Xuân về trên công trường xây dựng khu kinh tế Dung Quất

Dung Quất là mảnh đất mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Quảng Ngãi. Đây là một khu vực biển trời, non nước khá thơ mộng và hùng vĩ. Không chỉ có thế, Dung Quất còn có một vịnh biển quanh năm nư

Tôi còn nhớ một lần về Dung Quất, cô bạn họa sĩ Trường Mỹ thuật công nghiệp đi cùng chúng tôi cứ tấm tắc khen cái Lô-gô Khu kinh tế Dung Quất sao mà “dễ thương” đến thế. Đó là tấm Lô-gô mà trên hình chữ nhật màu nhũ vàng, có hai chữ cái đầu tiên của từ Dung Quất được cách điệu xen vào nhau, ở giữa là hình cái cột dầu thẳng tắp đang rừng rực lửa. Nhìn tấm Lô-gô “dễ thương” ấy, sao tôi cứ nghĩ mãi về sự “truân chuyên” của Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên được xây dựng trên đất nước ta. Suốt từ năm 1997 cho đến đầu những năm 2000, các dự án của Nhà máy lọc dầu Dung Quất dường như dậm chân tại chỗ, chủ đầu tư đã hai lần thay đổi. Các tập đoàn dầu khí lớn ở nước ngoài dự định đầu tư xây dựng khi thì đưa ra những điều kiện khiến chúng ta thua thiệt, khi thì thiếu vốn...

Trong lúc chúng ta cần phải xây dựng Dung Quất thành trung tâm kinh tế của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bởi khu vực này đa phần là các tỉnh thuần nông, hầu như công nghiệp chưa có gì và tỷ lệ đói nghèo khá cao. Đã vậy, đây lại là nơi thường xuyên hứng chịu bao nhiêu cơn thịnh nộ của trời biển. Vì vậy, trong kỳ họp thứ 7 khoá XI năm 2005, Quốc hội đã ra Nghị quyết, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ở Khu kinh tế Dung Quất, mà chủ chốt là đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy lọc dầu số 1 để nhanh chóng đưa vào hoạt động. Theo tiến độ thi công, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được đưa vào sản xuất trong năm 2009. Hai năm nữa, nước ta sẽ có một nhà máy lọc dầu hiện đại, sản xuất hàng năm 6,5 triệu tấn xăng, dầu và một số sản phẩm khác từ dầu, đảm bảo cung cấp 1/4 tổng lượng xăng, dầu của cả nước vào cuối thập kỷ này.

Mục tiêu năm 2009 khánh thành Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất đã thúc giục chúng ta. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư đã hoạt động như một guồng máy. Nào hoàn chỉnh thiết kế tổng thể nhà máy, với công nghệ hiện đại, bảo đảm cho Nhà máy có thể sử dụng nguồn nguyên liệu là dầu thô mà chúng ta đã khai thác được, hoặc dầu thô nhập từ bên ngoài khi cần thiết; nào ký hợp đồng với nhà thầu đủ năng lực để xây dựng Nhà máy theo hình thức hợp đồng trọn gói, chìa khoá trao tay; nào đào tạo hàng ngàn cán bộ, công nhân kỹ thuật và chuyên gia để xây dựng, chuẩn bị cho việc tiếp nhận vận hành Nhà máy vào năm 2009...

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã tạo điều kiện cho Nhà máy lọc dầu hoàn thành với nhiều ưu đãi được cấp trên chấp thuận. Đó là, miễn nộp tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị trong quá trình xây dựng... Nhiều loại thuế khác cũng được giảm, trong đó giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài...

Để có nhiều công nhân lành nghề chuẩn bị cho các nhà máy đi vào sản xuất, Dung Quất đã thành lập một trường đào tạo công nhân với những lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Các Tổ hợp nhà thầu TPC gồm các đơn vị là Công ty Tech-nip (Pháp), Tech-nip Geo-pro-duc-tion (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tec-ni-cas Reunidas (Tây Ban Nha) và hàng chục nhà thầu lớn  trong nước và nước ngoài như Xin-ga-po, ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi ký hợp đồng đã cùng với 12.000 kỹ sư, công nhân Việt Nam và 500 chuyên gia nước ngoài biến Dung Quất thành một công trường xây dựng. Công trường xây dựng này đang tấp nập với khí thế chào xuân mới.

Những ngày đầu xuân này, từ Hà Nội nếu có về thăm Khu kinh tế Dung Quất, xin bạn chớ quên mang một cành đào Nhật Tân (dù còn rất ít) để tặng cho Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất, vì những kỳ công mà họ đã làm được trong mấy năm qua. Bạn hãy nhớ lại: Ngày 17/2/2003, lễ khởi công xây dựng Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đã được tổ chức. Trong khi Nhà máy đang được xây dựng thì ngày 20/2/2006, Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất được chính thức thành lập. Nằm ven bờ biển, Nhà máy đóng tàu có diện tích 120 ha, và 200 ha cụm công nghiệp phụ trợ, gồm Nhà máy sản xuất phụ kiện đóng tàu, sản xuất nội thất tàu,... Vật liệu đóng tàu chính như tôn, sắt nhập từ Trung Quốc, ấn Độ và một số nước khác. Tháng 8/2006, Công ty đã đóng một xà lan có trọng tải 18.000 tấn. Một tháng sau, Công ty lại khởi công đóng một tàu chở dầu thô có trọng tải 104.000 tấn. Hiện tại, Công ty đang triển khai xây dựng một số ụ khô dùng để bơm nước vào dùng lắp ráp tàu sau khi đóng. Các ụ này có thể lắp ráp  được tàu trên 400.000 tấn. Hiện nay, ụ số 1 đang thi công phần đáy. Đến cuối năm nay (2007), khi hoàn chỉnh sẽ dùng để lắp ráp con tàu 104.000 tấn. Và khi có ụ tàu thứ 2, Công ty sẽ lắp ráp được tàu 600.000 tấn trở lên. Thật là những con số kỷ lục mà không phải ngành Đóng tàu nước nào cũng làm được.

Tiếng lành đồn xa, tuy mới thành lập, nhưng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất đã có không ít khách hàng. Có 2 Công ty đặt đóng 6 con tàu, trong đó Công ty Xăng dầu đã đặt đóng 3 tàu có trọng tải lớn. Với công nghệ đóng tàu tiên tiến, với những  dây chuyền hiện đại, tự động, thay thế rất nhiều sức lao động của con người, nhất là các công đoạn nặng nhọc nên đã được nhiều khách hàng tin cậy. Công ty dự kiến, khi có đủ cơ sở hạ tầng trong vòng 2 tháng sẽ đóng xong 1 con tàu. Nhưng khó khăn không nhỏ của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất là vấn đề tuyển dụng lao động có tay nghề cao. Tuy đã có trường đào tạo, nhưng chỉ cung cấp cho Công ty mỗi năm được vài trăm người, mà theo kế hoạch của Công ty thì khi Nhà máy đóng tàu chính thức đi vào sản xuất ổn định, sẽ phải cần tới 10.000 lao động có tay nghề, mà chủ yếu là tay nghề cao.. 

Có thể nói, Khu kinh tế Dung Quất được hưởng chính sách đầu tư thông thoáng, ngoài Nhà máy lọc dầu, Nhà máy luyện cán thép, Nhà máy đóng tàu, đã có vài chục dự án được cấp phép và đang xây dựng. Hiện có khoảng hơn 40 đự án đã đi vào hoạt động. Cùng với các nhà máy, doanh nghiệp, cảng Dung Quất những ngày đầu xuân này cũng tấp nập những con tàu vào ra. Những con tàu đó sẽ chở sang Ma-lai-xi-a, Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác không chỉ là tinh bột mì, dăm gỗ... mà chở sang cả mùa xuân đầy sức sống của Việt Nam thời hội nhập. Hiện tại Cảng nước sâu Dung Quất mới chứa được tàu 30.000 tấn, chủ yếu phục vụ Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Dung Quất đang chuẩn bị mở một cảng nước sâu khác ngay cạnh cảng số 1, để đón những tàu có trọng tải lớn hàng trăm nghìn tấn có thể ra vào như những con thoi trên biển lớn.

Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có khu công nghiệp nặng, khu công nghiệp nhẹ, khu công nghệ cao, khu cảng biển, khu bảo thuế, các khu đô thị và khu du lịch sinh thái v.v... Tất cả những công trình này đang dựng xây đón mùa xuân mới Đinh Hợi, mùa Xuân đầu tiên khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
  • Tags: