Sẽ xiết chặt VSATTP tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh biên giới

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thành lập sáu đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định về an toàn vệ si


Đây là thông tin do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chiều 16-12.

Ông Phong cho biết: Nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng gấp 25-30 lần ngày thường. Một số mặt hàng có thể tăng tới vài trăm phần trăm như các mặt hàng rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, hạt dưa, bí và các thực phẩm chế biến từ các loại thịt.

Do nhu cầu của thị trường tăng cao, các cơ sở sản xuất phải tăng công suất chế biến, nếu không quản lý tốt được nguồn cung cấp nguyên liệu, vệ sinh bảo đảm trong quá trình chế biến cũng như bảo quản tốt, thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm độc, không bảo đảm VSATTP tăng cao.

Bên cạnh đó, do lượng người mua quá lớn, Tết cũng chính là cơ hội để hàng giả, hàng nhái và thực phẩm kém chất lượng được tung ra. Đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép. Phẩm màu được sử dụng nhiều nhất trong những hộp mứt, bánh kẹo gia công. Hóa chất độc hại trong phẩm màu có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư.

Tại một số địa phương, tập tục ăn uống trong các ngày lễ tết còn lạc hậu, mất vệ sinh như ăn thịt trâu, bò để thối, có ròi, cá ướp ăn sống, lạp sường sống, ăn bốc tay.. cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ ngộ độc.

Ông Phong nhấn mạnh: Việc thanh, kiểm tra nghiêm ngặt các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do sức tiêu thụ tại đây rất lớn. Bên cạnh đó, việc tập trung thanh, kiểm tra các tỉnh biên giới là điều hết sức cần thiết nhằm ngăn thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc từ biên giới về. Ngoài sáu đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ Trung ương xuống tận các tỉnh trọng điểm, Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch phối hợp cùng các cơ quan liên quan ( y tế, công an, quản lý thị trường, thú y, bảo vệ thực vật..) kiểm tra chặt chẽ các nhóm thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP và ngộ độc cao. Các tỉnh biên giới kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu.

Việc bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết cổ truyền như chuyện “đến hẹn...lại lo” bởi một trong những nguyên nhân là chế tài xử phạt còn quá nhẹ khiến các cơ sở bị “nhờn thuốc”.

Hiện nay, Cục ATVSTP đang được giao nhiệm vụ xây dựng thông tư về việc xử lý các vi phạm có liên quan tới lĩnh vực VSATTP, theo đó sẽ có những mức phạt cao hơn, xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ sở sản xuất vi phạm ATVSTP.