- Năm 2005, Công ty đạt doanh thu trên 754 tỷ đồng, vượt kế hoạch 32 tỷ. Ba mặt hàng chủ lực là phân đạm Urê 161.000 tấn, tăng 54%; hoá lỏng CO2 đạt 7.062 tấn, tăng 44%; phân NPK 19.530 tấn, tăng 30%; nộp ngân sách 44 tỷ đồng, tăng hơn năm cũ 2 tỷ đồng…với một doanh nghiệp như Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc không có nhiều lợi thế, nhưng đã đạt được như vậy là cả một vấn đề.
Tôi hỏi anh Hồ Bắc về kết quả đời sống của cán bộ công nhân như thế nào? Kỹ sư Hồ Bắc không dấu diếm:
- Tiền lương bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng (tăng 15%). Được mức thu nhập như vậy đem so với mặt bằng đời sống của một tỉnh nghèo như Bắc Giang mới thấy được sự nỗ lực hết mình của 2.259 con người ở đây đã vượt khó một cách đáng khâm phục.
Chia sẻ với niềm vui đó, tôi hỏi anh Hồ Bắc về mục tiêu năm 2006 như thế nào? Kỹ sư Hồ Bắc đưa ra mấy số liệu:
- Về phân đạm Urê, phấn đấu đạt 167.000 tấn (vượt 6.000 tấn so với năm 2005). Hướng tới năm 2007-2008 đạt 180.000 tấn Urê trong chương trình phát triển phân bón theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Phấn đấu quý II năm 2006, nâng công suất dây chuyền sản xuất hoá lỏng CO2 đạt 10.000 tấn (tăng 3000 tấn so với năm 2005).
- Vậy giải pháp nào để đạt được mục tiêu đó, thưa anh?
- Lãnh đạo Công ty xác định là phải phát huy nội lực là chính. Đồng thời tiến hành đồng bộ trên các mặt: quản lý – nhân sự – khoa học công nghệ - đầu tư thiết bị – chiến lược thị trường – giống như năm ngón tay trên một bàn tay để tạo nên sức mạnh. Trong các mặt trên, chúng tôi rất chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm khơi dậy phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kĩ thuật trong cán bộ và công nhân viên chức. Chỉ tính riêng năm 2005, Công ty đã có 195 đề tài và giải pháp sáng kiến CTKT, làm lợi 5,3 tỷ đồng, được Công ty trích thưởng 236 triệu đồng.
Kỹ sư Khanh là Trưởng phòng kỹ thuật, cũng là người gắn bó với công ty từ ngày đầu tốt nghiệp kĩ sư ngành hoá - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1981). Anh Khanh cho biết một số sáng kiến tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao như:
- Sáng kiến cải tạo thiết bị 206 của hệ thống tinh chế cũ sử dụng thay thế thiết bị ngưng tụ 953 cương vị rửa đồng. Sáng kiến nghiên cứu đồng bộ hoá toàn bộ dây chuyền đã nâng cao năng lực sản xuất dây chuyền điện - đạm. Sáng kiến cải tạo thiết bị hồi lưu nâng cao năng lực sản xuất tháp chưng NH3…Đặc biệt là giải pháp công nghệ sử dụng nguyên liệu hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế – do nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Văn Tiến, Giáp Văn Ước, Đỗ Minh Sơn nghiên cứu và ứng dụng thành công. Giải pháp công nghệ này đã dành Giải Nhất sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2005, vừa tổ chức trao giải tại Hà Nội ngày 19/1/2006.
Buổi trao đổi lại có thêm kỹ sư Đỗ Minh Sơn - đồng tác giả giải pháp công nghệ này. Tôi hỏi các anh là xuất phát từ đâu mà giải pháp này ra đời ? giải pháp đã mang lại hiệu quả như thế nào? Kỹ sư Hồ Bắc:
- Đối với Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, than chiếm tới 50% giá thành sản xuất Urê. Hàng năm, lượng than cục mua về khoảng 160.000 tấn. Giá than đang theo lộ trình tăng giá, trở thành khó khăn lớn và là vấn đề “bức xúc”của Công ty. Nếu tính giá than thời điểm hiện nay 650.000 đ/tấn, thì mỗi năm Công ty phải chi ra 104 tỷ đồng mua than. Đạm Hà Bắc (công nghệ cũ, đốt bằng than) không có lợi thế như đạm Phú Mỹ (công nghệ mới, đốt bằng ga hoá lỏng, lại được trợ giá 60%). Đây là một thách thức lớn đối với Công ty chúng tôi. Cho nên, giải pháp công nghệ đốt than hợp lý hình thành trong hoàn cảnh khó khăn như vậy là để nhằm hạ định mức tiêu hao than thì mới hạ giá thành sản phẩm.
Với tư cách là đồng tác giả, kỹ sư Đỗ Minh Sơn đã nói rõ hơn giải pháp công nghệ này như sau:
- Than cung cấp cho nhà máy được khai thác ở các mỏ thuộc nhiều địa danh khác nhau nên tính chất than khác nhau và kích cỡ hạt than cũng khác nhau rất nhiều. Trước đây không được phân loại, cứ đưa vào đốt cùng một lúc nên đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình khí hoá, làm giảm năng suất lò, tăng mức tiêu hao than. Từ thực tế đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã đề xuất với lãnh đạo nhà máy về giải pháp sử dụng nguyên liệu hợp lý – thực ra là công nghệ đốt hợp lý cho hệ thống 8 lò đốt hiện nay với các bước như sau:
1. Phân loại than ngay từ đầu bãi chứa. Than được chia làm 3 loại để sử dụng ở từng lò khác nhau, nhằm tạo ra cỡ hạt đồng đều trong cùng một lò, làm tăng hiệu quả phân phối gió và năng suất lò. Dùng lò số 1 và 2 để đốt than cỡ hạt 12 mm đến 25 mm; lò số 3 và 6 đốt than cỡ hạt 25 mm đến 40 mm; lò số 7 và 10 đốt than cỡ hạt 40 đến 60 mm.
2. Chọn các mỏ than có tính chất cơ lý giống nhau để ghép thành từng hộ. Tiến hành khí hoá thử nghiệm để rút ra các chỉ tiêu công nghệ cho từng hộ than ở điều kiện tối ưu nhất và đưa ra thao tác thích hợp. Qua việc khí hoá thử nghiệm trên đã phân than thành 3 hộ chính: Hộ 1, gồm các mỏ Cọc 6, Đèo Nai, Thống Nhất. Hộ 2, gồm các mỏ Dương Huy, Đá Mài, Khe Chàm. Hộ 3, gồm các mỏ Hoành Bồ, Mạo Khê. Từ việc nghiên cứu công nghệ phù hợp với 3 hộ than khác nhau, Công ty đã cải tạo xây dựng thêm các kho than để đáp ứng yêu cầu đầu vào.
Qua áp dụng giải pháp công nghệ này đã mang lại kết quả là hạ định mức tiêu hao than từ 1,65 tấn/1 tấn khí nguyên liệu tổng hợp NH3 xuống còn 1,4 tấn than/ 1tấn khí nguyên liệu cho tổng hợp NH3. Giá trị làm lợi của giải pháp công nghệ này mỗi năm là 2,4 tỷ đồng.
Chia tay chúng tôi, kỹ sư Hồ Bắc thay mặt lãnh đạo Công ty khẳng định thêm một lần nữa: trong điều kiện khó khăn của Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc bắt buộc ló cái khôn. Nguyên liệu của lò khí hoá than tầng cố định không thể coi là điều kiện khách quan không thay đổi được. Thực tế ở Công ty Phân Đạm và Hoá chất Hà Bắc chúng tôi đã thay đổi được là nhờ sự tác động của công tác quản lý và kỹ thuật . Đó cũng là bài học thành công được đúc kết từ thực tiễn sản xuất kinh doanh đầy khó khăn và thử thách của Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc được gọi là “Người bạn tin tưởng của nhà nông” trên đồng ruộng Bắc Giang này.