Tổng quan tình hình thực hiện SXSH
Sau hơn 20 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, song song với sự phát triển, chúng ta phải đối phó với nhiều vấn đề về môi trường sinh thái… Do đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, cũng như ban hành một Chiến lược quốc gia đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 về bảo vệ môi trường. Năm 1999, chúng ta đã ký kết Tuyên ngôn quốc tế về SXSH với chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP).
Nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, năm 2002, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về SXSH. Kế hoạch này được triển khai trong nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, được áp dụng trong các cơ sở công nghiệp, với mong muốn SXSH thực sự trở thành một công cụ quản lý hiệu quả về mặt kinh tế, đồng thời tạo ra các lợi ích xã hội và môi trường cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trước những thách thức của hội nhập.
Từ khi áp dụng chương trình SXSH, chương trình đã nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, tư vấn và các doanh nghiệp. Đến nay, đã có khoảng hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp trên 37 tỉnh, thành phố tham gia chương trình, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 năm. Thực tế từ việc triển khai áp dụng chương trình SXSH những năm qua cho thấy đã giảm thiểu đáng kể lượng nguyên, nhiên liệu sử dụng trong các ngành sản xuất. Các doanh nghiệp thuộc ngành dệt nhuộm, giấy khi áp dụng SXSH đã giảm được lượng tiêu thụ nhiên liệu trên 50%, tiêu thụ điện giảm trên 30%, hoá chất giảm 60%. Những lợi ích về mặt kinh tế là động lực hấp dẫn để các doanh nghiệp chủ động áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình.
Thời gian đầu, SXSH mới chỉ tập trung quan tâm đến hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ đã có sự quan tâm và tự mình tiếp cận với SXSH qua các hình thức khác nhau. Thông qua các dự án quản lý môi trường, các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ khách sạn đã giảm được lượng điện tiêu thụ từ 10-20%, nước khoảng 21%, đồng thời thực hiện quản lý rác thải đúng quy định, tránh được nguy cơ rò rỉ hoá chất.
Để quảng bá và phát triển SXSH ở Việt Nam, thời gian qua, các bộ, ngành và các trung tâm sản xuất sạch Việt Nam cùng các địa phương đã tham gia các hoạt động tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Bộ Công nghiệp đã thành lập một Trung tâm thông tin về SXSH và đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật trong Ngành, đồng thời có những hỗ trợ về tài chính cho việc triển khai chương trình này. Với sự trợ giúp của Đan Mạch, Dự án SXSH trong ngành công nghiệp đã được vận hành và triển khai với mục tiêu tăng cường năng lực thực hiện SXSH đối với các cơ quan quản lý và tăng cường năng lực kỹ thuật đối với các đơn vị thực hiện.
Cũng nằm trong khuôn khổ của một dự án mang tên SEAQIP (Dự án Cải thiện chất lượng và xuất khẩu thuỷ sản) do Đan Mạch tài trợ, Bộ Thuỷ sản đã triển khai áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, đặc biệt gắn SXSH với việc thiết lập các mạng lưới quan trắc, giám sát về môi trường và hệ thống xử lý chất thải. Do đó, đã góp phần giải quyết đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường trong ngành Thuỷ sản.
Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, ngoài việc thực hiện đánh giá SXSH ở các doanh nghiệp, thời gian qua cũng đã tổ chức đào tạo chuyên sâu cho hơn 100 cán bộ trong mạng lưới cán bộ tư vấn.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, với sự phối hợp của các bên liên quan đã tham mưu cho Chính phủ trong việc đưa ra các định hướng về SXSH vào các chiến lược, chính sách cũng như những ưu tiên trong các chương trình hành động bảo vệ môi trường.
Những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện SXSH
Nhằm khuyến khích việc thực hiện SXSH, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số định hướng, quy định, trong đó khẳng định những ưu tiên đối với hoạt động SXSH. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây độc hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế.
Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ những chính sách của Nhà nước như: Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải. Đồng thời, có những ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường, kết hợp hài hoà giữa bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các thành phần môi trường cho phát triển… Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ môi trường cũng có những ưu tiên cho các dự án áp dụng chương trình SXSH…
Có thể thấy, các văn bản pháp lý cao nhất đã đề cập đến những ưu tiên cho hoạt động SXSH. Tuy nhiên, kết quả từ việc áp dụng SXSH vào thực tiễn sản xuất còn rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, tuy các bộ, ngành, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, các địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc thực hiện SXSH vẫn còn một số hạn chế như, nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của SXSH chưa cao; SXSH chưa trở thành một nhân tố trong việc xem xét, phê duyệt các chính sách, chiến lược, các dự án đầu tư; cơ chế hỗ trợ SXSH đã có, nhưng chưa cụ thể rõ ràng. Ngoài ra, còn một số hạn chế khác như, nguồn nhân lực tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác này vẫn còn thiếu; Tài nguyên thiên nhiên cũng chưa được đánh giá đúng, đủ và khuyến khích tiết kiệm; Việc giám sát thi hành Luật Bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, công tác cưỡng chế thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh…
Để SXSH thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần có các giải pháp thực tế hơn, tích cực hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn, đồng thời cần ban hành thêm các chính sách với các quy định rõ ràng về mặt tổ chức thực hiện, về chế tài cũng như những khuyến khích về tài chính. Có vậy, SXSH mới trở thành một hoạt động quan trọng trong SXKD cũng như bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo.