Đó là thể thức “thẻ xanh HACCP” của Hoa Kỳ và “sản phẩm Hội Nhập” của EU. Thẻ xanh HACCP của Hoa Kỳ là thông hành đầu tiên phải có, để đưa hàng hoá vào Hoa Kỳ. Đó là một giấy cam kết theo đúng tên của một cụm từ viết tắt Hazardous And Critical Cỏntol Progarm (HACCP) có nghĩa “bán hàng có chấp nhận mạo hiểm, chịu trách nhiệm tới cùng” đối với lô hàng của mình. Nhà sản xuất và nhà phân phối phải liên đới chịu trách nhiệm với xã hội, không chỉ sau khi lô hàng xuất xưởng, mà xuống tàu nhập kho, phân phối, tiêu dùng. Trong mọi giai đoạn đó mà lô hàng hư hỏng, gây hại cho người tiêu thụ, thì phía bên bán phải chịu bồi thường, thu hồi đem hàng về nước, mà chi phí hoàn toàn do bên bán chịu.
Cũng thế, thể thức “sản phẩm hội nhập” (SPHN) của EU quy định rằng, các nhà xuất khẩu và các nhà nhập khẩu phân phối tại các nước EU đều có quyền lợi và trách nhiệm như nhau, về lô hàng, từ lúc sinh ra cho đến lúc hoàn toàn không sử dụng, từ lúc phát triển cho đến lúc thiêu huỷ nó.
Nếu thể thức HACCP nhằm bảo vệ nhà phân phối và người tiêu dùng theo những gì mà tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 phiên bản năm 2000 đòi hỏi, thì thể thức SPHN lại nhằm ràng buộc nhà sản xuất, bảo vệ nguồn nguyên liệu, những gì mà tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 phiên bản năm 1999 đòi hỏi.
Thể thức SPHN ra đời ngày 3.10.1997, theo một khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc: Nếu chúng ta muốn dành dụm nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác gần như kiệt quệ và môi trường bị tàn phá nặng nề cho thế hệ sau, thì chúng ta phải tạo ra được sự biến hoá toàn diện, mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Và thuật ngữ kinh doanh “phát triển bền vững” cũng xuất hiện từ đây. Phát triển bền vững, đúng theo tinh thần tiếng Anh gốc là Sustainable development rồi chuyển qua Pháp năm 1980 là Dévelopment durable đều có nghĩa “phát triển có thể chịu được”, tức thoả mãn nhu cầu của các thế hệ mai sau. Không chỉ kinh tế, SPHN với các nước châu Âu còn đòi hỏi các tiêu chuẩn thuần phong mỹ tục, chất lượng bền vững của lối sống, thông qua hàng hoá tiêu dùng.
Điểm tương đồng về điều kiện nhập khẩu của hai thị trường lớn Hoa Kỳ và EU đã và đang là cơ hội lớn cho hàng dệt may và da giầy Việt Nam. Bên cạnh hai thị trường khác cũng lớn xấp xỉ là Nhật Bản, nước không có chủ trương cấp hạn ngạch và Canađa, nước không sản xuất hàng may mặc và da giầy nội địa, nên có cạnh tranh thông qua thuế và giá.
Một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2002 về nhịp độ phát triển kinh tế do Bộ công nghiệp đúc kết, là sau một năm triển khai Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt mức khá cao 2,7tỷ USD, trong đó xuất sang Hoa Kỳ 900 triệu USD. Điểm đáng lưu ý là mức xuất cao đúng vào thời kỳ các thị trường Hoa Kỳ và EU áp dụng mạnh các thể thức HACCP và SPHN, ngoại trừ một ít mặt hàng nông, thuỷ sản có vấn đề, do một số nhà xuất khẩu tham lời đưa tạp chất vào sản phẩm, riêng hàng dệt may, da giầy thì hoàn toàn không có vấn đề khiếu nại hay trả lại hàng vì bất cứ lý do gì.
Với ràng buộc HACCP-SPHN, hàng dệt may Việt Nam có các thế lợi tuyệt đối, thứ nhất là người sản xuất không có vị thành niên, có tay nghề cao, cần mẫn, những con người luôn tạo ra hàng hoá sạch và đẹp với giá rẻ nhất 0,24USD/giờ so với cao nhất 3,16USD/giờ của Xingapo; Thứ hai, nguyên liệu bông sợi Việt Nam được trồng sạch, vải gốc cotton luôn tạo cảm giác êm dịu, thoáng mát cho sản phẩm, bên cạnh các sản phẩm chính, Việt Nam còn có điều kiện sản xuất thêm các mặt hàng cầu kỳ cho nhu cầu trang phục mỹ thuật và sức khoẻ, như hàng tơ tằm, thổ cẩm, thêu ren tay....
Các lợi thế về đất nuôi trồng và con người, tiềm năng của ngành dệt may, da giầy của Việt Nam là rất thuận đà với các thể thức mà hai thị trường Hoa Kỳ và EU đòi hỏi. Vấn đề còn lại là trang thiết bị sản xuất, mẫu mã và mở rộng thị phần. Với 45 năm xây dựng, cùng chiến dịch tăng tốc phát triển đến năm 2010, có thể hình dung qua vài con số, lao động ngành dệt may lên 4,5 triệu người, hàng may đạt 1,2 tỷ sản phẩm/năm. Những thuận lợi mà Việt Nam có được, phải nhìn nhận là nhờ có thời gian dài thực tập và gia công, tiếp cận kỹ năng qua hợp tác liên doanh, để nay chúng ta có được nhiều kinh nghiệm, để tự mình bước vào ngành nghề mũi nhọn này, mà cơ hội là hai thị trường Hoa Kỳ và EU.