Trong 3 năm tiến hành khảo sát, riêng 7 quận huyện trong TP.HCM đã có tới 4.000 sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Bạt ngàn là thế song chất lượng giáo dục tại đây vẫn không mấy chuyển biến, đơn giản chỉ vì tất cả các "sáng kiến" trên phần lớn là "sản phẩm" cóp nhặt...
SKKN (sáng kiến kinh nghiệm) được xem là một trong những tiêu chí xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp quận trở lên. Vì vậy, gần như 100% trường THPT ở TP.HCM đang thực hiện phong trào này hoặc khuyến khích GV giỏi tập viết sáng kiến kinh nghiệm.
Với các đơn vị sản xuất kinh doanh, mỗi năm "gặt" được một vài SKKN là ổn lắm rồi, song với ngành giáo dục, chuyện mỗi trường có hàng chục sáng kiến trong một năm chẳng có gì lạ. Chỉ tính sơ sơ, số lượng sáng kiến từ trước tới nay nhiều đến mức có thể chất thành kho, thế nhưng khi hỏi rất nhiều cán bộ quản lý, GV nào có sáng kiến được phổ biến toàn ngành như một phát kiến mới, thì hầu như chỉ nhận được cái lắc đầu.
Sở dĩ có tình trạng trên là vì các SKKN dạng này hầu hết đều được viết dựa vào tài liệu có sẵn của người khác. Những SKKN thuộc về quản lý giáo dục hay giáo dục đạo đức thì cũng chỉ quanh đi quẩn lại những chủ đề quen thuộc như làm thế nào để nâng cao đạo đức học sinh, để tăng cường giáo dục chính trị, để duy trì sĩ số, để phụ đạo học sinh yếu kém... Trong đó, lý luận nghe có vẻ to tát, nhưng biện pháp đề xuất cứ chung chung, na ná như nhau”.
Nhưng như thế cũng là chuyện thường tình của việc chạy theo thành tích thi đua để có thêm tiền thưởng, nhưng đau buồn hơn là Bộ GTVT có chuyện ăn cắp nguyên si của nước ngoài về làm công trình của mình ("Tiêu chuẩn ngành" đã được Bộ GTVT phê duyệt làm tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình thuỷ của VN áp dụng từ 24.7.1995, nhưng lại vừa bị một số nhà khoa học phản đối vì sao chép nguyên xi từ 2 công trình khoa học của Liên Xô trước đây).
Đến nay, việc chạy theo thành tích báo cáo không trung thực và ăn cắp công trình của bạn bè trong nước và nước ngoài không còn là chuyện nhỏ nữa, vì nó đánh lừa lãnh đạo. Lãnh đạo cấp trên thấy báo cáo thành tích của chúng ta cái gì cũng tốt, cũng hay và cho mình lãnh đạo như thế là lý tưởng, không còn gì phải cố gắng nữa.
Mong rằng, năm hết, tết đến, chúng ta hãy tự hào, vui mừng với chính kết quả do mình nỗ lực tạo ra, đừng đánh lừa cấp trên chỉ vì thành tích giả tạo.
Nhân đây, chính quyền các cấp nên xem xét động cơ của các vị lãnh đạo các cơ quan báo cáo “vống” thành tích.