Chợ Đồn, Bắc Kạn, Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp. Trong số những người bạn nước ngoài đến giúp Việt Nam vượt qua nỗi đau thương của chiến tranh, có một bác sĩ ngoại khoa người Nhật Bản- anh Cao Thành Phương. Trái tim đa cảm của người đàn ông đến từ đất nước mặt trời mọc đã rung lên những nhịp đập rộn rã khi gặp một người con gái Việt Nam. Quả ngọt của tình yêu ít nhiều ngăn cách đó, là 4 người con mà một trong số họ là nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay, chị Cao Mỹ Lệ, người phụ nữ xinh đẹp, mặn mà có đôi bàn tay vàng, hiện là Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Chào đời năm 1954, cô con gái út có cái tên thật kiều diễm đó đã chưa một lần biết mặt cha vì chỉ hai tháng sau khi Lệ trào đời, bác sĩ Phương đã trở về Nhật Bản mà không để lại tin tức gì. Mãi cho đến năm 1991, tình cờ một bộ phim tài liệu hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam được phát sóng trên đài truyền hình Việt Nam, người ta thấy ông Phương trên phim, thế là cả nhà mới biết ông vẫn còn sống. Xen lẫn trong niềm vui mong manh là bao nỗi đắng cay, sầu tủi tưởng đã vùi sâu theo năm tháng của người vợ, người mẹ, người con bị bỏ rơi bỗng như sống dậy trong gia đình Lệ. Và đau đớn hơn cả là lúc biết rằng sau khi về nước, ông Phương vẫn gửi thư cho vợ con nhiều lần, nhưng đều bị thất lạc. Chiến tranh mà! Khoảng 2, 3 năm sau khi biết tin tức vợ con, ông Phương qua đời, thế là ước nguyện được về Việt Nam gặp vợ con của ông trở nên dang dở…
Tuổi thơ chưa biết mặt cha, song tình yêu thương cha trong cô bé Lệ vẫn không lúc nào nguôi. Và định mệnh thật khó lý giải! Lệ đã được thừa hưởng của cha năng khiếu khoa học. Cô con gái út từ nhỏ đã nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê về y học, luôn hướng về một nghề nghiệp cao quý, song vô cùng vất vả: nghề y. Năm 1971 tốt nghiệp hệ 10 năm, cô bé Lệ nộp đơn thi vào trường Đại học Y. Sau 7 năm miệt mài đèn sách, ra trường, cô được Sở Y tế phân về khoa Ngoại, Bệnh viện Đống Đa. Tại đây, Lệ bắt đầu nghề bác sĩ nhiều duyên nợ.
Cũng khá lạ lùng, cô bé Lệ luôn cảm thấy vui thích khi được làm việc, bất kể là việc gì, miễn là liên quan đến... kim tiêm, bông băng, dao, kéo. Cao Mỹ Lệ, chỉ cái tên không thôi, chưa nói đến khuôn mặt xinh xắn, cử chỉ nhẹ nhàng, dịu dàng đã đem đến cho người bệnh sự vững tin trước bệnh tật, xoa dịu đi phần nào nỗi đau của họ. Sớm nhận thấy khả năng đó của Lệ, lúc rỗi rãi, các anh, chị, cô, bác ở khoa Mắt- Bệnh viện Đống Đa nhờ cô bé giúp những công việc "con mọn" như cắt băng, thay băng... cho bệnh nhân. Nhiệt tình, say mê, cộng với năng khiếu nghề y thiên bẩm, Lệ thực sự đã tạo cho các đồng nghiệp những ấn tượng tốt. Và cũng như là định mệnh, lúc đó, khoa Mắt ở trong tình trạng thiếu người trầm trọng và họ nhất trí "chấm" Lệ về khoa. Ban đầu, với khoa Mắt, Lệ là người "ngoại đạo", song niềm yêu thích nghề y đã giúp cô hoàn thành một khoá bồi dưỡng kiến thức về Nhãn khoa. Đó là năm 1980, Lệ đã là cô gái trưởng thành 26 tuổi.
Chặng đường tiếp theo của một cô gái chân yếu tay mềm, có lòng say mê y học bẩm sinh đã thật đáng khâm phục. Sau khi hoàn thành khoá học chuyên về mắt, Lệ bắt đầu cuộc đời của một bác sĩ gắn bó với khoa mắt qua những chuyến công tác liên miên… Cho đến giờ, những bác sĩ tiền nhiệm, những người đã "chấm" cô bé Lệ càng ngày càng thấy mình đã không lầm khi chọn Lệ về khoa mắt, khi chứng kiến những thành công mà Lệ đạt được kể từ lúc cô nhận nhiệm vụ mới. Bác sĩ Lệ với những thành công của những ca mổ đục nhân đã đem nguồn ánh sáng đến cho biết bao con người. Những năm 80, ở Việt Nam, bệnh về mắt rất nhiều, nhất là các vùng lân cận Hà Nội. Những đợt đi mổ nhân đạo dài ngày ở Sóc Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai… là khoảng thời gian bác sĩ Lệ thực sự lao vào công việc để ngày càng trưởng thành về tay nghề cũng như rèn luyện những đức tính cần có cho nghề y. Chị nhận thấy một điều: y học ngày càng tiên tiến, vậy thì con người càng phải được sống và làm việc với tình trạng sức khoẻ tốt, và bác sĩ chính là người được xã hội trao cho cái quyền chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng ấy. Cùng với những người thầy, những bác sĩ tên tuổi trong ngành Mắt như: Nguyễn Trọng Nhân, Duy Hoà, Phạm Dẫn, bác sĩ Luỹ, Phúc… Cao Mỹ Lệ đã từng bước khẳng định năng lực của mình. Chị yêu thích công việc đến mức quên cả ngày nghỉ, cứ như thể chỉ ở trong công việc chị mới tìm thấy mình, phát huy hiệu quả những ưu điểm về sức trẻ, khoẻ, khả năng chính xác và năng khiếu phẫu thuật bẩm sinh. Cũng chính vì ham mê như thế, đến tận năm 29 tuổi, cô bác sĩ xinh đẹp Cao Mỹ Lệ mới lập gia đình. Và tổ ấm bé nhỏ với người chồng hiền hậu, biết cảm thông, chia sẻ cùng hai cô con gái ngoan ngoãn cách nhau 6 tuổi đã thực sự là chỗ dựa vững chắc cho một người phụ nữ có nhiều đam mê nghề nghiệp.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội vẫn truyền tai nhau “điển cố” về nữ giám đốc phi thường của họ. Đó là chuyến công tác dài ngày ở Sóc Sơn cách đây 2,3 năm. Bệnh nhân nhiều kinh khủng, mà hầu hết đều ở trong tình trạng bị bệnh đã khá lâu, thế là các bác sĩ phải tiếp nhận trong một ngày lượng bệnh nhân ở mức kỷ lục: xấp xỉ 30 ca/ngày. Người phụ mổ cho chị hôm đó là một nam bác sĩ thì bị ngất vì kiệt sức! Trong khi đó, bác sĩ Lệ chân yếu tay mềm vẫn dẻo dai, chính xác đến từng động tác nhỏ, mổ cho đến bệnh nhân cuối cùng trong ngày, mặc dù mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo...
Cho đến năm 1995, khi Bệnh viện mắt Hà Nội ra đời từ sự kết hợp của ba đơn vị là Trạm mắt Thành phố ở Bích Câu, Khoa mắt bệnh viện Đống Đa và Phòng khám mắt bệnh viện Đống Đa, thì bác sĩ Lệ được chuyển về làm việc tại đó. Chị cùng với bác sĩ Nhung- Giám đốc, bác sĩ Hồng- Phó Giám đốc đã tạo thành 3 "nữ tướng" vừa làm chuyên môn, vừa chịu trách nhiệm điều hành bệnh viện. Bệnh viện mắt Hà Nội cũng trải qua thời kỳ khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất kỹ thuật, cán bộ công nhân viên có một năm ở nhờ Bệnh viện Đống Đa. Song, các bác sĩ Bệnh viện mắt Hà Nội vẫn quyết tâm phải làm hết khả năng của mình...
Thế rồi, khó khăn cũng từng bước lùi xa. Hai năm sau, khi Bệnh viện mắt Hà Nội ổn định tại địa điểm 37 Hai Bà Trưng, cũng là lúc bác sĩ Lệ phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề: Giám đốc Bệnh viện. Trong xu thế phát triển của đất nước, của ngành Y Việt Nam, Bệnh viện mắt Hà Nội cũng đã dần dần bắt nhịp kịp. Hiện nay, Bệnh viện có 118 cán bộ viên chức, 100 giường bệnh, máy móc thiết bị tối tân như máy chụp đèn huỳnh quang, máy khúc xạ tự động… Bệnh viện mắt Hà Nội đã thực sự là nơi đem lại ánh sáng cho biết bao nhiêu con người với phương pháp mổ Phaco dùng sóng siêu âm, kỹ thuật mổ hiện đại nhất trên thế giới mà ở Việt Nam chúng ta mới chỉ có khoảng 20 bác sĩ đảm nhiệm được. Và chị Lệ là một trong số 4 bác sĩ của Bệnh viện mắt Hà Nội có thể mổ Phaco.
Thế còn danh hiệu Đôi bàn tay vàng? Đó là kỷ niệm về kỳ thi bác sĩ giỏi cấp thành phố hồi năm 1986 mà chị đoạt giải Nhất. Cũng thật đặc biệt vì khi đó chị Lệ vừa sinh cháu đầu lòng được hai tháng. Có một bài báo đã viết về kỳ thi đó và danh hiệu bàn tay vàng của chị cũng do bài báo đặt ra. "Mình cũng nghe qua lời của bệnh nhân thôi chứ thực tế thì mình có biết chính xác ai đặt cho mình danh hiệu đó đâu”- chị Lệ thật thà tâm sự. Thì ra thế. Vâng, đối với một lương y, thì còn có niềm hạnh phúc nào lớn hơn sự quý mến, trân trọng của bệnh nhân?
Ai đó đã có dịp tiếp xúc với bác sĩ Lệ chuyên khoa mắt ngày nào giờ sẽ thật ngạc nhiên khi thấy một Giám đốc Bệnh viện mắt Hà Nội Cao Mỹ Lệ bây giờ chẳng thay đổi gì so với trước đây. Vẫn say sưa với những ca mổ từ sáng sớm cho đến khi tối mịt, vẫn phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng có hơi hướng của phụ nữ Nhật Bản cổ điển, vẫn kiểu trò chuyện chân thành, dễ mến, người lương y có đôi bàn tay vàng đó đã không thể nhớ được mình đã thực hiện được bao nhiêu ca mổ, đem lại ánh sáng cho bao nhiêu con người. Chỉ biết, chị đã làm hết sức mình. "Hình như mình mát tay thật hay sao mà toàn được mổ cho người thân"- bác sĩ Lệ nhỏ nhẹ. Vâng, mổ mắt cho mẹ, cho mẹ chồng, anh chị em, bạn bè thân hữu gần xa, chị đã làm được những điều phi thường mà ít bác sĩ trong ngành làm được. Thật là bông hoa Anh Đào mát tay!