Đoàn xe chúng tôi xuất phát lúc 6h sáng tại Tổng công ty, đến 10h30 có mặt tại xã Tạ Xá. Chờ đón chúng tôi có cả các cụ già và các em nhỏ, đủ mọi thế hệ. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết về cuộc sống khó khăn của bà con. Bà Tuệ, ở thôn 8, xã Tạ Xá, năm nay đã 86 tuổi, ông nhà đã 93 tuổi, bà có 9 người con và 36 cháu. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn phải ngược xuôi kiếm sống, gần hết cuộc đời mà vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nâng niu bao gạo trên tay, giọng bà run run: “Sáng nay tôi đi khắp thôn để vay gạo về nấu cơm mà không ai có, may mà các chú lên sớm”.
Chia tay với người dân Tạ Xá chúng tôi lại lên đường đến với Trung Sơn - một xã miền núi heo hút. Vượt qua gần 20km đường rừng, chúng tôi có mặt tại Trung Sơn lúc trời đã xế chiều. Trung Sơn yên tĩnh, dân cư thưa thớt, cảnh vật rất hoang vu. Dọc đường đi, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà sàn chênh vênh bên vách núi. Ở đây, chúng tôi lại bắt gặp không khí vui mừng, phấn khởi của người dân khi đón từ tay đoàn những cân gạo mới, những bộ quần áo còn lành lặn mà CBCNV Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Hà Nội đã quyên góp và chia sẻ 01 ngày lương của mình cho họ.
Trở về Hà Nội, 5 giờ sáng ngày 15/5, đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên đường đến xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ để làm lễ trao nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Hà Thị Tình. Xóm Sinh Tiến vốn là xóm nghèo, chỉ toàn những ngôi nhà lợp lá cọ, lác đác mới có mấy ngôi nhà cấp 4 lợp ngói. Nhà của mẹ Tình nằm sâu trong xóm, còn chưa kịp hoàn thiện những khâu cuối cùng, nhưng hôm nay vẫn rộn tiếng nói cười của bà con đến chia vui. Để xây được ngôi nhà này, ngoài số tiền được anh em họ hàng mỗi người cho một ít, mẹ Tình đã được Công đoàn HABECO hỗ trợ 30 triệu đồng. Mẹ bảo, “Cả một đời người tôi đã sống trong ngôi nhà lợp lá cọ. Nhờ ơn Công đoàn mà giờ tôi được sống trong ngôi nhà mái ngói, mưa nắng không còn sợ nữa rồi”. Mẹ cười, nhưng từ đôi mắt của mẹ, nước mắt dâng đầy. Trong ngôi nhà của mẹ hiện đang có đủ “tứ đại đồng đường” cùng sống chung. Chắt nội của mẹ mới 7 tháng tuổi, yên bình ngủ trong nôi cạnh bếp lửa hồng cùng người mẹ trẻ. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu trông vào đồi cọ, rừng chè, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng một năm. Cho nên ngôi nhà ấy sẽ là mơ ước không bao giờ thực hiện nổi với mẹ Tình nếu như không có khoản tiền mà Công đoàn HABECO hỗ trợ.
Ông Trần Quý Cộng - Chủ tịch Công đoàn HABECO cho biết: Năm nào Công đoàn TCT cũng dành sự hỗ trợ cho một địa phương cụ thể. Năm nay Công đoàn lựa chọn tỉnh Phú Thọ để hỗ trợ. Qua hai đợt đi, Công đoàn Tổng công ty đã tặng tổng cộng 3,5 tấn gạo (trong đó Công ty CP Bia Hà Nội - Hồng Hà ủng hộ 0,5 tấn gạo), cùng quần áo quyên góp của CBCNV và hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ.
Qua những mệt nhọc của cả hai cuộc hành trình, tôi thấy mình thật may mắn vì đã được cùng Công đoàn HABECO đến thăm những hoàn cảnh khó khăn nhất của các tỉnh liên tục 4 năm qua. Từ chuyến đầu tiên lên Hà Giang, rồi thăm đồng bào Rục của tỉnh Quảng Bình, vào Quảng Trị và bây giờ là vùng cao Phú Thọ. Càng đi, chúng tôi càng thấy còn rất nhiều gia đình cần giúp đỡ. “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, Công đoàn HABECO đã cho tôi hiểu hơn đạo lý “Tương thân tương ái” của người Việt Nam mà mỗi CBCNV Tổng công ty đang thực hiện. Hy vọng, HABECO sẽ tiếp tục mang niềm vui và hạnh phúc đến với nhiều hơn những số phận, hoàn cảnh khó khăn trên mọi nẻo đường đất nước.