trở thành một Thành phố động lực, một trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của miền Trung và Tây Nguyên, vừa vươn lên sánh vai với các thành phố trong khu vực, vừa không ngừng cải thiện cuộc sống của mọi cư dân Thành phố, vì hạnh phúc của con người. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hợp tác, mong muốn được học hỏi các bạn. Chúng tôi cam kết sẽ dành cho các bạn sự hợp tác thiện chí nhất, những điều kiện thuận lợi nhất và tin chắc các bạn sẽ thành công.

  • Tags: