Niên vụ 2002- 2003, sản lượng cà phê của toàn quốc đạt khoảng 680.000 tấn, xuất khẩu đạt 691.421 tấn, trong đó Đắc Lắc đạt sản lượng 366.493 tấn, giảm 89.496 tấn so với niên vụ trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng trồng cà phê không phù hợp, cho sản lượng thấp, do đó diện tích đất trồng bị thu hẹp. Ngoài ra có cả nguyên nhân thiếu vốn đầu tư trong khi giá vật tư có xu hướng tăng lên, giá tiêu thụ mặc dù tăng, nhưng chưa bù đắp nổi chi phí tái đầu tư. Về xuất khẩu, tổng số lượng cà phê thực hiện niên vụ 2002- 2003 là 292.525 tấn, đạt kim ngạch là 195,21 triệu USD, so với niên vụ trước có giảm 20% về lượng, song lại tăng 45% về giá trị. Có thể thấy rất rõ, niên vụ 2002- 2003, kim ngạch cà phê đã tăng trưởng trở lại sau 3 niên vụ liên tiếp giá cà phê giảm xuống thấp. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được củng cố, một số thị trường khó tính có sức mua lớn như Mỹ, Đức tiếp tục ổn định, có sức tăng trưởng khá ở một số thị trường Pháp, Bỉ và Hàn Quốc. Điều đó chứng tỏ chất lượng cà phê của ta đã đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại khá lớn mà muốn giải quyết, đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể.
Muốn nâng cao chất lượng, phải bắt đầu từ công nghệ
Đắc Lắc hiện nay có khoảng 100 cơ sở chế biến cà phê nhân, trong đó có 19 doanh nghiệp nhà nước trung ương, 14 doanh nghiệp nhà nước địa phương, 1 doanh nghiệp liên doanh, 1 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này có công suất bình quân từ 5.000- 20.000 tấn/ năm, được đầu tư hệ thống thiết bị tương đối đồng bộ, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, hệ thống thiết bị không đồng bộ, chủ yếu là hoạt động tái chế lại cà phê nhân mua của dân, chế biến cà phê bột có 11 doanh nghiệp có quy mô vừa, có nhãn hiệu trên thương trường và khoảng vài trăm cơ sở sản xuất nhỏ có quy mô hộ gia đình.
Chế biến cà phê nhân ở Đắc Lắc hiện đang tồn tại 3 loại công nghệ: chế biến ướt, chế biến nửa ướt và chế biến khô. Chế biến ướt là loại công nghệ tiên tiến cho cà phê chất lượng cao, có tác dụng khuyến khích nông dân trồng trọt, thu hái, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, tuy nhiên lại đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, chất lượng nguyên liệu đầu vào khá khắt khe, tỷ lệ quả chín phải đảm bảo trên 90% và cà phê sau thu hái không được để quá 3 ngày. Tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê nhân theo công nghệ ướt khoảng 30.000- 40.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng cà phê nhân toàn Tỉnh. Hệ thống thiết bị của các nhà máy này lại không hoàn toàn giống nhau, do bố trí hệ thống máy móc trong dây chuyền và sử dụng các kiểu máy có cấu tạo, nguyên lý vận hành khác nhau, điển hình là khâu loại bỏ tạp chất, xát tươi và phơi sấy. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị thiếu vốn, nên việc đầu tư thường tiến hành theo nhiều giai đoạn, với nhiều chủng loại máy và do nhiều nơi chế tạo.
Chế biến nửa ướt là loại công nghệ chế biến chủ yếu tồn tại trong các hộ nông dân thường xát dập cà phê quả tươi để phơi khô nhanh. Đây là loại công nghệ có thể gây nguy hiểm cho chất lượng cà phê, vì vỏ thịt và nhớt vẫn còn giữ lại nên dễ sinh nấm mốc và đen hạt nếu gặp mưa. Hiện nay, nhiều hộ nông dân đang sử dụng loại thiết bị xát kiểu trống được cải tiến, có thể loại bỏ gần như toàn bộ vỏ thịt quả và không dùng nước, do đó đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm nước thải, song sử dụng loại máy này cũng yêu cầu nguyên liệu có tỷ lệ quả chín cao và nếu đầu tư thiếu đồng bộ thì chất lượng cà phê cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cuối cùng là chế biến khô. Hiện Đắc Lắc có 27 doanh nghiệp áp dụng loại công nghệ chế biến khô, trong đó có 6 doanh nghiệp có hệ thống thiết bị chế biến khô đồng bộ nhập của Brazil tương đối hiện đại, công suất mỗi dây chuyền khoảng 2 tấn/h, còn lại do trong nước chế tạo, chiếm khoảng 80% sản lượng cà phê còn lại là được chế biến khô trong dân, sau đó được các doanh nghiệp thu mua tái chế để xuất khẩu. Chế biến khô có nhược điểm là chi phí cho phơi, sấy khá cao, thời gian phơi dài, nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, tạp chất chưa tách bỏ ngay từ đầu, nên ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, đặc biệt là các hộ nông dân do thiếu sân phơi và các thiết bị phơi sấy, nên chất lượng cà phê thường rất kém.
Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp thương mại đầu tư hệ thống tái chế cà phê nhân mua xô của dân. Hệ thống thiết bị này chỉ bao gồm công đoạn tách bỏ tạp chất, phân loại, đánh bóng, đóng bao cà phê nhân. Một số doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ, có máy phân loại màu như Công ty 2/9, Công ty xuất nhập khẩu Đắc Lắc, Đắc sMal, ÔLam… Nhược điểm của việc tái chế cà phê là các doanh nghiệp thiếu sự gắn kết với vùng nguyên liệu và nông dân nên không khuyến khích nông dân sản xuất chế biến cà phê có chất lượng.
Một thực tế đáng quan tâm là cho đến nay, chưa có một cơ quan, viện nghiên cứu nào chính thức nghiên cứu, chế tạo một số dây chuyền thiết bị chế biến cà phê đồng bộ, hoàn chỉnh, có quy mô phù hợp với các mô hình sản xuất của Đắc Lắc. Cả vấn đề xử lý nước thải khi chế biến cà phê cũng chưa được giải quyết triệt để. Theo kiến nghị của Sở Công nghiệp tỉnh Đắc Lắc, chỉ có một giải pháp duy nhất trong giai đoạn hiện nay để nâng cao chất lượng cà phê là thực hiện một chương trình khuyến khích chế biến cà phê ướt. Đây phải là chương trình đồng bộ từ khâu trồng trọt, thu hái, bảo quản, chế biến tới tiêu thụ, trong đó cần chú trọng nhất là công tác hỗ trợ vốn chuẩn bị đầu tư và giúp đỡ thực hiện phát triển các nhà máy chế biến cà phê. Cũng theo Sở Công nghiệp Đắc Lắc, nếu thực hiện chương trình với một khoản kinh phí khoảng 1 tỷ/năm, với mục tiêu trên 40% sản lượng cà phê được chế biến ướt trong 3 năm, thì có thể cho ra đời từ 10- 15 nhà máy có quy mô vừa trở lên và khoảng 100- 150 xưởng chế biến ướt quy mô nhỏ với lượng vốn đầu tư ước khoảng 130 tỷ, sẽ cho hiệu quả như sau: sản phẩm được chế biến ướt tăng thêm 160.000 tấn, lợi ích tăng thêm khoảng 10- 16 triệu USD.
Đăng ký thương hiệu cho cà phê
Cà phê là sản phẩm chủ lực và đặc thù của Đắc Lắc so với những địa phương khác trong nước cũng như nước ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cà phê, góp phần phát triển các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm này đóng trên địa bàn Đắc Lắc, bảo vệ tài sản quý giá của tỉnh, việc xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm cà phê là việc làm rất cần thiết. Đây cũng là một vấn đề đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và doanh nghiệp quan tâm lâu nay, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đó không hoàn toàn là một việc đơn giản.
Vấn đề đặt ra khi tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu, đó là sử dụng từ “Buôn Ma Thuột” hay là “Đắc Lắc” vì nếu sử dụng Buôn Ma Thuột thì chỉ những đơn vị đóng trên địa bàn Buôn Ma Thuột mới được phép sử dụng, những đơn vị ở các địa bàn khác trong tỉnh thì không, đặc biệt, nếu bảo hộ theo đối tượng sở hữu công nghiệp là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì bắt buộc sản phẩm phải có nguồn gốc tại Buôn Ma Thuột. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản phẩm cà phê vì sản lượng cà phê được sản xuất trên địa bàn Thành phố chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ của Tỉnh.
Nếu đăng ký bảo hộ theo đối tượng sở hữu công nghiệp là Nhãn hiệu hàng hoá thì ngoài từ Buôn Ma Thuột hoặc Đắc Lắc còn có thể đi kèm với lôgô. Như ta đã biết, từ “Đắc Lắc” chưa được các nước biết đến nhiều, nhất là cà phê Đắc Lắc, ngược lại, cà phê Buôn Ma Thuột thì đã trở nên quá quen thuộc. Nếu ta sử dụng nhãn hiệu hàng hoá có cấu tạo từ lôgô và chữ Buôn Ma Thuột đi kèm, đồng thời có các quy định rõ ràng về tính chất, chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị khi sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nói trên và được sự cho phép của UBND tỉnh, thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê của Đắc Lắc có thể sử dụng được.
Và xây dựng chợ giao dịch
Xây dựng chợ cà phê Buôn Ma Thuột kết hợp sàn giao dịch cà phê là phương án kết hợp trên 2 dự án Chợ cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt và Sàn giao dịch cà phê của Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam. Với mục đích, sẽ trở thành một trung tâm giao dịch và tiêu thụ cà phê của Tây Nguyên và cả nước, Chợ giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột là nơi cung cấp thông tin tập trung cho các thương nhân có tham gia sản xuất, kinh doanh ngành cà phê, đồng thời là nơi hỗ trợ nông dân làm quen với phương thức mua bán, tập quán giao dịch cà phê trên thị trường thế giới, hỗ trợ khuyến nông, tài chính, ngân hàng, thông tin… Ngoài ra, tại Chợ giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, các doanh nghiệp và nông dân còn có thể giao dịch các mặt hàng nông sản khác có khối lượng lớn của vùng Tây Nguyên như hạt điều, hạt tiêu, ngô, bông, ong mật… Dự tính, Chợ sẽ nằm tại khu vực Quốc lộ 14, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc với diện tích 5 ha và tổng vốn đầu tư là gần 48 tỷ đồng. Phương án tổ chức hoạt động sẽ được tổ chức như sau: một Ban quản lý khoảng 30 người, phương thức hoạt động là mua bán thông qua giao dịch trực tiếp tại Chợ hoặc thông qua hệ thống mạng hoặc Internet của Chợ.
Phát triển nhanh, quy mô lớn, hiệu quả cao- đó là 9 chữ tóm tắt những điều mà ngành cà phê Đắc Lắc đã đạt được trong 25 năm qua. Chỉ mới có khoảng 100 năm lịch sử, nhưng ngành cà phê Việt Nam đã thực sự trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Và nói đến cà phê Việt Nam là phải nói đến Đắc Lắc, nói đến sự phát triển với tốc độ thiên lý mã của một tỉnh đất đỏ bazan mầu mỡ, mênh mông, một trung tâm sản xuất cà phê của cả nước. Khắc phục được những tồn tại cơ bản trên, cà phê Đắc Lắc nói chung, ngành cà phê Việt Nam nói riêng chắc chắn sẽ phát triển bền vững hơn./.