Một số tác động của việc Trung Quốc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến Công nghiệp Việt Nam

Sau hơn 25 năm mở cửa và hội nhập để phát triển, Trung Quốc đã nhận được những khoản tín dụng khổng lồ từ hầu hết các nước tư bản phát triển. Với những khoản tín dụng rất lớn đó, kinh tế Trung Quốc tr

Ý thức được tiềm năng và thế mạnh của mình, Trung Quốc đã quyết định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay từ năm 1985 (lúc đó còn mang tên Hiệp định Thuế quan và Mậu dịch - GATT) và đến cuối năm 2001, Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của WTO.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO có ý nghĩa rất quan trọng đến Việt Nam, vì đây là quốc gia láng giềng lớn, có nhiều mối quan hệ, trước hết là quan hệ kinh tế với thể chế và trình độ phát triển có nhiều nét tương đồng. Việc Trung Quốc gia nhập WTO sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, làm nảy sinh nhiều thách thức và cơ hội trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

1. Tác động đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Theo báo cáo của UNCTAD (Bảng 1), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc luôn giữ vị trí hàng đầu trong số các nước đang phát triển. Sau khủng hoảng tài chính-tiền tệ khu vực, luồng FDI vào châu á có giảm xuống một chút, song mức giảm lại tập trung vào các nước ASEAN. (Xem bảng 1).

Có nhiều nguyên nhân để giải thích hiện tượng trên như:

- Trung Quốc có lợi thế so sánh về lao động rẻ, tài nguyên dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để mở rộng mạng lưới chi nhánh nhằm tăng lợi nhuận, thị phần và doanh số.

- Về cơ cấu ngành kinh tế, việc gia nhập WTO của Trung Quốc sẽ có lợi lớn cho các ngành dệt may, điện tử, mô tô-xe máy... là những ngành Trung Quốc đang chiếm ưu thế: Giá nhân công rẻ, tỷ lệ nội địa hóa cao, thị phần trong và ngoài nước rộng lớn và theo đó, giá trị gia tăng xuất khẩu cao. Lợi thế này càng hấp dẫn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, khiến cho họ tích cực đẩy mạnh đầu tư vào những ngành này trên cơ sở các lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Điều dễ nhận thấy là năm 1995, có tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã thuộc về các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Do đó, việc Trung Quốc gia nhập WTO tạo cho họ cơ hội duy trì lợi thế này để thụ hưởng ưu đãi, từng bước kiểm soát thị phần thế giới. Theo xu hướng này, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc.

- Chính phủ Trung Quốc thực hiện xoá bỏ nhiều thủ tục hành chính; cản trở khả năng tiếp cận thị trường địa phương; cũng như trong điều hành chính sách vĩ mô để hấp dẫn đầu tư, tích cực xây dựng hệ thống hạ tầng, kiên quyết chống nạn tham nhũng... và đặc biệt, các rủi ro về kinh tế - chính trị được giảm thiểu ở Trung Quốc (do có độ ổn định cao), đã khiến cho các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Trung Quốc.

- Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính mạnh mẽ hơn Việt Nam, nhất là với các giao dịch tài khoản vãng lai, tài khoản vốn. Chẳng hạn Trung Quốc cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán mạnh hơn, cho giữ tỷ lệ cổ phần trong các doanh nghiệp theo quy định cũng cao hơn Việt Nam. Chính vì vậy mà dòng vốn đầu tư chảy vào đây rất mạnh. Hiện các tập đoàn xuyên quốc gia đang muốn biến Trung Quốc thành công xưởng sản xuất cho cả thế giới. Quý 1/2005, Trung Quốc đã thu hút tới 43 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong khi lượng đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2005 chỉ đạt 3,4 tỷ USD.  

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phần lớn đều được thực hiện từ các nền kinh tế Đông á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản) trong khi FDI vào Trung Quốc được thực hiện từ các nước phát triển nhất như EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản, nên tiềm lực và tính ổn định của các dòng FDI vào Trung Quốc cao hơn.

- FDI vào Trung Quốc có 2 thời kỳ rõ rệt: Thời kỳ nửa đầu những năm 1990, FDI tập trung vào những ngành chế biến xuất khẩu, nhưng từ nửa cuối những năm 1990, lại tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh và tiêu thụ trên thị trường nội địa là chính. So với thị trường nội địa Trung Quốc, ưu thế này của Việt Nam thấp hơn nhiều.

Như vậy, có thể nhận xét rằng, chưa tính đến việc Trung Quốc gia nhập WTO, FDI vào Trung Quốc đã có nhiều lợi thế hơn hẳn Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung. Ngay cả thời điểm châu á lâm vào khủng hoảng tài chính-tiền tệ, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số một.

2. Tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất hàng công nghiệp

Trung Quốc chỉ chiếm có 4% GDP toàn thế giới, nhưng do duy trì mức tăng trưởng cao nên đã tiêu thụ tới 20% sản lượng nhôm, 35% sản lượng sắt thép và than, 45% sản lượng xi măng, 19% sản lượng dầu mỏ của thế giới; chiếm một nửa mức tăng nhu cầu về năng lượng toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ. Theo ông Lester Brown, Chủ tịch Viện chính sách địa cầu, một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở đặt tại Washington, Trung Quốc đang nhập nhiều loại sản phẩm như quặng sắt, nhôm, đồng, platinum, phốt phát, dầu lửa, khí đốt, gỗ, bông vải với những khối lượng khổng lồ. Điều này khiến cho giá hàng hóa trên thị trường thế giới và chi phí vận tải đường biển gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm, Trung Quốc cần một nguồn năng lượng cao gấp 7 lần ở Nhật Bản, gấp 5 lần ở châu Âu. Vì vậy, Trung Quốc đã chiếm một nửa mức tăng nhu cầu về năng lượng của thế giới, đặc biệt là dầu mỏ (xem thêm Bảng 2). Điều này đã  tạo ra những hiệu ứng rất mạnh với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, giá một loạt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như hạt nhựa, clinke, dầu mỏ, phôi thép, sợi dệt... tăng mạnh trên thị trường thế giới đều có chung nguyên nhân là bị sức hút mạnh từ thị trường Trung Quốc. Với những quốc gia có các sản phẩm này để xuất khẩu thì thu lợi lớn, còn với Việt Nam thì ngược lại. Hầu hết những nguyên liệu đầu vào đó, chúng ta không tự sản xuất được mà phải nhập khẩu. Chính sự lệ thuộc này đã làm cho sản xuất trong nước bị tác động mạnh. Với các ngành sản xuất thép, dệt may, xi măng... thời gian qua chi phí đầu vào tăng cao, làm cho nhiều doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu bị mất thị trường do sức cạnh tranh giảm, hoặc không còn lợi nhuận khi đầu vào tăng mà đầu ra không tăng được (vì những sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có giá rẻ hơn). (xem bảng 2)

Ngoài ra, do sức hút mạnh mẽ nhu cầu nguyên liệu của “công xưởng” Trung Quốc mà các tài nguyên của Việt Nam rất dễ chảy sang Trung Quốc như hiện tượng chảy máu quặng sắt, thiếc, than đá trong thời gian vừa qua. Nếu như chúng ta chủ yếu vẫn xuất thô hoặc khai thác bừa bãi như hiện nay thì những nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai bị cạn kiệt và gây nên tác động xấu đến môi trường. Nói cách khác, chúng ta trở thành nơi cung cấp tài nguyên, khoáng sản để phát triển công nghiệp Trung Quốc.     

3. Tác động đến thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp

Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam và Trung Quốc có một số thị trường xuất khẩu chung như Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU... Với việc gia nhập WTO, Trung Quốc được các nước phát triển, các nước công nghiệp hóa dỡ bỏ những hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Mặt khác, giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng có một số mặt hàng chủ chốt xuất khẩu sang những thị trường này như hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử dân dụng, thủ công mỹ nghệ - sản phẩm sử dụng lao động tập trung và hàm lượng tài nguyên cao, chất xám ít. Đây là những mặt hàng Trung Quốc đang chiếm ưu thế cả về khối lượng lẫn thị phần do có lợi thế cạnh tranh về giá cả nên áp lực cạnh tranh lại đè nặng lên hàng hóa Việt Nam. Do vậy, những mặt hàng vừa kể trên của Việt Nam đã khó cạnh tranh ngay khi Trung Quốc chưa là thành viên WTO thì nay lại càng khó cạnh tranh hơn. Ngoài ra, khi đồng Nhân dân tệ chưa áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt, vẫn ấn định ở mức 1 USD ăn 8,27 NDT trong một thập kỷ qua, khiến hàng hóa Trung Quốc giành nhiều lợi thế trên thị trường thế giới.

4. Tác động đến thị trường nội địa Việt Nam

Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 100 mặt hàng, trong đó có nguyên liệu (than đá, dầu thô, quặng sắt, cao su thiên nhiên...), lương thực, nông sản, thủy hải sản tươi sống, động vật nuôi, một số ít hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Ba mặt hàng chính là dầu thô, hải sản, hoa quả chiếm tỷ trọng ngày một tăng về khối lượng lẫn giá trị. Còn hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vào khoảng 200 loại, gồm thiết bị, máy móc cơ khí, phương tiện vận tải, thiết bị y tế, hóa chất, máy nông nghiệp, dệt may, da giày, hàng điện tử, hàng tiêu dùng... Năm 2004, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng hơn 47% so với năm 2003. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ bằng 50% giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam. Nghĩa là, trong năm 2004, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc khoảng 2,5 tỷ USD hàng hóa là tài nguyên thô, sản phẩm chưa qua chế biến và nhập về khoảng 5 tỷ USD hàng hóa là các sản phẩm được xếp vào nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, chiều dài đường biên giới trên đất liền giữa hai nước khoảng 1.350 km, với nhiều cửa khẩu và đường mòn qua lại là cơ hội cho hàng tiêu dùng nhập lậu qua biên giới vào thị trường Việt Nam (vụ buôn lậu Hang Dơi năm 2002 là một điển hình).

Với ưu thế vượt trội về năng lực cạnh tranh, nhiều sản phẩm tiêu dùng như dệt may, điện tử dân dụng... của Trung Quốc, đặc biệt là nhóm các sản phẩm rẻ tiền, chất lượng thấp hoặc không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước phát triển, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh doanh, gia tăng thị phần và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp Việt Nam.

5. Tác động đến việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp

Sự thu hút đầu tư nước ngoài vượt trội của Trung Quốc sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Trung Quốc, cũng đồng nghĩa Việt Nam mất đi nhiều cơ hội tạo ra việc làm cho người Việt Nam. Theo ước tính, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, bình quân mỗi năm họ tạo ra thêm 10 triệu việc làm. Điều này đồng nghĩa, nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam sẽ bị mất đi đáng kể cơ hội tạo ra việc làm cho người lao động.

Tóm lại, việc Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song hành với quan hệ láng giềng thân thiện giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện đã đặt ra nhiều thách thức cho công nghiệp Việt Nam. Tất nhiên, bên cạnh những thách thức như vừa nêu trên, công nghiệp nói riêng cũng như các ngành kinh tế khác của Việt Nam nói chung, cũng có nhiều cơ hội to lớn.

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Trần Quốc Hùng (2002), Trung Quốc vào WTO: Cơ hội và thử thách, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh

2. Thu H. (2004), “Trung Quốc: Lại một năm tăng trưởng cao”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2004 - 2005 Việt Nam và thế giới, tr. 93.

3. Đỗ Tiến Sâm-Lê Văn Sang (2002), Trung Quốc gia nhập WTO và tác động tới Đông Nam á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Thông tấn xã Việt Nam (2003, 2004, 9 tháng đầu năm 2005), Kinh tế Việt Nam và thế giới, các số trong năm tương ứng.

  • Tags: