Một số ý kiến về phát triển Tập đoàn Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

1. Thực trang phát triển ngành Bia-Rượu-Nước giải khát của Việt Nam. Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, trong thời gian qua, ngành Bia -

Một số doanh nghiệp thuộc ngành hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, khả năng cạnh tranh cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là những đơn vị đóng góp tích cực trong toàn Ngành bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, huy động tối đa công suất thiết bị hiện có, nâng cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh địa phương và một số doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong toàn quốc.

Sản lượng sản xuất cụ thể của từng loại được mô tả trong bảng dưới đây:

Toàn Ngành có 50 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.324,7 triệu USD. Trong đó có 25 dự án hoạt động theo hình thức 100% vốn nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký 622 triệu USD, 24 dự án liên doanh với số vốn đầu tư đăng ký 702,69 triệu USD và một dự án hợp doanh sản xuất nước khoáng đóng chai.

Trong khi các ngành sản xuất rượu và nước giải khát chủ yếu vẫn duy trì các hoạt động đầu tư đã có với những tên tuổi như: Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội, Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây, Công ty Rượu Đồng Xuân, Công ty Cổ phần Vang Đà Lạt, Công ty Coca-Cola Việt Nam và Công ty Nước giải khát quốc tế IBC (Pepsi) v.v... thì sản xuất bia đạt mức tăng trưởng mạnh và thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất.

Có thể kể các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất bia như sau: Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội đã hoàn thiện dự án nâng công suất Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám lên 100 triệu lít/năm (năm 2004), đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, nâng sản lượng sản xuất từ 78 triệu lít bia năm 2003 lên 95 triệu lít bia năm 2004; và đang triển khai Dự án đầu tư mới Nhà máy Bia tại Vĩnh Phúc công suất 100 triệu lít/năm. Hoàn thành xong Dự án đầu tư chiều sâu, đổi mới, hiện đại hóa thiết bị công nghệ của Công ty cổ phần Bia Thanh Hoá, nâng năng lực sản xuất từ 20 triệu lít lên 50 triệu lít năm 2004.

Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn đã đầu tư chiều sâu, nâng công suất Công ty Bia Sài Gòn từ 160 triệu lít lên 210 triệu lít/năm; đầu tư Nhà máy Bia Sài Gòn-Cần Thơ với công suất 15 triệu lít/năm và tiếp nhận Nhà máy Bia Sóc Trăng của địa phương từ hoạt động thua lỗ, nợ đọng thuế nay đang phát triển hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp tại địa bàn, thu nộp ngân sách cao. Ngoài ra, Tổng công ty đang tiến hành thực hiện dự án đầu tư mở rộng công suất như: Dự án Nhà máy Bia Củ Chi, công suất 200 triệu lít bia/năm.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về bia và vươn lên giữ vai trò chủ đạo, hai Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội và Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục, triển khai các giai đoạn trong các dự án đầu tư chiều sâu, mở rộng, đầu tư mới theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một số không đầu tư mới, cố gắng huy động hết công suất cho phép; một số doanh nghiệp sản xuất đã đạt công suất thiết kế và có nhu cầu đầu tư mở rộng năng lực sản xuất và đầu tư mới.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng; một số doanh nghiệp không chuyên sản xuất bia cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này như: Vinamilk, Vinashin, Vinataba… đã làm cho lĩnh vực đầu tư ngành bia trở nên sôi động và nóng bỏng.

Hiện nay, một số hãng bia nổi tiếng trên thế giới (Hoa Kỳ, Nam Phi, Đan Mạch,...) đang xúc tiến tìm hiểu thị trường bia Việt Nam và có mong muốn được hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp sản xuất bia hàng đầu ở Việt Nam để góp vốn, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng bia nội, mở mang thị trường xuất khẩu...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề cơ bản sau đây:

- Số lượng cơ sở sản xuất nhỏ tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều, phân tán, thiết bị công nghệ lạc hậu, chất lượng không ổn định, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không có hoặc có ít thị trường tiêu thụ, cạnh tranh không bình đẳng, nộp ngân sách Nhà nước thấp, sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ đọng thuế;

- Chủng loại và danh mục sản phẩm còn ít, nhãn mác bao bì chưa phong phú, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp nên cạnh tranh kém, xuất khẩu chưa đáng kể;

- Hàng giả, nhái nhãn mác, hàng nhập lậu trốn thuế… vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, không kiểm tra được, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nghiêm chỉnh;

- Ngành rượu chưa phát triển, công nghệ thiết bị lạc hậu, thiếu vốn cho đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh kém. Rượu cao cấp tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu, nhập lậu. Rượu sản xuất công nghiệp không cạnh tranh được với rượu dân tự nấu, rượu ngoại nhập lậu; Rượu nấu bằng phương pháp thủ công (tự nấu, tự tiêu thụ) chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào để kiểm soát chất lượng cũng như quản lý để bảo đảm an toàn, sức khoẻ người tiêu dùng;

- Hoa quả Việt Nam rất phong phú và đa dạng, nhưng công nghiệp chế biến còn nhỏ bé, chưa phát triển;

- Công tác quản lý nhà nước về kỹ thuật công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, biện pháp chống hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu còn lỏng lẻo, chưa phát huy tác dụng mạnh mẽ, nhất là quản lý rượu dân tự nấu.

Những tồn tại trên đây nếu không sớm khắc phục sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của các ngành Rượu – Bia - Nước giải khát, thậm chí đe doạ đến sự tồn tại của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Hình thành Tập đoàn Bia - Rượu  - Nước giải khát Việt Nam là giải pháp quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của ngành và của các doanh nghiệp

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII và IX đã khẳng định, nền kinh tế nước ta đang bước vào một thời kỳ mới của quá trình đổi mới và phát triển. Bước chuyển này gắn với sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, của sự gia tăng nhanh áp lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình này tạo ra cho nền kinh tế những cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những nhiệm vụ khó khăn và thách thức to lớn mới, nhất là khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới ( WTO).

Trên quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế, có thể nhận thấy một trong những vấn đề cấp bách nhất đặt ra hiện nay cho các nền kinh tế mỗi quốc gia và cho các yếu tố cấu thành của nó (ngành, vùng, doanh nghiệp, sản phẩm, v.v…) là nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh chỉ được nâng cao trên cơ sở tiếp tục đổi mới cơ chế kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng nhiều hình thức như: tăng quyền tự chủ, xây dựng và phát triển các tổng công ty, đẩy mạnh cổ phần hoá, v.v..; khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp và các luật thuế mới, v.v.. tạo ra những thúc đẩy mạnh mẽ năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tổng công ty đang thử nghiệm mô hình, hình thức tổ chức kinh doanh mới như mô hình công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế mạnh. Những mô hình này được đưa ra thảo luận sôi nổi trong phạm vi các giới hoạch định chính sách, giới kinh doanh và những nhà khoa học. Trong tổng thể các vấn đề đó, việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh nổi lên là một vấn đề có sức thu hút đặc biệt mạnh mẽ.

Trước hết, phải khẳng định rằng, tập đoàn kinh tế là vấn đề thực sự mới mẻ đối với nước ta, cả trên bình diện lý luận và thực tiễn. Nhưng sức thu hút của mô hình tập đoàn không chỉ bắt nguồn từ tên gọi, mà quan trọng hơn, nó xuất phát từ chính đòi hỏi của cuộc sống, của triển vọng phát triển dành cho hình thức tổ chức kinh doanh này trong việc góp phần giải quyết các vấn đề cạnh tranh, hội nhập và phát triển của một nền kinh tế đi sau, đã bị tụt hậu xa so với kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, xét từ góc nhìn quốc tế của một nền kinh tế mở cửa và hội nhập, dễ dàng nhận thấy một xu hướng đang rất nổi bật trong nền kinh tế thế giới hiện đại, đó là vai trò ngày càng tăng lên của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) - những tập đoàn kinh tế hùng mạnh đang chi phối mạng kinh tế toàn cầu.

Việc hình thành Tập đoàn Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam sẽ là giải pháp hữu hiệu để giúp các doanh nghiệp thuộc Ngành nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình, khắc phục được những tồn tại của Ngành. Thông qua việc liên kết, phối hợp hoạt động, mở rộng khả năng thu hút đầu tư, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển, Tập đoàn Bia - Rượu - Nước giải khát sẽ xây dựng và bảo vệ được thương hiệu các mặt hàng của mình không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn ở cả thị trường quốc tế.

3. Một số kiến nghị

Để tiến tới tập đoàn cần phải hội tụ đủ các yếu tố cần thiết như: tích tụ nguồn vốn; nâng cao năng lực sản xuất; tìm kiếm và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện mạng lưới tiêu thụ sản phẩm; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hoá ngành nghề sản xuất kinh doanh để vươn ra thị trường khu vực và thế giới một cách mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên bình diện thị trường quốc tế.

Muốn có được kết quả như vậy, ngay bây giờ, ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cần tập trung vào một số việc chính, bao gồm:

- Tích cực đào tạo và bổ sung đội ngũ lao động có hiểu biết về công nghệ, về khoa học kỹ thuật, về quản lý và về tài chính... đáp ứng được với đòi hỏi mới khi Việt Nam đã trở thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO;

- Hiện đại hoá công nghệ sản xuất, theo kịp với trình độ công nghệ của các nước trên thế giới;

- Đa dạng hoá danh mục và chủng loại sản phẩm gắn với chất lượng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Tăng khả năng phối hợp liên ngành, nhằm phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của Ngành.

Chắc chắn, trong một tương lai không xa, chúng ta cũng có thêm một tập đoàn đồ uống mang thương hiệu Việt Nam, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế nước nhà trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Tags: