Những ngày đầu mới thành lập, trong giai đoạn cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và cũng là thời kỳ giặc Mỹ bắn phá ác liệt trên toàn miền Bắc, nhưng toàn thể CBCNV vẫn quyết tâm “ một lòng một dạ” vừa sản xuất, vừa chiến đấu, để sản xuất bơm xăng, đèn gầm, ống phóng hoả tiễn C36 phục vụ cho chiến trường. Đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hoà chung với không khí của cả nước, Công ty Cơ khí Hà Nội bắt đầu bước vào chặng đường sản xuất mới, mở rộng cơ cấu sản phẩm, nhằm phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn. Đó là sản xuất phụ tùng và chế tạo thiết bị cho nhiều nhà máy đường trong cả nước; hoàn chỉnh phương thức “ chìa khoá trao tay” cho 2 tổ máy Thuỷ điện Phú Ninh với công suất 2.000 kW; thực hiện chiến lược xuất khẩu các loại sản phẩm êtô 55, đầu tâm đứng, cối cặp mũi khoan, turbo tăng áp GM 2100…sang Ba Lan, Cu ba và Tiệp Khắc.
Với những thành tích trên, Công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 05 Huân chương Lao động hạng Nhì, 02 Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Hai và nhiều danh hiệu khác. Cũng trong thời kỳ này, Công ty vinh dự được đón Bác về thăm 9 lần.
Từ năm 1986 đến nay, khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, cũng là lúc Công ty gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, về cơ chế quản lý. Tuy nhiên, CBCNV tiếp tục đoàn kết, tìm mọi biện pháp vượt khó để tồn tại và tiếp tục phát triển. Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra chiến lược đa dạng hoá mặt hàng và mở rộng quy mô chế tạo thiết bị toàn bộ. Những thiết bị công nghiệp đầu tiên được chế tạo như: Phụ tùng máy nghiền, máy phân ly, máy sấy quay phục vụ cho các nhà máy ximăng; thiết bị lưu hoá săm lốp ô tô, xe đạp cho Cao su Đà Nẵng…. đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của khách hàng. Công ty cũng tự chế tạo thiết bị cho dây chuyền cán thép 5.000 tấn/năm, dây chyền sản xuất bia 500 lít/ngày; chế tạo các loại bơm dung dịch đặc và bơm nước trục đứng có công suất từ 8.000-36.000 m3/h; hệ thống nồi nấu bột giấy đứng 140 m3, thiết bị phụ tùng phục vụ cho ngành Điện và Mía đường…
Ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thương trường, năm 1997, Công ty đã thắng thầu quốc tế cung cấp gần 500 tấn thiết bị kỹ thuật cho Nhà máy Đường Nghệ An với công suất 6.000 tấn/ngày, đồng thời chế tạo 1.300 tấn thiết bị cho Nhà máy Đường Buorbon-Tây Ninh. Việc thắng thầu và triển khai hợp đồng này có ý nghĩa rất to lớn và đánh dấu bước tiến vượt bậc của Công ty trong việc chế tạo thiết bị công nghiệp từ đơn lẻ sang dây chuyền.
Cùng với việc duy trì và mở rộng sản xuất, từ năm 1998 đến nay, Công ty đã tập trung đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư năng lực thiết bị. Với việc thực hiện dự án KC.05 DA1, hơn 30 thiết bị chủ chốt của Công ty đã được nâng cấp, ứng dụng hệ thống điều khiển tự động.
Năm 1998, dự án “ Đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất” của Công ty đã được Nhà nước phê duyệt và nhanh chóng triển khai với tổng giá trị gần 159 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng của Công ty được nâng cấp, dây chuyền đúc thép hiện đại với công suất 12.000 tấn /năm đã đi vào hoạt động. Các hạng mục thiết bị gia công cơ khí với hệ thống kiểm tra độ chính xác, các thiết bị chế tạo sản phẩm siêu trường, siêu trọng sẽ tiếp tục được triển khai hiện đại hoá và hoàn thành trong năm 2003.
Việc đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời với việc thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp đã tạo cho Công ty năng lực phát triển mới: Tăng năng lực công nghệ chế tạo các sản phẩm đòi hỏi chất lượng với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, đội ngũ khoa học kỹ thuật cũng được cập nhật với các tiến bộ của khoa học công nghệ và triển khai ứng dụng nhanh công nghệ tự động hoá cho thiết kế và chế tạo sản phẩm, tích hợp các hệ thống điều khiển tự động CNC, PLC… cho máy công cụ và dây chuyền thiết bị công nghiệp. Công ty đã và đang triển khai các sản phẩm mới như: máy tiện T18 CNC, máy phay CNC phục vụ cho dạy nghề, máy công cụ xuất khẩu đi Mỹ, trạm trộn bê tông tự động, các loại cân điện tử từ 30-60 tấn…
Những năm qua, do đổi mới công tác quản lý và đổi mới thiết bị công nghệ nên giá trị tổng sản lượng và doanh thu của Công ty đã tăng đến 30 %/năm, thu nhập của CBCNV ổn định tăng từ 8%-12%/năm. Với xu hướng toàn cầu hoá, năm 2003, Công ty xác định là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2001-2005, mục tiêu đề ra là mở rộng các mảng thị trường và đặc biệt quan tâm nâng cao tới năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ; phát triển ngành sản xuất máy công cụ theo hướng đa dạng hoá sản phẩm; không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu; nâng dần thế cạnh tranh của sản phẩm để hội nhập.
Tự hào với những thành tích đã đạt được, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp, của các bộ, ban ngành, CBCNV Công ty Cơ khí Hà Nội quyết tâm vượt khó, khắc phục những yếu kém tồn đọng, tận dụng thời cơ để đưa Công ty phát triển bền vững.