Không hiểu tại sao họ nhà cò lại chọn khu vườn ông Bảy làm nơi cư trú lâu dài. Ban đầu chỉ có vài chục con đậu lại. Chẳng những không xua đuổi, ông Bảy Cò còn đào mương, thả cá để cò sinh sống và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cò trú ngụ. Từ đó đến nay, vườn cò của ông được mở rộng thêm, có diện tích 12.500 m2 và số lượng cò từ 100.000 con - 150.000 con, gồm hơn 20 chủng loại. Ông Bảy được xem như “nhà cò học” ở Nam bộ với vốn hiểu biết sâu rộng và nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cò. Vườn cò Bằng Lăng cũng là loại vườn chim độc đáo nhất nước. Sau khi qua hai cổng cầu vồng bằng tre du khách sẽ được dịp leo lên “đài quan sát” cao 8m để ngắm nhìn thoải mái khu vườn cò.
Các loại cò sống ở đây gồm cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Còn loại diệc nặng đến 3 kg. Ngoài họ hàng nhà cò, còn có một số loài thuộc bà con của nhà cò như vạc, bồ nông, cuốc, cồng cộc, bìm bịp, điên điển, bạc má, diệc… Đông nhất là cò ruồi lông trắng, mỏ vàng, giò đen. Giống này nhỏ con, chỉ nặng từ 400-500g, nhưng chiếm đến hơn 80% tổng số đàn có có mặt tại vườn. Cò ruồi về đây làm tổ từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch hàng năm. Còn loại cò cá lông trắng, mắt, mỏ và giò đen, về làm tổ từ tháng 8 năm trước cho đến tháng 2 Âm lịch năm sau. Cũng như cò ruồi, vào lúc cao điểm, cò cá cũng chiếm gần bằng số cò ruồi. Đặc biệt, giống cò ma không bao giờ đẻ và ấp trứng tại vườn. Cò ma có đặc điểm là khi bay toàn thân màu trắng, đến khi đậu thì cánh trắng, thân màu đen. Chúng chỉ đến đây cư ngụ qua đêm từ tháng 8 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Còn chim cồng cộc thì có bộ lông đen, mỏ và giò đều đen, có bàn chân như chân vịt.
Trời vừa hửng sáng, đàn cò lần lượt bay đi khắp nơi. Chúng thường kiếm mồi trên các ruộng lúa vừa mới gặt hái xong, thức ăn chủ yếu là cá, ốc, tép, cua còng, ếch nhái, cào cào, sâu bọ. Khoảng chừng 4-5 giờ chiều, chúng lần lượt bay về vườn cho đến khi trời tối hẳn mới hết. Lúc bấy giờ, chúng đậu trên cây giáp với bốn bề bờ rào bao xung quanh. Buổi chiều, sau khi đi ăn về, thỉnh thoảng có vài con bị mắc câu, mang theo cả cần câu bay về vườn. Chủ vườn phát hiện các con cò bị nạn, lấy sào đưa cò xuống đất, dùng cọng lá đu đủ cắt bỏ hai đầu, xỏ vào sợi dây câu, đưa cọng đu đủ vào bao tử cò đẩy nhẹ cho lưỡi câu tuột ra khỏi thành bao tử, sau đó bỏ vào bụi tre nuôi dưỡng vài ba hôm cho lại sức.
Cò đẻ trung bình mỗi lứa 4 trứng (mỗi ngày đẻ 1 trứng). Thời gian ấp là 17 ngày, tổng cộng cả thời gian đẻ và ấp là 21 ngày. Mỗi năm cò đẻ 4 lứa. Cò con chỉ 5 tuần lễ là biết bay, sáu tháng tuổi thì cò trưởng thành. Cò sinh trưởng ở đây, nhưng đi kiếm ăn xa rồi tìm bạn tình ở nơi khác rủ về. Khó có loài chim nào chịu khó (con cò lặn lội bờ sông) và có tính thuỷ chung như cò. Cò thường đi kiếm ăn theo từng cặp, có lúc thì đi theo đàn. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn phụ thêm hàng ngày. Mỗi năm, ông còn sửa sang lại “nhà cửa” cho chúng ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu.
Hiện nay, song song với sự phát triển thành phố Cần Thơ, vườn cò Bằng Lăng có nhiều điều kiện để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bên bờ sông Hậu.
Vườn cò Bằng Lăng
TCCT
Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Qua khỏi bắc Vàm Cống, từ ngã ba Lộ Tẻ xuôi theo Quốc lộ 80 khoảng 80 km, có cây cầu bắc qua con rạch nhỏ, cầu v