"Nhanh chóng tạo lập thị trường Công nghệ..."

Làm thế nào để phát triển thị trường công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước vào thực tiễn sản xuất…? Đây cũng chính là nội dung của cuộc trao đổi cởi mở

- PV: Theo ông, ở nước ta đã có một thị trường công nghệ theo đúng nghĩa bán mua?
-  TS. Trần Việt Hùng :
Theo tôi, ở nước ta đã và đang có một thị trường công nghệ, nhưng đó là thị trường công nghệ một chiều: Người bán là các công ty nước ngoài , người mua là các công ty, các nhà đầu tư Việt Nam, hàng hoá là những sản phẩm KHCN của nước ngoài. Nói một cách khác, Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng và dễ tính đối với các sản phẩm và công nghệ có xuất sứ từ nước ngoài. Còn đối với các nhà KH Việt Nam thì vẫn chưa có một thị trường thực sự cho các sản phẩm của họ. Trong thời gian tới chắc chắn tình hình sẽ cải thiện nhiều vì Chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến việc tạo lập thị trường công nghệ.
- PV: Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước có thể thay thế công nghệ nhập ngoại nhưng vì sao các nhà đầu tư vẫn không mặn mà với những gì các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công  mà vẫn lựa chọn nhập thiết bị của nước ngoài?
-  TS. Trần Việt Hùng
: Loại bỏ một vài yếu tố tiêu cực, ta cần thông cảm với các nhà đầu tư. Khi đã quyết định đầu tư, ai cũng muốn có được những thiết bị hoặc dây chuyền thiết bị có độ tin cậy cao. Độ tin cậy này thể hiện trước hết ở uy tín chất lượng của nhà sản xuất, trình độ công nghệ chung của nước sản xuất, cũng như uy tín và chất lượng dịch vụ của  nhà cung cấp thiết bị. Trong khi đó, những công trình nghiên cứu trong nước dù có thể tạo ra những sản phẩm, những công nghệ có khả năng thay thế nhập ngoại thì thường ở dạng đơn chiếc hoặc sản xuất nhỏ, chưa được thử thách nhiều. Điều này, gây ra tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư khi áp dụng những tiến bộ KHCN trong nước. Chúng ta cũng chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư khi áp dụng các sản phẩm nghiên cứu của các nhà KH trong nước. Mặt khác, những nhà KH cũng chưa có được cơ chế đảm bảo cho họ sống bằng chính những sản phẩm họ sáng tạo ra (quyền tác giả chưa được bảo đảm). Vì vậy, nếu tạo ra sản phẩm nghiên cứu có giá trị, họ cũng không thiết tha chuyển giao toàn bộ  cho nhà sản xuất hoặc sau khi chuyển giao, thì không  phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất để tiếp tục theo dõi cải tiến hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu của mình.
- PV: Vậy đâu là giải pháp để giải quyết tận gốc những nghịch lý  này, thưa ông?
-  TS. Trần Việt Hùng
: Tôi nghĩ rằng, cần nhanh chóng tạo lập thị trường KHCN. Nhà nước cần xây dựng các cơ chế phân định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của ngưòi bán, người cung cấp cũng như người mua, người áp dụng các sản phẩm KHCN. Để khuyến khích áp dụng những sản phẩm, công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời tránh rủi ro cho những nhà đầu tư, nhà nước có thể thành lập những hội đồng kinh tế - kỹ thuật thẩm định một cách khách quan giá trị thực tiễn của chúng để tư vấn cho các nhà đầu tư và chính phủ. Đối với những sản phẩm, công trình nghiên cứu thực sự có giá trị, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất và các nhà KH hợp tác đưa nhanh vào ứng dụng trong thực tiễn. 
- PV: Nhưng dường như việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ trong thời gian qua chưa được quan tâm, thưa ông?
-  TS. Trần Việt Hùng
: Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi được biết, hiện nay chi phí cho đầu tư XDCB luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng kinh phí ngân sách hàng năm chi cho KHCN. Đặc biệt, trong những năm gần đây Nhà nước đã cố gắng dành nhiều kinh phí để trang bị cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, một hạng mục rất quan trọng của cơ sở hạ tầng KHCN. Vấn đề là sử dụng, bảo quản và quản lý các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia này sao cho có hiệu quả, đảm bảo cho các nhà KH thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau có điều kiện khai thác các thiết bị thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài khoa học của mình. 
- PV: Thế thì tại sao việc triển khai hoạt động của các khu công nghệ cao còn chậm, thưa ông?
-  TS. Trần Việt Hùng:
Công nghệ cao cũng thuộc phạm trù công nghệ, vì vậy nó cũng cần có thị trường và phải gắn với sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Thêm vào đó, khu công nghệ cao muốn phát triển cần phải tập trung được đội ngũ chuyên gia, đội ngũ kỹ thuật cao trong và ngoài nước, phải có vị trí địa-kinh tế thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt  là kết cấu hạ tầng thông tin tốt đảm bảo dễ dàng hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thiếu những yếu tố trên thì các khu công nghệ cao khó phát triển nhanh được.
 - PV: Ông nghĩ sao khi các nhà khoa học phàn nàn công trình nghiên cứu được chuyển giao bị đánh thuế VAT; thuế  nhập khẩu thiết bị đối với các doanh nghiệp làm công nghệ cao như tin học, và đại diện thương mại cho các hãng cung cấp thiết bị tự động hoá chưa có chương mục điều khoản quy định rõ ràng?
-  TS. Trần Việt Hùng:
Những chuệch choạc đó nếu có cũng là lẽ tự nhiên trong bối cảnh ở nước ta thị trường KHCN đang trong quá trình hình thành. Vì thế, những cơ chế dành cho hoạt động trong lĩnh vực này cũng  chưa  hoàn toàn hợp lý, đồng bộ mà còn phải cải tiến, hoàn thiện rất nhiều trong quá trình thực hiện. Các nhà KH, các nhà quản lý, sản xuất kinh doanh....nên mạnh dạn đề xuất  những ý tưởng  góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ. 

  • Tags: