Điện Uông Bí thực hiện nhiều giải pháp đạt sản lượng cao

Vào mùa khô, các nhà máy thuỷ điện thiếu nước để phát điện, do vậy các nhà máy nhiệt điện có trách nhiệm phát điện công suất cao, đảm bảo phát bù cho lưới điện quốc gia. Nhận rõ trách nhiệm của mình,

Năm 2002, Nhà máy sản xuất 690 triệu kWh, vượt 180 kWh, về trước thời gian 120 ngày, tăng gấp rưỡi năm 2001. Năm 2003 đạt 730,6 triệu kWh, vượt 43% kế hoạch, mức cao nhất kể từ ngày thành lập Nhà máy đến nay. Các tháng đầu năm nay, tuy có nhiều khó khăn, nhưng 4 tháng qua đạt gần 300 triệu kWh, vượt 30% định mức, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Những con số đáng khích lệ trên có nhiều nguyên nhân.

Kỹ sư Phó giám đốc kỹ thuật Vũ Xuân Mạch - người đã trên 30 năm gắn bó với Nhà máy, am hiểu các thiết bị nhà máy như trong lòng bàn tay mình cho biết: Trong chỉ đạo điều hành công việc, Nhà máy có nhiều cải tiến, đổi mới cách nghĩ cách làm, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi việc được thảo luận sâu rộng trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, phòng ban đến phân xưởng, đến tổ sản xuất, đi đến thống nhất, đoàn kết trên dưới một lòng. Nhà máy còn mạnh dạn phân cấp quản lý cho từng phân xưởng, đội, tổ và từng người thợ trong công việc quản lý sửa chữa vận hành thiết bị…

Để thực hiện mục tiêu đại tu sửa chữa bảo dưỡng, thiết bị đạt và vượt tiến độ, duy trì phát điện năng suất cao, Nhà máy đã mở nhiều hội nghị chuyên đề như ứng dụng công nghệ mới trong dây chuyền sản xuất, công tác kỹ thuật vận hành thiết bị, sử dụng tiết kiệm vật tư nhiên liệu… để tập hợp nhiều ý kiến thiết kế hay. Phát huy nội lực, Nhà máy đã đầu tư trên 100 tỷ đồng lắp đặt các thiết bị tiên tiến, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, khẩn trương cải tạo công nghệ dây chuyền sản xuất khép kín đúng quy trình.

Việc đại tu, sửa chữa, lắp ráp máy móc được tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kiểm tra từng công đoạn hạng mục công trình từ khi bắt đầu đến kết thúc công việc. Các trường hợp vi phạm được lập biên bản kết luận xử lý tại hiện trường. Nếu do người thợ vi phạm, nhóm trưởng, tổ trưởng đều phải gánh trách nhiệm. Nếu sự cố do tổ trưởng, thì kíp trưởng, quản đốc đều phải chịu trách nhiệm. Tuỳ theo mức độ hư hỏng, lãng phí sản xuất mà áp dụng các hình thức kỷ luật từng cá nhân, tập thể: phê bình, kiểm điểm cảnh cáo, cắt thưởng, hạ bậc lương, chức vụ, chuyển đổi công việc… Biện pháp này được thực hiện triệt để, do vậy mà ngăn chặn kịp thời nhiều sự cố lớn, sự cố nhỏ giảm 50-60%.

Nêu cao ý thức làm chủ, thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm, việc sử dụng vật tư nhiên liệu của Nhà máy có nhiều cải tiến từ khâu thiết kế, đến việc giao nhận, cân đong đo đếm chính xác từng chủng loại… Do vậy, nhiều chỉ tiêu chủ yếu như than đốt lò, dầu FO, điện tự dùng đều giảm so với định mức. Ngoài ra, Nhà máy còn tận dụng vật tư hiện có, tận dụng hàng trăm tấn sắt thép, đồng, gang… gia công nhiều mặt hàng phục vụ cho việc sửa chữa các công trình trong Nhà máy. Tổng số tiến tiết kiệm qua các công việc trên đạt hơn 10 tỷ đồng.

Nhằm khuyến khích mọi người hăng hái lao động sản xuất, Nhà máy áp dụng khoán quỹ lương và các khoản chi phí sản xuất đến từng người thợ, cùng với cơ chế thưởng năng suất cao, an toàn. Thực hiện trao thưởng từng ca trong ngày cho tập thể, cá nhân. Ví dụ: Ca sản xuất đạt công suất 1 triệu kWh, thưởng 1 triệu đồng. Lắp thiết bị, máy móc công trình trọng điểm vượt tiến độ 1 ngày được thưởng 10 triệu đồng. Căn cứ vào sản lượng, tiến độ vượt, mức tiền thưởng được cộng thêm theo con số thực hiện. Ngược lại, nếu hụt mức, kéo dài thời gian không có lý do chính đáng, bị phạt theo tỷ lệ về các khoản chi phí. Thời gian qua, không những không có đơn vị nào bị phạt mà Nhà máy còn trích thưởng gần 1 tỷ đồng cho tập thể, cá nhân đạt năng suất, tiết kiệm nhiều.

Nhờ đó, trong chiến dịch mùa khô năm nay, xuất hiện nhiều kỷ lục mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Lò số 6 vận hành liên tục 3 tháng. Lò số 5, 7, 8 chu kỳ vận hành trên 2 tháng. Trước đây, thời gian chạy các lò dưới 20 ngày thì hiện tại, Nhà máy đã và đang khai thác 100% công suất, duy trì 4 lò máy hoạt động liên tục, sản lượng đạt 2,25 triệu kWh/ngày, nhiều ngày đạt 2,4-2,5 triệu kWh, tăng 42-55% so với định mức.

Song song với những biện pháp trên, Nhà máy thực hiện hạch toán nội bộ phân xưởng đến tổ sản xuất, công khai tháng, quý thực hiện tăng thu, giảm chi. Đến nay, đã quyết toán 70 hạng mục công trình trung, đại tu chuyển tiếp tồn đọng nhiều năm. Hệ số sử dụng đạt 84,7%, doanh thu 950-1.000 triệu đồng/ngày. Sản lượng tăng, doanh thu khá vững chắc. Thu nhập của CBCN bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Việc sản xuất kinh doanh là như vậy, với việc mở rộng Nhà máy Điện Uông Bí hiện nay thế nào ?

Kỹ sư Lê Kế Bá, Giám đốc Nhà máy tâm sự: Chúng tôi rất vui mừng được Chính phủ cho phép mở rộng Nhà máy. Từ cán bộ đến công nhân đều có suy nghĩ làm việc hết sức mình, đảm bảo tiến độ mở rộng. Thời gian qua, Nhà máy đã chủ động triển khai có hiệu quả một số công việc, không những duy trì các lò máy phát điện công suất cao, mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng Nhà máy. Cụ thể: Lập phương án và thi công hồ chứa nước ngọt, trực tiếp đưa một khối lượng nước ngọt lớn vào Nhà máy phục vụ cho sản xuất sinh hoạt; Triển khai lắp đặt đúng tiến độ bộ lọc bụi tĩnh điện để cuối năm 2004, bụi trong ống khói Nhà máy tỏa ra sẽ giảm 50% và đến năm 2005, bụi giảm 100%; Mở các lớp đào tạo gần 100 trưởng kíp, trưởng ca, thợ bậc 1, nhân viên sử dụng máy tính và gửi 30 kỹ sư các ngành nghề đi đào tạo tại các trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Nhà máy còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xây dựng, lắp máy, nhiều cơ quan bộ, ngành địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thi công xây lắp các công trình, phấn đấu đưa tổ máy đầu tiên phát điện vào năm 2005 đúng tiến độ, hòa vào lưới điện quốc gia. Khi đó, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí sẽ trở thành trung tâm năng lượng vùng Đông Bắc với công suất 700 MW, đảm bảo phục vụ sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế vùng tam giác Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội./.

  • Tags: