Một giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả khai thác hầm lò

Theo chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 và dự báo đến năm 2030, thì nhu cầu về than đến năm 2005 là 14-16 triệu tấn, đến 2010 là 20-23 triệu tấn và đến năm 2020 là 24-27 triệu tấn,

Để giải quyết các vấn đề trên, Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) đã chủ trương đổi mới công nghệ, đưa vào áp dụng các sơ đồ công nghệ khai thác cho công suất cao, tiến tới cơ giới hóa từng phần và đồng bộ cơ giới hóa khai thác hầm lò. Giai đoạn hoàn thiện đầu tiên là đưa vào sử dụng vì chống thuỷ lực (cột thuỷ lực và giá thuỷ lực di động) chống giữ gương lò chợ thay thế các loại vì chống khác (cột chống gỗ, cột chống ma sát).
Từ tháng 3/1998, lò chợ cột thuỷ lực đơn đầu tiên được đưa vào chống giữ thử nghiệm trong lò chợ số 3 vỉa 8 Trụ – Tây Vàng Danh – Công ty Than Vàng Danh, các lò chợ tiếp theo được đưa vào áp dụng tại vỉa 14-5 Công ty Than Khe Chàm, vỉa 7 Tây Vàng Danh – Công ty Than Vàng Danh, vỉa 9B Quay Tây Công ty Than Mạo Khê và vỉa 8 Xí nghiệp Nam Mậu – Công ty Than Uông Bí.
Sau thời gian thử nghiệm thành công, hàng loạt các lò chợ cột thuỷ lực đơn đã được các Công ty đưa vào sử dụng như vỉa 12, vỉa 10 Công ty Than Dương Huy; vỉa 9B Đông, vỉa 9 đông – Công ty Than Mạo Khê; vỉa 4, vỉa 7, vỉa 8 và vỉa 9 Cánh Gà - Công ty Than Vàng Danh; vỉa 9 Xí nghiệp Than Khe Tam – Công ty Than Quảng Ninh; vỉa 13 Xí nghiệp 86 – Công ty Đông Bắc; vỉa 8 khu II Xánh Gà, vỉa 9 Than Thùng – Công ty Than Uông Bí.v.v…
Có thể nói, tốc độ “vì chống thuỷ lực hóa” trong các mỏ hầm lò phát triển rất nhanh chóng. Năm 1998, mới có 3 lò chợ áp dụng thử nghiệm cột thuỷ lực đơn, đến năm 2001 đã có 8 lò chợ cột thuỷ lực đơn và 6 lò chợ giá thuỷ lực di động. Đến nay, hầu hết các mỏ than hầm lò đã sử dụng vì chống thuỷ lực…
Đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ lớn, đặc biệt quan trọng của TVN để nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, tạo tiền đề cho sự nghiệp cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp than Việt Nam.
Trong qui trình đổi mới công nghệ khai thác than hầm lò, với các thành tựu đạt được của việc áp dụng vì chống thuỷ lực chống giữ gương khai thác, TVN đã và đang triển khai đưa công nghệ khai thác cơ giới hóa vào áp dụng tại các khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ thuận lợi. Lò chợ đầu tiên được lựa chọn áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác cơ giới hóa bằng máy combai kết hợp giá thuỷ lực di động và đã thành công là lò chợ tại mức –10 ữ +32 vỉa 14-4 Công ty Than Khe Chàm. Trong thời gian tới, công nghệ khai thác cơ giới hóa sẽ được mở rộng áp dụng ở các khu vực vỉa dốc thoải, dốc nghiêng có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ thuận lợi thuộc các Công ty Than Mạo Khê, Dương Huy, Nam Mẫu… đồng thời, công nghệ này cũng sẽ được nghiên cứu áp dụng trong các khu vực có điều kiện địa chất phức tạp với vỉa dày, vỉa dốc đứng, hình dạng hình học phức tạp… nhằm tăng sản lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu than cho thị trường.
Trong suốt 5 năm qua, với sự mong muốn đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và lòng quyết tâm cao độ, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của TVN, các công ty khai thác than hầm lò đã phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ trong việc nghiên cứu các điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ, lập dự án khả thi và thiết kế thi công áp dụng vì chống thuỷ lực, cho các đơn vị khác trong TVN như Công ty Than Nội địa. Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác quốc tế, Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp lập kế hoạch mua vật tư, thiết bị đồng bộ của các Công ty đối tác, là Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Tây, Công ty Thiết bị đồng bộ Bắc Kinh (Trung Quốc), khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị về hiện trường, tiếp nhận và lắp đặt vật tư thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án.
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn lao động, TVN đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ công nhân trực tiếp tham gia vào dây chuyền công nghệ chóng giữ lò bằng vì chống thuỷ lực, chỉ đạo Viện Khoa học Công nghệ Mỏ biên soạn và ban hành Hướng dẫn áp dụng cột thuỷ lực đơn và giá thuỷ lực di động trong các mỏ than hầm lò. Các công ty đã tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện về hộ chiếu chống giữ, sử dụng đồng bộ thiết bị, quy trình công nghệ, các biện pháp an toàn và trách nhiệm cá nhân trong dây chuyền công nghệ. TVN còn tổ chức nhiều đoàn cán bộ, công nhân sang Trung Quốc, Nga, Ukraina tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm thực tế về áp dụng vì chống thuỷ lực…
Quá trình áp dụng vì chống thuỷ lực đã đạt được những kết quả quan trọng. Sản lượng khai thác và năng suất lao động tăng cao, chi phí gỗ giảm từ 2-3 lần so với công nghệ khai thác truyền thông tại các lò chợ chống cột thuỷ lực đơn và gần như bỏ hoàn toàn gỗ trong các lò chợ giá thuỷ lực di động, điều kiện lao động của công nhân làm việc trực tiếp trong hầm lò được cải thiện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân đã được đào tạo và nâng cao trình độ, thuần thục trong vận hành và sử dụng vì chống thuỷ lực. Hiệu quả kinh tế khi áp dụng vì chống thuỷ lực là:
- Giảm tổn thất than từ 10-15% dẫn đến giảm chi phí đào lò chuẩn bị sản xuất;
- Tăng sản lượng khai thác lò chợ từ 45.000 tấn/năm lên 85.000 tấn/năm-100.000 tấn/năm, cải thiện đáng kể các chỉ tiêu khác như vật liệu nổ và các vật liệu phụ khác, tăng năng suất lao động trực tiếp lên đến 3,9 tấn/ công;
- Ngoài ra, do tăng sản lượng khai thác lò chợ nên chi phí quản lý tính trên đầu tấn than khai thác giảm (chi phí quản lý, thuế đất, chi phí vốn chung của toàn mỏ – vốn cố định, vốn lưu động…);
- Bình quân chi phí trực tiếp cho giá thành 1 tấn than nguyên khai giảm hơn so với chống gỗ trong cùng điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ (9.000đ-14.000 đ/tấn khi áp dụng cột thuỷ lực di động).
Trong quá trình áp dụng vì chống thuỷ lực tại các mỏ hầm lò nảy sinh một số điểm còn tồn tại, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và phát triển công nghệ nhằm đạt hiệu quả sản xuất và tăng mức độ an toàn lao động. Đó là:
- ảnh hưởng của điều kiện đá vách và đá trụ đến công tác điều khiển áp lực mỏ trong các sơ đồ công nghệ khai thác áp dụng vì chống thuỷ lực đặc biệt đối với giá thuỷ lực di động.
- Mối tương quan giữa chiều dày vỉa than và chiều cao khấu hợp lý khi sử dụng vì chống thuỷ lực nhằm cải thiện điều kiện chống giữ, mức độ an toàn lao động và giảm thiểu tối đa tổn thất than do công nghệ.
- Yếu tố góc dốc vỉa tác động đến lựa chọn sơ đồ công nghệ khai thác sử dụng vì chống thuỷ lực, lựa chọn loại hình vì chống thuỷ lực thích hợp, các giải pháp kỹ thuật xử lý trong quá trình khai thác khi cục bộ góc dốc vỉa than thay đổi do biến động địa chất.
- Các nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của các lò chợ chống giữ vì thuỷ lực.

  • Tags: