Ra trường năm 1974, anh được nhận công tác tại Nhà máy Phân lân Văn Điển. Nhà máy lúc đó đang sử dụng toàn bộ dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất do Trung Quốc viện trợ với 2 lò cao, công suất thiết kế mỗi lò 10.000 tấn/năm. Nguyên liệu chính để sản xuất phân lân nung cháy là quặng Apatít Lào Cai, quặng Sécpentin Thanh Hóa (cỡ hạt 25-80 mm), nhiên liệu sử dụng phải là than Cok 100% nhập ngoại (cỡ hạt 25-100 mm). Để sản xuất 1 tấn lân nung chảy lúc này tốn tới 0,36 tấn than Cok, giá 1 tấn than cok là 120 USD trong khi cơ cấu giá thành sản phẩm phần chi phí cho nhiên liệu cho phép để sản xuất 1 tấn lân nung chảy chỉ có 43,2 USD. Bên cạnh đó, Nhà nước không có đủ ngoại tệ để nhập than cok dùng cho sản xuất phân lân nung chảy, đồng thời giá thành sản phẩm quá cao, không thể phù hợp với thị trường mà người tiêu dùng chủ yếu là nông dân, vì vậy Nhà nước phải bù lỗ cho sản xuất và cả chi phí vận chuyển đến từng người sử dụng. Không chỉ Nhà máy Phân lân Văn Điển mà ngành phân lân nung chảy cả nước có nguy cơ phải dừng sản xuất toàn bộ. Năm 1979, Nhà máy chỉ sản xuất được 7.610 tấn, đạt 8,5% so với công suất thiết kế. 2 trong 4 lò cao phải ngừng sản xuất, môi trường xung quanh nhà máy ô nhiễm nặng nề gây cháy hàng chục ha lúa, hoa màu vùng lân cận.
Chân ướt chân ráo về nhà máy chỉ vài ngày, kỹ sư trẻ Bùi Quang Lanh mạnh dạn nhận đề tài nghiên cứu sử dụng than nội địa thay thế than cok nhập ngoại để sản xuất phân lân nung chảy, chỉ với 2 bàn tay trắng với những kiến thức tích luỹ được ở Trường với quyết tâm và những khát vọng mạnh mẽ ấp ủ bấy lâu.
Sau khoảng 2 tháng nghiên cứu, thiết kế công nghệ, chuẩn bị trang thiết bị, anh được Tổng cục Hóa chất phê duyệt và đã thành công Bùi Quang Lanh đã đi vào vở kịch “ Con đường đã chọn” . - Đạo diễn, tác giả Vũ Hà - như 1 tấm gương người kỹ sư trẻ của đất nước trong thập kỷ 70. Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp... bao nơi đã in dấu chân chàng kỹ sư ham học hỏi và căng tràn nhiệt huyết này. Anh khát khao tìm hiểu học tập cả những cái được và cái chưa được của nước bạn bởi anh tự hứa với mình sẽ có những sáng chế mà các nước trên thế giới chưa làm được. Hành trang của Bùi Quang Lanh sau mỗi chuyến đi nước ngoài về luôn là chiếc va li nhẹ bỗng bởi tư trang thì đơn giản, hàng hóa thì không phải là mục tiêu anh quan tâm, còn kiến thức anh đã kịp thu lượm cất giữ trong đầu. Nhờ có sáng chế của anh, năm 1976, Nhà máy Phân lân Văn điển đã cải tạo được 2 lò cao và sử dụng 100% than nội địa thay thế than cok nhập ngoại; tiếp tục thiết kế 2 lò cao còn lại sử dụng 180% than nội địa cho sản xuất phân lân nung chảy vào năm 1977. Cũng trong giai đoạn này, bao khó khăn thách thức ập đến với gia đình anh: bố anh qua đời mẹ lại ốm đau luôn, tất cả trông chờ vào Bùi Quang Lanh, người anh cả của 9 người con trong gia đình. Hơn bao giờ hết ở Bùi Quang Lanh, nghị lực hơn người và sự cố gắng phi thường trỗi dậy. 1 năm anh 3 đợt đạp xe về Thái Bình, kiếm thêm thu nhập bằng tăng gia chăn nuôi. 1 năm, anh kỹ sư hóa Bùi Quang Lanh đã cho xuất chuồng 6 kỳ lợn thịt, bán 6 kỳ lợn giống, bình quân 4,5-6 tạ lợn/năm để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.
Thành công đáng tự hào, theo Giám đốc Công ty Phân lânVăn Điển Bùi Quang Lanh là phải biết biến khó khăn thành thuận lợi khônglùi bước và bỏ cuộc trước bất kỳ trở ngại nào. Anh không vừa lòng với những gì dễ dàng đạt được trong khi cuộc sống đầy phức tạp, thách thức. Thời kỳ thập kỷ 80-90, kỹ sư Bùi Quang Lanh cùng tập thể lãnh đạo, công nhân Công ty Phân lân Văn Điển đã đồng tâm hiệp lực, dám nghĩ, dám làm xây dựng định hướng và kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đã có hàng trăm giải pháp khoa học kỹ thuật ra đời và được ứng dụng thành công mà tác giả không ai khác chính là Bùi Quang Lanh. Trong đó có nhiều giải pháp được cấp bằng độc quyền sáng chế (có hiệu lực 20 năm) và độc quyền giải pháp hữu ích (10 năm). Nhiều giải pháp có tính chất quyết định không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn cứu sống cả 1 đơn vị. Đồng nghiệp gọi anh là “ nhà sưu tập sáng chế và giải thưởng” bởi những đóng góp to lớn của anh trong ngành công nghiệp Hóa chất. Trong 10 năm qua Bùi Quang Lanh có 06 giải pháp kỹ thuật được cấp bằng độc quyền sáng chế (số 1991 ngày 12/4/01) và độc quyền giải pháp hữu ích (số 265 ngày 9/8/2001), số HI-0030 và số HI0031 (ngày 11/01/1991), số HI-0089 (ngày 17/10/1992), số HI-0167 (ngày 30/8/1996).
Các bằng độc quyền sáng chế của Bùi Quang Lanh đã giúp Công ty Phân lân Văn Điển sử dụng được 100% nhiên liệu than antraxit nội địa; đưa ra trắc đồ lò cao phù hợp với công nghệ sản xuất than antraxit đưa công suất lò tăng 600%; giảm mức tiêu hao than, điện, làm lợi hàng trăm tỷ đồng; giải quyết và xử lý triệt để chất thải rắn giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Sản phẩm của Phân lân Văn điển đã được biết đến trên thị trường thế giới như Nhật Bản, úc, Malaixia, Đài Loan, do ứng dụng các giải pháp hữu ích của kỹ sư Lanh làm tăng chất lượng sản phẩm. Nếu như năm 1989, Nhà máy Phân lân Văn Điển chỉ sản xuất được 27.000 tấn phân bón, lợi nhuận chỉ đạt 17 triệu đồng thì năm 2000 sản lượng phân bón đạt 210.000 tấn (tăng 7,77 lần) lợi nhuận đạt 20.000 triệu đồng (tăng 1.176 lần). 400 công nhân của Công ty hiện có thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Công suất thiết bị đồng thời được tăng lên nhiều lần: 300.000 tấn/năm, đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật tiên tiến so với các nước trên thế giới.
Trong “ bộ sưu tập” giải thưởng của kỹ sư Bùi Quang Lanh còn có 16 bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong 2 thập kỷ qua; bằng khen của Chính phủ năm 1981 và 1986, giải nhất hội thi sáng tạo toàn quốc năm 2001, giải nhất công nghệ Vifotec năm 1998, Huân chương Lao động hạng 3 năm 1996 và giải thưởng Nhà nước năm 2000 cho công trình cải tiến “ Lò cao sản xuất phân lân nung chảy bằng than antraxit” . Sáng kiến “ Nghiên cứu hệ thống thiết bị sàng rửa phân loại nguyên liệu” của anh năm 2001 vừa qua cũng đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích, nhờ lắp thêm 01 sàn ướt sau sàng khô, cung cấp cho lò cao cỡ hạt nguyên liệu phù hợp, tái sử dụng nguồn nước thái, cải thiện môi trường và làm lợi 1,5-2,5 tỷ đồng/năm.
Gặp Giám đốc Lanh lần đầu, người ta khó có thể đoán được tuổi và nghề của anh. Anh có tác phong đĩnh đạc mà dễ gần của 1 nhà khoa học làm quản lý. Vừa nghiên cứu vừa làm công tác quản lý, liệu cả 2 việc có phân minh và chu tất được chăng ? Anh cho rằng điều cần thiết ở một con người dù làm bất cứ nghề gì phải là sự say mê, là cái tâm với nghề. Ngoài ra, phải nhạy bén với thời cuộc, đón bắt trước những cái sắp xảy ra để thích ứng nhanh với sự thay đổi của cơ chế thị trường trong và ngoài nước. Giám đốc, kỹ sư Bùi Quang Lanh tâm sự thật lòng: “ ở đời, đừng bao giờ coi mình là nhất, lúc nào cũng phải thấy mình còn thiếu, tự tìm tòi những cái bất hợp lý trong chuyên môn cũng như cuộc sống để có được cái của riêng mình...” .
Bí quyết để thành công của Bùi Quang Lanh phải chăng nằm ở 2 câu thơ anh đọc tặng tác giả bài viết thay lời tạm biệt:
“ Qua sóng gió mới thấy đời là đẹp
Qua lò nung mới thấy thép là bền” ./.