Đối với doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài, từ tháng 7/1999 đến nay, mức lương tối thiểu được quy định bằng đồng Việt Nam với 4 mức là 626.000, 556.000, 487.000 và 417.000 đồng/tháng, áp dụng cho các vùng khác nhau. Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, mức lương không thấp hơn 290.000đồng/tháng.
2. Thang lương, bảng lương
Nhà nước ban hành 21 thang lương và 25 bảng lương với quan hệ tiền lương tối thiểu, trung bình, tối đa là 1, 1,82 và 7,06 áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được quyền vận dụng thang lương, bảng lương do Nhà nước ban hành hoặc tự xây dựng và đăng ký với cơ quan lao động địa phương.
3. Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập
Đối với doanh nghiệp nhà nước, việc lập kế hoạch tiền lương và xác định đơn giá tiền lương phải gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giám đốc được quyền chủ động trong việc trả lương cho người lao động gắn với năng suất lao động, hiệu quả và mức độ đóng góp của từng người. Nhà nước thực hiện chức năng thẩm định, kiểm soát và điều chỉnh. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Nhà nước quy định mức lương tối thiểu, quy định các nguyên tắc có tính chất định hướng, làm căn cứ để doanh nghiệp cụ thể hoá mức tiền lương, tiền công theo điều kiện cụ thể của từng ngành nghề. Doanh nghiệp quyết định trả lương cho người lao động căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mức tiền công trên thị trường và thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể.
4. Đánh giá
Qua 8 năm thực hiện chế độ tiền lương mới, có thể đánh giá như sau:
a) Mặt được.
- Đã thực hiện được một số mục tiêu đặt ra của tiền lương tối thiểu, mức lương đã được “tiền tệ hoá”, phương pháp xác định có căn cứ khoa học. Nhà nước công bố mức lương tối thiểu phù hợp với các loại hình doanh nghiệp đã thúc đẩy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, tính đúng chi phí tiền lương, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, tăng tiền lương gắn với tăng lợi nhuận, hiệu quả của doanh nghiệp.
- Hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước ban hành là cơ sở để chuyển xếp lương, đánh giá chất lượng đội ngũ lao động, ký kết hợp đồng lao động, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trả lương cho những ngày nghỉ theo chế dộ quy định của Bộ luật Lao động.
- Cơ chế quản lý tiền lương của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp được quyền chủ động trong xác định chi phí tiền lương cho người lao động. Tiền lương, thu nhập của người lao động từng bước gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; mối quan hệ giữa tiền lương, tiền thưởng và lợi nhuận được giải quyết hợp lý hơn; vai trò quản lý của Nhà nước về tiền lương, thu nhập được tăng cường một bước.
b. Mặt chưa được.
- Mục tiêu đặt ra tính đúng, tính đủ lương tối thiểu là khá cao so với sức phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay. Mặt khác, tiền lương tối thiểu mới được xem xét chủ yếu trong khu vực Nhà nước chưa có sự liên kết giữa các khu vực, vì vậy, nhìn chung tác dụng của mức lương tối thiểu còn hạn chế, phạm vi áp dụng hẹp, chưa thực sự là cơ sở hình thành mức tiền công trên thị trường sức lao động. Chưa phân biệt sự khác nhau giữa tiền lương tối thiểu của các doanh nghiệp với tiền lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp. Chưa làm rõ những căn cứ xây dựng và áp dụng mức lương tối thiểu vùng, ngành, chưa quy định mức lương tối thiểu giờ.
- Hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước ban hành không bao trùm hết ngành nghề, công việc. Tiền lương theo thang, bảng lương với mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 25%-30%) lương thực tế và thu nhập của người lao động.
- Việc thống nhất quản lý chi phí tiền lương ở đầu vào chưa hoàn toàn gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở đầu ra của doang nghiệp nhà nước. Việc đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập và cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp chưa đồng bộ. ở nhiều doanh nghiệp, tốc độ tăng tiền lương bình quân lớn hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Việc hằng năm, Nhà nước giao đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường, tạo cho giám đốc ỷ lại, không chịu trách nhiệm và không năng động để tính toán, quyết định đúng đắn chi phí tiền lương gắn với lợi nhuận;
Từ những đánh giá nêu trên rút ra một số kết luận như sau:
1. Chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường là đúng đắn, tiền lương được coi là giá cả sức lao động, hình thành trên thị trường theo nguyên tắc thoả thuận; Tiền lương trở thành động lực đối với người lao động và là điều kiện để doanh nghiệp hạch toán đúng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp.
2. Sự đa dạng các hình thức sở hữu và thị trường lao động phát triển không đồng đều giữa các vùng, không cho phép định ra chính sách tiền lương thống nhất, mà đòi hỏi việc đổi mới chính sách tiền lương phải được thực hiện từng bước cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, để một mặt đáp ứng được yêu cầu đổi mới, mặt khác tránh được tác động xấu gây bất ổn cho nền kinh tế và khó khăn cho đời sống của người lao động. Điều đó thể hiện ở những điểm sau:
- Về bước đi của đổi mới chính sách tiền lương bắt đầu từ cải cách năm 1993 và được bổ sung, điều chỉnh vào các năm 1994, 1997, 2000, 2001 và 2003 là quá trình phù hợp. Yêu cầu đòi hỏi đổi mới nhanh hơn để có một chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh là chưa làm được, vì nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, kinh tế thị trường đối với nước ta còn mới, thị trường lao động chưa phát triển, nhận thức về đổi mới chưa đầy đủ, vẫn nặng nề cách quản lý trước đây, kinh nghiệm tích luỹ và mô hình phù hợp để học hỏi còn ít, nên quá trình đổi mới là quá trình vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện.
- Quá trình đổi mới đã tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, vì các doanh nghiệp này còn bị ảnh hưởng nhiều của cơ chế quản lý tập trung trước đây và so với các doanh nghiệp thuộc thành phần sở hữu khác thì các yếu tố thị trường ở đây mới bắt đầu hình thành nên chưa hoàn chỉnh và đồng bộ;
- Nội dung đổi mới đã tập trung vào các chính sách cơ bản có tính quyết định đến sự thay đổi toàn bộ chính sách tiền lương, đó là mức lương tối thiểu và cơ chế quản lý tiền lương. Sự thay đổi mức lương tối thiểu đã tạo điều kiện tách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp, thực hiện việc tính đủ chi phí tiền lương trong giá thành và phí lưu thông. Đổi mới cơ chế quản lý đã phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng sản xuất kinh doanh, quyền của chủ sở hữu và quyền của đơn vị sản xuất, kinh doanh; chính sách tiền lương vĩ mô và vi mô, bảo đảm hài hoà mối quan hệ lợi ích;
3. Cải cách chính sách tiền lương phải được đặt trong tổng thể cải cách chính sách kinh tế, xã hội có liên quan, trước hết là đổi mới chính sách tài chính doanh nghiệp; cải cách chế độ bảo hiểm xã hội, chính sách thất nghiệp, mất việc làm. Đồng thời phải đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở để bảo đảm quyền đại diện hợp pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Cần tiếp tục làm rõ và thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước là quy định và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách.
Định hướng cải cách
Cải cách chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất, kinh doanh theo định hướng quán triệt các chủ trương, chính sách của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết TW 3, khoá IX; Phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và khắc phục những tồn tại trong cơ chế, chính sách tiền lương hiện hành, nhằm tạo điều kiện tốt để phát huy nguồn lực lao động phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nội dung cơ bản của cải cách chính sách tiền lương như sau:
1. Về tiền lương tối thiểu:
Nhà nước công bố mức lương tối thiểu chung áp dụng cho lao động xã hội, mức lương tối thiểu này được coi là mức thấp nhất hay còn gọi là mức “sàn”. Người sử dụng lao động không được trả lương cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường thấp hơn mức lương tối thiểu chung này. Trên cơ sở mức lương tối thiểu chung, Nhà nước quy định mức lương tối thiểu áp dụng trong doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nghiên cứu để tiến tới thực hiện việc qui định mức lương tối thiểu chung giữa các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời quy định tiền lương tối thiểu giờ làm việc không đủ giờ trong ngày, trong tuần, trong tháng.
2. Về thang lương, bảng lương:
Nhà nước quy định các nguyên tắc về xây dựng thang lương, bảng lương, trên cơ cở đó, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương của mình. Trước mắt, có thể Nhà nước ban hành một số thang lương, bảng lương khung (bảng lương lãnh đạo doanh nghiệp; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; thang lương công nhân công nghiệp; thang lương công nhân nông lâm nghiệp; bảng lương công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) để doanh nghiệp dựa vào đó xây dựng các thang, bảng lương phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Đi liền với việc ban hành hệ thống thang, bảng lương, doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân và chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức để làm cơ sở xếp lương, thi nâng bậc, ngạch lương, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề.
3. Cơ chế quản lý tiền lương:
Đối với doanh nghiệp nhà nước: Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp và chính sách tiền lương do Nhà nước ban hành, doanh nghiệp chủ động xây dựng định mức lao động, quỹ lương kế hoạch và xác định đơn giá tiền lương trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân và theo quan hệ tối đa: 0,8/1 và lợi nhuận bình quân đầu người không thấp hơn năm trước liền kề. Trường hợp lợi nhuận giảm thì tiền lương giảm tương ứng (trừ trường hợp đặc biệt Nhà nước cho phép). Nếu lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch được giao thì doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận tăng thêm, tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện bình quân của doanh nghiệp để phân phối trực tiếp cho người lao động và dự phòng quỹ tiền lương cho năm sau. Đối với doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định thì đơn giá tiền lương được thực hiện ổn định trong thời hạn từ 2 - 3 năm. Trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện, doanh nghiệp chủ động ký kết hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả. Mức lương thấp nhất trả cho lao động giản đơn không thấp hơn mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.
Doanh nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự kiểm tra của Hội đồng quản trị, đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động, định mức lao động, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, quy chế trả lương, nâng bậc lương, thực hiện chế độ tiền thưởng cho người lao động. Giám đốc phải chịu trách nhiệm giải quyết mọi chế độ từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp đối với người lao động không có việc làm do tuyển lao động vượt quá yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Nhà nước quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng với Hội đồng quản trị và Giám đốc theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, căn cứ vào chính sách tiền lương do Nhà nước quy định và điều kiện sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang, bảng lương hoặc vận dụng thang lương, bảng lương khung của Nhà nước để xây dựng, ban hành thang, bảng lương của doanh nghiệp làm căn cứ kí kết hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động và đăng ký với cơ quan lao động địa phương. Doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển dụng, đào tạo lao động, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, định mức lao động, đơn giá tiền lương, quy chế tuyển dụng lao động, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng.
Bước đi và giải pháp:
Về bước đi: năm 2002 hoàn chỉnh và ban hành cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết TW3, khoá IX và hướng dẫn sửa đổi Bộ luật Lao động; Ban hành chế độ tiền lương phụ cấp đối với Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát tổng công ty nhà nước và tiền thưởng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Ban hành cơ chế trách nhiệm và khuyến khích vật chất, tinh thần đối với giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Năm 2003, khi Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp thì đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cũng ban hành các nguyên tắc để doanh nghiệp xây dựng hoặc hệ thống thang lương, bảng lương để doanh nghiệp vận dụng, bảo đảm đồng bộ với khu vực hành chính, sự nghiệp.
Về giải pháp: Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết TW3, khoá IX, trong đó tập trung giải quyết tốt chính sách đối với lao động dôi dư; Tiếp tục thực hiện việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; Tuỳ theo bước đi của việc đổi mới quan lý doanh nghiệp và tuỳ từng loại hình để xây dựng các chính sách phù hợp; cải cách cần tiến hành đồng bộ với khu vực hành chính, sự nghiệp và quá trình đổi mới quản lý doanh nghiệp./.