Khi hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu, khi việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng ngày càng được đề cao, khi công nghiệp sản xuất thuốc lá được coi là một ngành kinh tế... thì “Luật phòng chống tác hại của thuốc lá” cần được nhìn nhận khách quan dưới nhiều giác độ.
Xin kể lại một câu chuyện đã được ghi nhận trong lịch sử Liên bang CHXHCN Xô Viết dưới thời Goóc ba chốp làm Tổng Bí thư, có liên quan đến rượu - một mặt hàng tương tự như thuốc lá, không khuyến khích tiêu dùng - nhưng do Goóc ba chốp hành xử không đúng đắn, đã gây rối loạn xã hội và trong nhiều nguyên nhân dẫn Liên Xô đến sự sụp đổ, người ta đã nhận ra có nguyên nhân từ việc... cấm rượu!
Do hạn chế sản xuất rượu một cách thái quá, hàng triệu nông dân bị mất việc làm vì nho - nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất rượu ở Liên Xô - không tiêu thụ được và việc chuyển đổi hàng trăm nghìn hec-ta nho sang cây trồng khác, xa lạ với tập quán của nông dân, là không hề đơn giản. Trong các bệnh viện, cồn y tế bị mất trộm, bị ăn bớt và bị tuồn ra ngoài để con buôn hoà với nước lã, bán cho người tiêu dùng với giá cắt cổ. Công chức đến công sở thì bớt xén thời gian làm việc để đi xếp hàng mua rượu, khi các cửa hàng bán rượu bị giảm bớt và “quy hoạch” lại...
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng: có những việc làm tưởng chừng tích cực và vô hại đối với xã hội, nhưng lại ẩn chứa phía sau nó những hậu quả khôn lường khi động chạm đến nhu cầu rất thường tình của con người!
Về Dự thảo “Luật phòng chống tác hại của thuốc lá”, trước hết, như chúng ta đã biết, theo thời gian, dân số Việt Nam tăng dần qua năm tháng. Dù không khuyến khích tiêu dùng, nhưng trong điều kiện vận động cai thuốc lá chưa có hiệu quả rõ rệt và chắc chắn mà Dự thảo Luật đề ra “không tăng sản lượng hiện có” trong sản xuất, kinh doanh thuốc lá thì rõ ràng là không hợp lí, duy ý chí. Chúng ta kiềm chế điều này cho đến khi xảy ra trường hợp mất cân đối cung cầu, phải nhập khẩu thuốc lá hay là phải đương đầu với thuốc lá lậu... rồi lại sửa đổi Luật hay sao?
Thứ hai, Dự luật mang tên “Phòng chống tác hại của thuốc lá” nhưng lại có nhiều điều khoản động chạm đến việc đầu tư cho sản xuất và kinh doanh, ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của một ngành kinh tế, được Nhà nước giao chỉ tiêu về tăng trưởng, về nghĩa vụ đóng góp cho xã hội.
Hiện tại, hoạt động của ngành Thuốc lá đang được điều chỉnh bằng Nghị định 119/2007 NĐ-CP ngày 18-7-2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá và Chỉ thị 12/2007/CT-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trong xu thế hội nhập, sẽ có những vấn đề chúng ta phải chỉnh lí cho phù hợp với những cam kết với cộng đồng thế giới, thì việc đưa những vấn đề cụ thể đã được cụ thể hoá bằng những văn bản kể trên vào Luật sẽ làm tăng thêm khó khăn, vì sửa đổi luật bao giờ cũng phức tạp hơn sửa đổi những văn bản dưới luật. Đây là điều đã được một số đại biểu Quốc hội lưu ý Ban Dự thảo.
Thứ ba, nếu so sánh với một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia... hiện chưa in lời cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao thì việc Việt Nam in chữ đen trên nền trắng để làm nổi bật hàng chữ: “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” là hết sức nghiêm túc. Điều 14 của Dự luật đề nghị tăng diện tích in lời cảnh báo và “thay đổi luân phiên” là không cần thiết và vượt quá quy định trong Nghị định 119/CP của Chính phủ.
Cũng tại điều 14 của Dự luật còn đưa ra một số vấn đề không có tính khả thi như: “Ghi rõ nơi tiêu thụ của sản phẩm thuốc lá” và thu phí bảo vệ sức khoẻ trên mỗi bao thuốc lá. Với đặc điểm của Việt Nam, điếu thuốc thường đi kèm chén nước chè trong các quán cóc có ở khắp đầu làng, ngõ xóm, thì việc ghi nơi tiêu thụ thuốc lá là không khả thi. Tương tự như vậy, thuốc lá đã phải chịu thuế suất cao tới 65% mà lại gánh thêm phí bảo vệ sức khoẻ để đẩy giá thành lên cao cho thuốc lá ngoại, thuốc lá nhập lậu tràn vào hay sao?
Ngành công nghiệp thuốc lá ở các nước tiên tiến đã có sự “phòng ngừa từ xa” để người không hút thuốc không bị nhiễm khói thuốc và những người trót nghiện vẫn thoả mãn nhu cầu của mình bằng các sản phẩm thuốc lá không khói như: ngậm, nhai, ngửi, hít... nhưng Dự thảo Luật lại cấm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm loại này là không hợp lẽ. Trong Dự thảo “Luật phòng chống tác hại của thuốc lá”, có khá nhiều điều khoản không phù hợp với thực tế Việt Nam và trái ngược với Luật Thương mại, ở bài viết này, xin nêu một vài dẫn chứng cuối cùng: “Số lượng thuốc lá điếu đóng gói trong một bao không ít hơn 20 điếu, không được phép bán lẻ cho người tiêu dùng dưới 20 điếu hoặc dưới 01 bao thuốc lá”. Thuốc lá nước ngoài, có loại chỉ đóng 10 điếu trong một bao, tại sao ta lại không làm như vậy? Người nghiện thuốc, muốn cai nhưng khi cần chỉ mua một vài điếu, hút cho đỡ cơn thèm; lẽ nào lại bắt họ mua cả bao để rồi vô hình trung, buộc họ lệ thuộc ngày càng nặng hơn với thuốc lá?
Chúng ta không khuyến khích hút thuốc lá, nhưng khi thuốc lá là “một phần có trong cuộc sống” thì việc đề ra những điều luật để phòng chống tác hại của nó, cần phải có cái nhìn tổng thể, cân nhắc có lí có tình, nếu không, hại sẽ nhiều hơn lợi mà bài học về cấm rượu ở Liên Xo trước đây vẫn còn nguyên giá trị...