Đến Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp là đúng, vì đây là đơn vị chủ lực của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) chuyên sản xuất máy kéo phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp.Thế nhưng, viết như thế nào đây trước một thực trạng: 350 người / tổng 800 lao động không có việc làm vì quyết định cấm lưu hành máy kéo công nông từ đầu năm 2003 tới nay, nên Công ty không bán được máy.
Từ giám đốc Bùi Quốc Việt cho đến Trưởng phòng kinh doanh Đỗ Thị Kim Thanh đều có một nỗi lo chung là phải tìm ra một lối khai thông cho mặt hàng máy kéo hiện nay ? Khi tôi đặt câu hỏi về vấn đề này, thì từ lãnh đạo Công ty cho tới tập thể công nhân trực tiếp sản xuất đều nêu câu hỏi với các cơ quan quản lý: Cấm lưu hành xe công nông đã đúng với vùng ngoại thành và vùng thôn quê chưa? Để nhìn nhận vấn đề này cần phải khách quan xem xét, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất, phục vụ đắc lực cho nông dân trong khâu làm đất và vận chuyển vật tư, nông sản.
Thứ nhất, máy kéo Bông Sen đã trở thành thương hiệu uy tín của Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp từ vài chục năm lại đây. Đặc biệt là khi công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, mặt hàng máy kéo Bông Sen đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi cảnh “ con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Cao điểm là các năm 1993- 1994, mỗi năm tiêu thụ tới 1.561 đến 1.646 máy. Bình quân mỗi năm, Công ty bán ra thị trường 900 đến1.000 máy. Những năm gần đây, Công ty đã chú trọng đầu tư công nghệ, nên máy kéo của Công ty có chất lượng tốt, sử dụng đa chức năng như : Phay đất, cày một lưỡi, cày hai lưỡi, vun luống. Ngoài ra, còn sử dụng làm nguồn động lực tĩnh tại để bơm nước, xay xát, tuốt lúa, nghiền bột và vận chuyển nông sản, phù hợp với điều kiện giao thông nông thôn hiện nay. Máy kéo Bông Sen có giá thành rẻ ( 7,8 triệu đồng/máy loại BS8 và 15,9 triệu đông/ máy BS12 đã bao gồm các thiết bị đa chức năng). Nhìn chung, máy kéo Bông Sen có kết cấu gọn nhẹ, độ bền cao, có ghế ngồi, dễ sử dụng, thích hợp với ruộng khô, ruộng nước. Từ những ưu điểm trên, máy kéo Bông Sen đã được nông dân ưa chuộng. Từ khi có chủ trương về đẩy mạnh cơ giới nông nghiệp nông thôn, mặt hàng máy kéo càng được đưa về nông thôn với số lượng ngày một tăng.
Thứ hai, từ các tiêu chuẩn vừa nói ở trên, sản phẩm của Công ty đã được các cơ quan chức năng cấp dấu chất lượng Quốc gia và cấp chất lượng thay thế hàng nhập ngoại. Trong 3 năm 2000- 2003, Công ty đã phối hợp với các tỉnh cung cấp máy kéo cho nông dân được mua với hình thức trả chậm 3 năm không phải chịu lãi . Đây là mô hình liên kết bốn nhà : Nhà nước – Ngân hàng -Nhà máy- Nhà nông. Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp đã cung ứng được trên 4.000 máy kéo các loại và hàng ngàn tấn công cụ cơ khí, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn của các tỉnh. Mô hình này được triển khai đầu tiên ở Nghệ An, rất hiệu quả, đã có 1.500 máy đến với người dân. Từ đó triển khai sang các tỉnh : Phú Thọ 500 máy, Tuyên Quang 500 máy, Hà Tĩnh 600 máy, Hải Phòng 200 máy, Lào Cai 150 máy, các tỉnh phía Nam 500 máy, nông dân rất hoan nghênh. Đó là hai cái được của mặt hàng máy kéo của Công ty .
Còn cái “ bất cập ” mà mặt hàng máy kéo của Công ty đang phải gánh chịu đó là chủ trương mang tính “tình thế “ của Chính phủ cấm lưu hành Máy kéo Bông Sen từ đầu năm 2003 lại đây. Chủ trương này xuất phát từ vấn đề “ an toàn giao thông”. Sau một năm thi hành chủ trương này, về phía nông dân đã gặp không ít khó khăn,vì không có phương tiện vận chuyển nào phù hợp mà lại đầy đủ tính năng tác dụng tiện lợi như máy kéo Bông Sen trong điều kiện hiện nay của nông thôn nước ta. Về phía Công ty, sau một năm máy kéo Bông Sen bị cấm lưu hành, con số mới nhất mà Phòng kinh doanh cung cấp ngày15-12-2003 thì “loại vi sai” chỉ bán được 62 chiếc “ loại chuyển hướng ” không bán được chiếc nào. Trong khi đó hai loại này trong năm 2002 Công ty bán được 991 chiếc. Bởi vậy, năm nay Công ty hụt mất gần 10 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là 35tỷ đồng, nay chỉ thực hiện được hơn 25 tỷ đồng, gần một nửa công nhân phải nghỉ chờ việc .
Vậy giải bài toán này như thế nào? Theo chúng tôi, chủ trương cấm lưu hành xe máy kéo Bông Sen đối với thành phố là đúng, cả về mặt an toàn giao thông lẫn về mặt mỹ quan thành phố. Nhưng với ngoại thành và nông thôn thì máy kéo Bông Sen vẫn rất là cần thiết ( như vừa đề cập ở trên ). Không nên vì lý do mất an toàn mà “ đổ đồng” máy kéo Bông Sen của Công ty với các loại máy kéo “ tự biên tự diễn” hiện nay của các cơ sở xản xuất tự phát, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Vậy cái gọi là chưa an toàn không phải lỗi nhà sản xuất mà lỗi do người sử dụng. Ví dụ, theo thiết kế chỉ chở 1,2 tấn đến 1,5 tấn với tốc độ 10 đến 15km/giờ. Nhưng người sử dụng lại bất chấp quy định, chở tới 3 tấn, chạy 30km/giờ, lại chưa qua một lớp đào tạo, chí ít là ngắn hạn. Bởi vậy, không phải tại chiếc máy kéo mà tại người sử dụng và cơ quan chức năng quản lý lưu hành.
Vậy kiến nghị thứ nhất, nên chăng, phía ngành Giao thông Vận tải và cảnh sát giao thông cần phối hợp mở lớp đào tạo cho nông dân khi mua máy phải qua một lớp huấn luyện cơ bản, được cấp bằng sử dụng trước khi lưu hành. Vì có được huấn luyện ( cả về luật lệ giao thông lẫn kỹ thuật sử dụng ) chắc chắn người điều khiển sẽ làm chủ được phương tiện.
Kiến nghị thứ hai, hiện nay, đường nông thôn phần lớn đã được bê tông hoá, nhu cầu vận tải nông sản và hàng hoá tăng lên, với máy kéo Bông Sen gọn nhẹ, có thể vào tận từng hộ gia đình. Vậy không nên cứng nhắc cấm máy kéo Bông Sen với vùng nông thôn và ngoại vi thành phố .
Sau một năm thực thi chủ trương này, tuyệt đại bộ phận người dân thành phố đồng tình. Nhưng còn 70% là nông dân lại mong muốn có chiếc máy kéo để giải phóng sức lao động trong khâu làm đất và vận tải cực nhọc. Thiết tưởng, đây là nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân, vì CNH và HĐH nông nghiệp nông thôn phải bắt đầu từ chiếc máy kéo. Chia sẻ với cán bộ và công nhân Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp, tôi cứ suy nghĩ mãi câu nói của họ : Thị trường bóp thì chúng tôi chịu, còn chính sách không phù hợp thì chúng tôi không chịu.
Cái rét mướt cuối năm sẽ qua đi, cái ấm áp của mùa xuân sẽ tới , 350 công nhân của Công ty sẽ có việc làm. Tôi tin là như vậy.
Máy kéo Bông Sen
TCCT
Những ngày cuối năm rét đậm, tôi đến Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp với một tâm trạng băn khoăn khi được được Ban biên tập giao nhiệm vụ viết bài về cơ giới hoá nông nghiệp .