Tiềm năng, thực trạng và triển vọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh

Thái Bình là tỉnh đồng bằng có địa hình tương đối bằng phẳng, được bao bọc bởi hệ thống sông biển khép kín, có bờ biển dài và 4 con sống lớn chảy qua, lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, đất đai phì

45 năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của các Ban, Ngành ở Trung ương, của tỉnh, các huyện, cùng với sự phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên trong ngành, nên trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, nhưng ngành công nghiệp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, ngành công nghiệp Thái Bình cần có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, đưa Thái Bình trở thành một tỉnh công nghiệp trong những năm tới, với hướng tập trung mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp dệt – may, sản xuất gốm, sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng…

Về tiềm năng  phát triển công nghiệp của Thái Bình:

- Nguồn lao động dồi dào: Dân số Thái bình khoảng 1,8 triệu người, trong đó, số lao động trong ngành Công nghiệp, theo số liệu điều tra năm 2000, là gần 120 ngàn người.

- Hệ thống đường giao thông của tỉnh được phân bố hợp lý và từng bước được nâng cấp. Do vậy, từ thành thị xuống nông thôn khá thuận tiện, đường liên huyện, liên xã đã được rải nhựa, đường liên thôn, xóm đã được rải nhựa hoặc bê tông hoá vững chắc.

- Hệ thống điện quốc gia đã phủ kín 100% các xã với trên 98% số hộ dân được dùng điện, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn mới, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất kinh doanh.

- Về cơ sở hạ tầng dịch vụ: Hệ thống bưu chính viễn thông với các tổng đài kỹ thuật số được trang bị ở tất cả các trung tâm huyện, thành phố và tiểu vùng kinh tế, 100% số xã và nhiều hộ dân vùng nông thôn đã có điện thoại.

- Về tài nguyên nước: Với hệ thống sông ngòi trên địa bàn, Thái Bình có nguồn nước tương đối dồi dào, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, dịch vụ và đời sống. Có nguồn nước khoáng thiên nhiên tại khu vực huyện Tiền Hải và Hưng Hà được xác định là loại nước khoáng giải khát có các chỉ tiêu lý, hoá đều đạt tiêu  chuẩn. Hiện nay, các giếng khoan ở khu vực Tiền Hải đang được khai thác ở độ sâu 450 mét để sản xuất, với sản lượng khoảng trên 2 triệu lít/năm.

- Về khí mỏ: Nguồn khí mỏ tại khu vực Tiền Hải được khai thác nhiều năm nay đã tạo nên ở đây một khu công nghiệp sử dụng khó mỏ  với các ngành nghề chủ yếu là sành sứ, thuỷ tinh, vật liệu xây dựng… góp phần rất lớn làm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tỉnh đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên này cho phát triển công nghiệp.

- Nguồn nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên đang còn phân tán do chưa có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, quy hoạch vùng nguyên liệu.

Về thực trạng công nghiệp Thái Bình:

Trên địa bàn tỉnh có 378 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong đó, có 38 doanh nghiệp quốc doanh, trên 300 doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, 32 HTX và 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư vào sản xuất ước đạt 1.265 tỷ đồng, thu hút gần 180 ngàn lao động trong tỉnh.

Về quy mô, ngoài một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn trên 100 tỷ đồng như: Công ty Gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy Gạch granit cosevco Long Hậu, Công ty Hương Sen, Công ty Bình Minh, Xí nghiệp Dệt Hồng Quân… Số còn lại: Thiếu hầu hết 10 tỷ đồng; trong đó, đa số doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngành công nghiệp có vốn đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh

+ Giá trị sản xuất CN-TTCN: Tốc độ tăng bình quân 10 năm từ 1991-2000 là 13,3%/năm, trong đó bình quân 5 năm giai đoạn 1991-1995 là 18,7%/năm, giai đoạn 1996-2000 là 7,8%/năm. Năm 2002, Giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh đạt 1.906 tỷ đồng (giá cố định 1994, chưa kể 125 tỷ đồng của các doanh nghiệp Trung ương hoạt động phụ thuộc). Năm 2003, GTSX  công nghiệp đạt 2.260 tỷ đồng, tăng 18,63% so với năm 2002. Trong đó:

- Khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 492 tỷ đồng (DNNN trung ương ước đạt 61 tỷ, DNNN địa phương đạt 431 tỷ).

- Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.676 tỷ đồng

- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 92 tỷ đồng

+ GDP Công nghiệp: Tốc độ tăng GDP CN-TTCN giai đoạn 1991-1995 là 14,17%/năm, giai đoạn 1996-2000 đạt 7,47%/năm. Tốc độ tăng GDP CN-TTCN bình quân 10 năm 1991-2000 là 10,9%/năm.

Công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tích cực, GDP Công nghiệp – xây dựng năm 1990 chiếm 7,9% trong GDP cả tỉnh, năm 2000 chiếm 12,5% (tăng 3,2 lần so với 1990). Năm 2003, GDP công nghiệp chiếm trên 17% trong GDP toàn tỉnh.

Tuy vật, tỷ trọng GDP Công nghiệp trong GDP của Thái Bình gần thấp nhất trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Tình hình phát triển KCN

Từ năm 2000 đến nay, ngành Công nghiệp đã tham mưu giúp UBND Tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết 4 khu công nghiệp tập trung và một số cụm công nghiệp làng nghề: KCN Phúc Khánh 120 ha, quy mô mở rộng đến 300 ha; KCN Nguyễn Đức Cảnh, diện tích 102 ha; KCN Tiền Phong 60 ha; KCN Tiền Hải diện tích 128 ha và cụm công nghiệp làng nghề xã Thái Phương diện tích 10 ha. Trong đó, đã được Chính phủ chấp thuận cho phép thành lập KCN Phúc Khánh và KCN dệt may Nguyễn Đức Cảnh là KCN tập trung trong danh mục các KCN trong cả nước.

Về tình hình đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh.

Tính đến thời điểm tháng 6/2004, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 143 dự án đăng lý đầu tư, trong đó:

Số dự án đã đi vào sản xuất là 80. Số dự án đang xây dựng là 37. Số dự án chưa xây dựng là 14. Số dự án chưa nhận đất là 12 dự án.

Tổng số vốn đầu tư đăng lý là 3.259 tỷ đồng

Diện tích đất đăng ký sử dụng là 209,9 ha.

Tổng số lao động đăng ký sử dụng là trên 40 ngàn người.

Về triển vọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Thái bình giai đoạn 2001 – 2010 đã xác định một số ngành mũi nhọn.

* Công nghiệp chế biến NSTP:

- Đẩy mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thuỷ hải sản…

 - Phát triển công nghiệp chế biến theo định hướng xuất khẩu, phấn đấu nâng dần tỷ lệ chế biến nguyên liệu trong nước để tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.

- Chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tập quán người tiêu dùng.

- Phát triển công nghiệp chế biến cần gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao sức khoẻ của toàn dân.

- Nhanh chóng giảm dần các sản phẩm sơ chế, tích cực nhập khẩu, đầu tư các công nghệ chế biến sâu để tạo ra những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, nhằm tăng nhanh giá trị của hàng hoá tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển chế biến gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết nhóm nguồn nhân lực nhàn rỗi hoặc dư thừa ở nông thôn phù hợp với quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển công nghiệp chế biến NSTP gắn liền với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu, gắn với công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch  giữa thành thị và nông thôn.

- Huy động mọi nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến NSTP, trong đó, khu vực dân doanh chiếm tỷ trọng lớn. Hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với những vùng, những ngành có nhiều tiềm năng về nguyên liệu, nhưng chưa phát huy hết thế mạnh của mình và những dự án thu hút nhiều lao động nông thôn để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

- Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất song song với xây dựng cơ sở chế biến tập trung tại các vùng nguyên liệu lớn, đồng thời khuyến khích phát triển TTCN, làng nghề và kinh tế hộ gia đình.

* Về công nghiệp dệt may:

Quan điểm phát triển ngành dệt may Thái Bình là:

- Phát triển ngành dệt may, trước hết nhằm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động xã hội, góp phần phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Đẩy mạnh sản xuất, phát huy lợi thế của sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường trong nước và tăng giá trị xuất khẩu, tập trung phát triển ngành dệt may với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngành CN.

- Đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hoá các hình thức đầu tư: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành dệt may. Mở rộng mối quan hệ với tất cả các tổ chức, với doanh nghiệp và tư nhân trong nước, nước ngoài, trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Tỉnh hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển công nghiệp nói chung và phát triển ngành dệt may nói riêng.

- Tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến: đổi mới cơ bản công nghệ sản xuất, phát triển công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm, đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm. Tranh thủ sự chuyển giao công nghệ của các nước đi trước để từng bước thay đổi công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu.

- Phát triển ngành dệt may Thái Bình phải được đặt trong chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam, trong thế cạnh tranh và hội nhập, gắn việc phát triển ngành dệt may với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp dệt may. Phấn đấu sớm hoàn thành việc xây dựng cụm công nghiệp Dệt may Thái Bình nằm trong chiến lược tăng tốc ngành dệt may VN được Chính phủ chấp nhận.

- Phát triển ngành dệt may mang tính bền vững cùng với sự phát triển của xã hội, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Gắn phát triển ngành dệt – may với phát triển  kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tăng cường an ninh quốc phòng, phát triển văn hoá xã hội, bồi dưỡng nhân lực, phát  huy nhân tố con người đảm bảo phát triển vững chắc theo hướng CNH-HĐH, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, cảnh quan, nguồn lợi thiên nhiên.

- Phát triển ngành dệt may nhằm tạo đà thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

* Công nghiệp sản xuất gốm, sứ, thuỷ tinh và vật liệu xây dựng:

- Tập trung khai thác thế mạnh nhiên liệu khí khu vực Tiền Hải

- Sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn và các khu vực lân cận, trong đó thị trường trong tỉnh phải được giữ vững, thị trường ngoài tỉnh phải được phát triển và tiến tới xuất khẩu.

- Từng bước thay thế vật liệu cổ truyền bằng vật liệu mới như tấm lợp, gạch không nung, gạch blok cốt liệu nhẹ.

- Phát triển sản xuất gạch ceramic, gạch granit, sứ vệ sinh, xi măng trắng và đá xây dựng.

Dự báo tốc độ phát triển nhóm ngành này tăng 15%/năm. Phấn đấu đến năm 2005, nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng đạt 626 tỷ, chiếm 18% sản lượng CN-TCN của Tỉnh, đến 2010 đạt 1016 tỷ đồng, chiếm 9% sản lượng CN-TCN của Tỉnh.

Trong điều kiện là một tỉnh thuần nông, không có nhiều lợi thế và phát triển công nghiệp như một số tỉnh thành phố khác, để phát huy được nội lực về tiềm năng, thế mạnh phát triển  công nghiệp, đòi hỏi có định hướng đúng đắn, có sự quan tâm giúp đỡ của trung ương, sự tập trung chỉ đạo mạnh mẽ của tỉnh, đồng thời phải xây dựng được cơ chế, chính sách thực sự ưu đãi và phù hợp theo thời gian mới có thể thu hút đầu tư cho công nghiệp. Khác với nông nghiệp, ngành công nghiệp có lợi thế hơn hẳn về tốc độ tăng trưởng và trình độ mở rộng quy mô, với truyền thống 45 năm của ngành Công nghiệp Thái Bình, chúng ta tin tưởng rằng Công nghiệp sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung. Đẩy nhanh công cuộc CNH-HĐH, để làm  tăng nhanh nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh có công, nông nghiệp và dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh./.
  • Tags: