Việt Nam đã thua kiện bán phá giá cá tra – cá ba sa tại Mỹ. Nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta thua kiện, và chúng ta cần những biện pháp chống lại những vụ kiện tương tự có hiệu quả, không nên cứ tự an ủi mãi: “Chỉ là biện pháp của Mỹ bảo vệ sản xuất nội địa” và “ Đi ngược với hiệp ước song phương hai nước và tinh thần tự do mậu dịch.”

Xin được giải thích thêm về “phá giá.” Chúng ta thường hiểu “phá giá” nghĩa là bán dưới giá thị trường. Tại một chợ đầu mối rau quả,  ai cũng bán thanh long với giá 10.000 đồng/1 kg, bỗng nhiên có người bán với giá 7.000 đồng, thì bị bà con bạn hàng cho là bán phá giá.

Trong nền kinh tế thị trường, chê trách người “phá giá” theo nghĩa các tiểu thương nước ta hay dùng là sai. Trong kinh tế thị trường, cứ giá nào có người mua thì ta cứ bán, không thể chê trách việc đó được.

Cái “phá giá” mà ta quen nghĩ đó không phải là “phá giá” khi nói trong thương mại quốc tế. Trên thị trường quốc tế, “phá giá” theo định nghĩa của WTO (Tổ chức Mậu dịch Thế giới) có nghĩa giá bán xuất khẩu của một món hàng rẻ hơn ở thị trường nơi sản xuất ra nó, hoặc giá bán xuất khẩu thấp hơn chi phí sản xuất ra món hàng đó.

Vụ cá basa dĩ nhiên không phải là vụ bán phá giá đầu tiên, hay duy nhất, hay quan trọng nhất, trong các vụ bán phá giá. Nhiều nước trên thế giới cũng đi qua cửa ải này nhiều lần. Và cả hai chiều: vừa là nước bị kiện, vừa là nước đi kiện.
Thực tế, không phải chỉ có nước giàu kiện nước nghèo. Trong năm 2002, trong khi Nhật Bản không mở một cuộc kiện phá giá nào, thì ấn Độ mở 76 hồ sơ kiện bán phá giá, trong đó có 12 vụ kiện Trung Quốc; 9 vụ kiện Cộng đồng Âu châu, và 3 vụ kiện Mỹ.

Trong năm 2002, Top Ten kiện là những nước sau đây: ấn Độ 76 vụ; Mỹ 58 vụ; Argentina 26 vụ; Cộng đồng Âu châu 23 vụ; Brazil 16 vụ; Australia 16 vụ; Thổ Nhĩ Kỳ 15 vụ; Peru 11 vụ; Ai Cập 8 vụ; Thái Lan 7 vụ. Vô địch bị kiện phá giá là Trung Quốc, tổng cộng 39 vụ. Nhưng trong 58 vụ Mỹ khởi tố năm 2002 lại không có một đối tượng Trung Quốc nào.
Các con số này cho thấy, chuyện bán phá giá là chuyện rất “thường ngày ở huyện” trong thương trường quốc tế, không theo một quy luật riêng nào về “nước giàu hay nước nghèo”, “nước lớn hay nước nhỏ”. Muốn tham gia mậu dịch, phải làm quen với chuyện kiện và bị kiện bán phá giá.

Như đã nói, WTO có hai định nghĩa phá giá.

Định nghĩa thứ nhất là nước A xuất khẩu một món hàng sang nước B mà giá bán tại nước B thì thấp hơn giá bán tại nước A.

Bán giá rẻ hơn giá ở nước B không phải là phá giá.Thí dụ, một chiếc xe ô tô  làm ra ở Việt Nam chẳng hạn, bán ở Việt Nam giá 80.000 USD mà chở qua Mỹ bán thì giá chỉ có 30.000 USD.

Như vậy có vô lý không? Nếu ai đó thấy vô lý thì có lẽ đang mang trong mình tư tưởng của nền kinh tế phi thị trường, chứ không phải kinh tế thị trường.
Trong kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận chuyện giá bán của một món hàng là một thứ không thể phân tích được, trước khi đem món hàng đó đi bán. Nếu đã nói là kinh tế thị trường, thì phải chấp nhận nguyên tắc căn bản, đó là giá mua giá bán một món hàng chỉ tùy thuộc cung cầu mà thôi. Cung cao mà cầu thấp thì giá thấp, cung thấp mà cầu cao thì giá cao.
Như vậy, một chiếc xe nếu ở Việt Nam không cung đủ cho cầu thì tự nhiên giá nó cao (và riêng ở Việt Nam giá ô tô cao còn do nhiều nguyên nhân khác). ở Mỹ cung nhiều hơn cầu thì tự nhiên giá nó thấp. Chiếc xe đó dù sản xuất ở Nhật Bản hay ở đâu khác thì cũng thế.

Xét theo bản chất nền kinh tế thị trường và mậu dịch tự do, không có lý gì cấm một hãng không thể xuất khẩu với giá thấp hơn giá bán trong nội địa. Nhưng WTO lại cho phép các quốc gia được áp dụng điều này.
Thế còn định nghĩa thứ nhì của WTO thì sao? Định nghĩa thứ nhì của WTO là “phá giá” là bán dưới chi phí làm ra món hàng. WTO lại cho phép tính lại “chi phí” nếu giá thành các “chi phí” đã bị các yếu tố ngoài thị trường tự do làm cho giảm đi một cách giả tạo.

Định nghĩa này đi ngược lại lý thuyết kinh tế thị trường. Trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá bán một sản phẩm sẽ bằng chi phí biên làm ra sản phẩm đó. Mà chi phí biên thì nhỏ hơn chi phí trung bình. Tức là nếu bán với giá chi phí biên sẽ vi phạm luật cấm phá giá. Như vậy, chính WTO lại chống lại việc tham gia một thị trường cạnh tranh hoàn hảo?

Vả lại, tất cả các nghiên cứu kinh tế đều kết luận rằng, xưa nay không ai bán dưới chi phí mà tồn tại được, nếu không có sự bảo trợ của nhà nước. Trên lý thuyết, có thể có trường hợp, trong một thị trường mà các nhà sản xuất phải bỏ ra 10 đồng để bán một món hàng 11 đồng, một tay đại gia có thể bán giá 9 đồng, chịu lỗ 1 một đồng, bán cho đến khi các cơ sở nhỏ hơn chịu không nổi, sạt nghiệp, tay đại gia nắm tuốt thị trường, lúc ấy tha hồ nâng giá lên 12, 13, 14 đồng hay hơn để bù lại lỗ cũ mà không sợ mất khách hàng.
 Nhưng cũng có thể thành công được nếu phần lỗ đó có ai đó thật lớn tài trợ. Đó là trường hợp một nước nào đó muốn khuyến khích xuất khẩu nên tài trợ cho các công ty bán xuất khẩu giá rẻ, lỗ nhà nước chịu. Điều này thì có thể xảy ra, và đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây chính là một yếu tố “ngoài thị trường” làm cho các chi phí sản xuất giảm đi “một cách giả tạo.”
Tuy nhiên, đã có hiệp ước riêng về việc chống tài trợ. Hiệp ước này mang tên “Agreement on Subsidies and Countervailing Measures.” Trong giới chuyên môn về ngoại thương, người ta gọi tắt hiệp ước này là CVD, là thuế áp dụng khi hàng nhập khẩu đã được tài trợ. Còn chuyện phá giá là “anti-dumping”, tên chính thức của nó là “Agreement on the implementation of Article VI” – điều 6 của vòng thương lượng Uruguay là nói về phá giá. Giới chuyên môn gọi nó là “AD”. Thực tế, người ta hay nói “AD-CVD” như là một thứ, nhưng thực ra nó là hai thứ.

Muốn đánh thuế quan tài trợ thì cứ việc đánh thuế quan tài trợ (CVD), lại bày ra thêm cái thuế quan chống phá giá (AD) làm gì?

Có thể kết luận rằng, chuyện WTO chống phá giá, dù đã định nghĩa phá giá một cách rất chi li và có vẻ như rất văn minh, nói cho cùng cũng vô lý và đi ngược lại tinh thần mậu dịch tự do.

Chúng ta cần hiểu rằng, đừng có mang cái lập luận “anh kiện tôm của tôi là đi ngược tinh thần tự do mậu dịch” ra mà nói.

Như vậy, WTO sinh ra cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Âu đó cũng là quy luật tự nhiên trong thuyết âm dương ngũ hành “Trong hoạ có phúc và trong phúc có hoạ”. Có người cho rằng, thà có một WTO, trong đó có hàng nghìn điều có lợi cho mậu dịch tự do, và trong đó cũng có đôi điều đi ngược lại mậu dịch tự do, còn hơn không có gì cả.

Chỉ có cách là chấp nhận cái sự thực đó, và làm ăn theo đúng cách để không phá giá – theo lối định nghĩa của WTO.

Việc thua kiện phá giá cá basa và vụ kiện tôm chưa rõ thắng thua, đó chỉ là một trong nhiều bài toán Việt Nam sẽ phải đương đầu khi buôn bán với nước ngoài. Thương trường quốc tế không phải là chỗ dễ chơi, muốn hội nhập còn phải học hỏi nhiều lắm.

  • Tags: