Mở mang thị trường bình nước nóng năng lượng mặt trời: Kinh nghiệm từ Trung Quốc đến Việt Nam

Theo báo cáo của Trường Đại học bách khoa Hà nội tại cuộc hội thảo “ Hợp tác Việt Trung về ứng dụng năng lượng mặt trời trong phát triển bền vững”, vừa diễn ra trong tháng 8 tại Hà Nội, tính đến năm 1

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc vượt lên là nước đứng đầu thế giới về sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Nói về kinh nghiệm phát triển thị trường, GS. Tạ Kiến - Phó Giám đốc Sở nghiên cứu năng lượng mặt trời, Trường Đại học sư phạm Vân Nam,Trung Quốc cho rằng: có được thành quả như ngày hôm nay, Trung Quốc đã có lịch sử 30 năm nghiên cứu về năng lượng mặt trời. Ban đầu, cũng như Việt Nam bây giờ, để ứng dụng vào cuộc sống, gặp muôn vàn khó khăn. Các nhà khoa học khi nghiên cứu ra công nghệ mới sẽ không ứng dụng vào cuộc sống nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Các nhà khoa học không thể vừa nghiên cứu khoa học vừa làm thị trường, vì vậy, vai trò của Chính phủ ở đây là làm cầu nối cho doanh  nghiệp và nhà khoa học bằng các chính sách để đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Sự giúp đỡ ấy là rất thiết thực. Việc sử dụng nguồn năng lượng tái sinh được chính phủ Trung Quốc đưa ra thành chiến lược phát triển. Chính phủ có một ban đề ra kế hoạch phải phát triển nguồn năng lượng sạch này vào trong cuộc sống. Vấn đề này được đưa ra trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế. Các phương tiện thông tin đại chúng dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời cho nền kinh tế cũng như môi trường, tác động vào nhận thức của người dân. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ cho việc tuyên truyền. Rất nhiều các bộ ngành có liên quan của Trung Quốc đã tham gia trong lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ đưa sản phẩm đến vùng sâu, vùng xa bằng cách hỗ trợ về tài chính từ 50 - 60%, chính quyền địa phương hỗ trợ 20%, người dân chỉ bỏ ra 20%. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, sự trợ giúp đến 90%. Bộ Xây dựng đưa ra nguyên tắc phải đưa thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào bản thiết kế các công trình xây dựng. Đối với doanh nghiệp, khi tham gia cùng với Nhà nước họ được miễn thuế thu nhập. Thuế xuất khẩu cũng được ưu đãi. Do có sự trợ giúp đó của chính phủ mà sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời đã được người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng rộng rãi.

Theo ông Vương Bình - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiên Hà, Hà Khẩu, Trung Quốc, ban đầu, thiết bị đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt ở các cơ quan của chính phủ, các khách sạn, một số vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc. Sau khi xây dựng xong các mô hình trình diễn, Công ty liền lập ngay ra đại lý ở vùng đó để ngay lập tức có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân về sản phẩm này kèm theo chế độ bảo hành, bảo trì chu đáo. Ngoài ra, Công ty quảng bá cho sản phẩm của mình bằng cách tuyên truyền, quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia vào các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Do vậy, thị phần thiết bị nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời của Công ty ở Trung Quốc khá cao. Gần đây, Công ty đang có chiến lược xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng và dồi dào về nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời.

Tại Việt Nam, từ những năm 1980, đã có chương trình nhà nước về năng lượng mặt trời với sự tham gia của một số trường đại học, viện nghiên cứu và sở khoa học công nghệ của một số tỉnh trong nước. Nhưng do sản xuất chưa mang tính công nghiệp nên giá thành còn cao và dịch vụ hậu mãi chưa tốt nên chưa thể ứng dụng rộng rãi. Vì vậy, nhiều cơ sở nghiên cứu bị thu hẹp lại hoặc giải tán. Từ năm 1996, nhận thấy tiện ích của việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho nền kinh tế cũng như môi trường, một số cơ sở trong nước đã bắt đầu nhập thiết bị này từ nước ngoài về bán tại Việt Nam nhưng còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Thậm chí có  doanh nghiệp còn nhập các thiết bị chất lượng kém về bán mà không qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Qua một thời gian sử dụng, những thiết bị này bị xuống cấp và hư hỏng nhưng không ai sửa chữa. Đến nay cả nước mới chỉ lắp đặt được khoảng 4000m2. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta còn rất yếu. Việc phát triển hiện nay hoàn toàn tự phát, chưa có định hướng và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Vì vậy, nó cũng đã làm nản lòng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều đó không phải là tất cả, vì vẫn còn có những doanh nghiệp rất tâm huyết hoạt động trong lĩnh này. Chị Trịnh Thị Thuỷ - Giám đốc Công ty Đầu tư - phát triển năng lượng mới Việt Nam cho biết: Hiện nay công ty của chị đang cung cấp bình nước nóng năng lượng mặt trời thương hiệu SUONENG (Trung Quốc). Đây là một thương hiệu đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ KH&CN - Việt Nam). Chị biết, kinh doanh trong một lĩnh vực mới là rất khó khăn, nhưng ước mơ tìm ra một nguồn năng lượng sạch thay thế khi các nguồn năng lượng khác sẽ cạn kiệt đã thôi thúc chị quyết tâm theo đuổi nó. Để khắc phục những khiếm khuyết trong việc phát triển thị trường mà các cơ sở đi trước đã mắc phải, hiện nay Công ty có một đội ngũ thợ kỹ thuật được đào tạo bài bản bởi những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc, cùng chế độ bảo hành, bảo trì chu đáo, giá cả phù hợp nên được khách hàng tín nhiệm. Vì vậy, mới đi vào hoạt động từ tháng 4/ 2004, song Công ty đã lắp đặt được hơn 300m2 thiết bị, tương đương với 21 000 lít nước nóng.

Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan. Để làm thay đổi nhận thức của người dân về một lĩnh mới không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải có một quá trình. Hơn nữa, cần phải có sự vào cuộc thực sự từ phía Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực này.

  • Tags: