Đầu tư ra nước ngoài không ngừng tăng
Theo đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã và đang có xu hướng tăng mạnh. Năm 2004, cả nước có 17 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký 11 triệu USD. Tính đến đầu năm 2005, đầu tư ra nước ngoài của các DNVN đã và đang thực hiện 113 dự án tại 29 nước, vùng lãnh thổ với tổng vốn 225,9 triệu USD.
Năm 2006, tính chung cả cấp mới và nâng vốn, các DNVN đã đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn 347 triệu USD. Mức này chỉ xấp xỉ bằng năm 2005, nhưng được ghi nhận là rất tích cực vì trong năm 2005, vốn tăng đột biến là do có dự án thuỷ điện Xekaman 3 tại Lào với tổng đầu tư 273 triệu USD được cấp phép. Năm 2006, không có các dự án lớn nhưng số dự án lại tăng lên đáng kể. Trong tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài, có 33 dự án được cấp mới với số vốn 136,5 triệu USD. Có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng đầu tư là 211,2 triệu USD.
Với kết quả này, tính đến nay Việt Nam đã có 183 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 968 triệu USD. Các dự án của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khai thác dầu khí và phát triển nguồn điện (chiếm 40,09% số dự án nhưng lại nắm giữ 74,5% số vốn đầu tư). Tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp 19,6% số dự án và 13,3% số vốn đầu tư. Số vốn còn lại tập trung các lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung chủ yếu tại hai địa bàn là Lào (63 dự án có tổng số vốn đầu tư 416,3 triệu USD) và Liên bang Nga (11 dự án với 73,06 triệu USD vốn đầu tư). Ngoài ra còn có một số địa bàn đầu tư khác như Mỹ và các nước Đông Âu... Hiện dự án thăm dò khai thác dầu thô tại Angeri của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã phát hiện ra dòng dầu thương mại, nên vốn đầu tư được tăng thêm 208 triệu USD, nâng tổng số vốn thành 243 triệu USD.
Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNVN sẽ ngày càng sôi động. Trước hết là do các DN trong nước sau một thời gian phát triển đã có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, chi phí vận tải và khai thác những lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đầu tư ra nước ngoài liệu có được khuyến khích?
Một số dự báo cho thấy, trong năm 2007, với các dự án đang xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài và tăng vốn có khả năng đạt mức 350 triệu USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là năm tình hình đầu tư ra nước ngoài rất sôi động. Dự báo này dựa vào tình hình năm 2006, nhiều chính sách mới được ban hành, việc hoàn thiện hệ thống pháp lý đã kích thích DN đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, cùng với việc thực hiện Luật Đầu tư năm 2005 thì Chính phủ cũng ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP (ngày 09/8/2006) quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài thay thế Nghị định 22/1999/NĐ-CP.
Nghị định này được cộng đồng DN đánh giá góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đó là đã đơn giản hóa các thủ tục đầu tư ra nước ngoài, giúp DN nhanh chóng tiếp cận các cơ hội làm ăn, giảm được chi phí và thời gian trong quá trình triển khai các dự án đầu tư.
Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, một bài toán cần được giải là tập trung thu hút đầu tư để tăng trưởng. Vậy trong khi đang phải dành nhiều nguồn lực xúc tiến và quảng bá thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thì việc đưa vốn trong nước đầu tư ra nước ngoài liệu có được khuyến khích?
Từ kinh nghiệm của ngành điện, nhiều DN cho rằng, việc thu hút đầu tư trong nước là quan trọng nhưng không nên bỏ qua các cơ hội làm ăn tại các nước, nhất là tại các nước trong WTO. Vì vậy, họ luôn tìm kiếm các cơ hội, nếu thấy đầu tư mang lại lợi nhuận thì sẽ tiến hành ngay. Đây là một quyết định đúng đắn.
Đầu tư ra nước ngoài đối với Việt Nam là một hướng đi mới mang tính hấp dẫn cao. Đó là một tiềm năng to lớn trong việc giúp DN mở rộng thị trường, nâng vị thế hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vấn đề còn lại là Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và hành lang pháp lý để hỗ trợ quá trình triển khai dự án và bảo vệ quyền lợi của DN trong nước khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài làm ăn.?