Công nghệ mạ và giải thưởng Covalepxcaia cho một nhà khoa học

Là một người phụ nữ không gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, với chị Vũ Thị Điềm, niềm hạnh phúc lớn nhất là được làm việc. Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở chị một nhà khoa học chân chính, một nhà q

Vậy là chị Vũ Thị Điềm đã nghỉ hưu nhưng phía trước với chị vẫn là bộn bề công việc, và phía sau lưng chị là cả một chặng đường dài nhiều nhọc nhằn nhưng vinh quang mà chị đã tự tin bước qua. 8 năm làm giáo viên tại trường trung cấp thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim, 25 năm làm việc tại Viện nghiên cứu Cơ khí thuộc Bộ Công nghiệp, chìa khoá của sự thành công đối với chị Điềm là biết thuyết phục người khác. Chính phong cách điềm đạm, tự tin và khả năng thuyết phục là những gì mà chị tự rèn luyện trong suốt những năm dạy học, vì lẽ đó, khi làm quản lý chị không gặp mấy khó khăn. Đồng nghiệp không chỉ ghi nhận những đề tài khoa học có giá trị do chị làm chủ nhiệm, mà còn cảm phục bởi sự nhiệt thành, thân tình và có trách nhiệm trong phong cách làm việc của chị. Vì vậy, từ một cô giáo dạy hoá, chị Điềm trở thành cán bộ nghiên cứu, rồi Phó phòng, Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ từ lúc nào không hay.

Tốt nghiệp khoa Hoá trường Đại học Tổng hợp, với những kiến thức được học và khả năng thiên bẩm của mình, chị đã thực hiện rất nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao trong suốt mấy chục năm làm việc tại Viện nghiên cứu Cơ khí: Đề tài Nghiên cứu công nghệ mạ hợp kim đồng, thiếc phủ Crôm; nghiên cứu công nghệ mạ kẽm bóng; Nghiên cứu công nghệ mạ hợp kim 3 nguyên tố chì - thiếc - đồng; Nghiên cứu công nghệ mạ kẽm nóng chảy cho các cấu kiện thép. Đây là đề tài đựơc áp dụng mạ cột điện của đường dây 500kV Bắc Nam từ năm 1992. Với hai đề tài: Phục hồi bạc trượt các động cơ máy nổ và Mạ kẽm nóng chảy cột điện cho công trình đường dây tải điện cao thế xuyên quốc gia 500kV, chị và các cộng sự đã tiết kiệm được cho Nhà nước hơn 2,7 tỷ đồng...

Trong hệ thống thiết bị mạ kẽm nóng chảy, bể mạ là cốt lõi, là trái tim của công nghệ mạ, nên việc nghiên cứu một lớp phủ chống ăn mòn của kẽm nóng chảy để bảo vệ bể mạ thép là vô cùng quan trọng. Trước chị, đã có nhiều người sử dụng gốm làm lớp phủ, nhưng sau mỗi lần mạ lại phải quét lớp phủ mới. Chị đã sử dụng một phương pháp mạ mới và mang lại hiệu quả rất cao với đề tài: “Tạo lớp phủ bề mặt để bảo vệ chống ăn mòn cho bể mạ kẽm nóng chảy”. Với đề tài này, chị cho thí nghiệm lần đầu tiên cách đây 11 năm ở Đà Nẵng, và cho đến nay nó vẫn là một phương pháp tốt nhất được nhiều nơi sử dụng.

Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của chị không dừng lại sau khi chị nghỉ hưu. Hiện nay, chị Vũ Thị Điềm vẫn là cộng tác viên của Viện nghiên cứu Cơ khí và  tham gia tư vấn về mặt công nghệ và chế tạo, lắp đặt thiết bị cho nhiều công trình.  Gần đây nhất là 3 dự án quan trọng mà chị trực tiếp tham gia làm cố vấn công nghệ: Thiết kế dây chuyền mạ nhúng công suất 20.000 tấn/năm cho COMA 18 thuộc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng; Chế tạo lắp đặt dây chuyền mạ nhúng kẽm năng suất 5tấn/ngày; Thẩm định thiết kế, theo dõi dây chuyền mạ nhúng kẽm nóng (10tấn/ngày) cho Xí nghiệp Cơ điện thuộc Công ty Điện lực 3 - Đà Nẵng.

Có thể nói, không có nhiều người, mà đặc biệt là phụ nữ có thể làm được nhiều mà lại thành công như chị. Nhưng chị vẫn khiêm tốn: “Còn rất nhiều người giỏi hơn mình... Mình thành công như vậy cũng là vì chăm chỉ, chịu học và cố gắng thôi...”. Rồi chị kể về con đường học hành của mình với bao nhiêu sự trắc trở chỉ vì bị xuất thân từ “thành phần con tư sản”. ở cái thời của chị, chị không được chọn nghề học, những kiến thức mà chị có được đều là do tự học, tự mày mò, tìm hiểu. Là con tư sản, chị chỉ được học đến năm thứ 3 đại học, không được đi học nước ngoài trong khi khả năng của chị đều được mọi người thừa nhận. Nhưng thời kỳ  ấy đã qua đi, giờ nó chỉ là những kỷ niệm buồn đối với chị. Bù đắp lại những mất mát ấy, chị có công việc, và chị say mê đến quên cả bản thân. Chị vẫn nhớ mãi những ngày tháng khó khăn nhưng ấm áp tình nghĩa: ngày đi làm, tối về đan len thêm. Chẳng là chị sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt áo len, nên đôi tay tưởng như đã chai sạn với các công nghệ mạ vẫn khéo léo với từng đường kim mũi chỉ, vẫn mềm mại trên các phím đàn mỗi khi rảnh rỗi. Thời buổi khó khăn, có khi cả phòng trong những giờ giải lao ngồi đan áo để kiếm thêm đồng ra đồng vào, hoặc dùng để làm quà tặng cho khách hàng. Sống giữa tập thể, chị vừa làm quản lý, vừa  phụ trách chuyên môn, nhưng mỗi khi ngồi đan len, chị như một người bạn tâm tình. ở góc độ nào cũng vậy, chị luôn sống hết mình và làm việc hết mình. ở vai trò nào chị cũng khiến cho bạn bè và đồng nghiệp nể phục. Với chị, làm quản lý là phải biết làm thế nào đó để cho mọi người có thể tự do phát huy tối đa khả năng của mình, phải đặt mục tiêu lớn nhất là hiệu quả công việc, chứ không phải là sự quản lý máy móc về thời gian, không gian, tiền bạc. Chị nói: “Tôi không bao giờ xem thường người khác, bởi vì mỗi người có một điểm mạnh của mình. Cái chính là phải làm thế nào để thúc đẩy họ phát huy được điểm mạnh đó.” Còn trong công việc chuyên môn, với chị, mỗi thành công đều được hun đúc bằng nhiệt tâm, bằng mồ hôi và máu thịt. Làm khoa học cũng gặp nhiều thất bại, nhưng mỗi thất bại là mỗi thách thức để chị tìm mọi cách vượt qua. Khi thất bại càng chán chường, nhức nhối bao nhiêu, thì lúc thành công càng hạnh phúc bấy nhiêu. Nhiều lúc, trong công nghệ mạ điện phân, mạ lên thấy rất đẹp, mừng rơi nước mắt tưởng đã thành công, vậy mà khi cho vào sấy, lớp mạ phồng lên như chiếc bánh đa, nỗi buồn không kể đâu cho hết. Làm khoa học là thế, nếu không đam mê, không mạnh dạn thử nghiệm, không vượt qua mọi thử thách để ứng dụng thì không thể theo đuổi sự nghiệp này.

Với chị Vũ Thị Điềm, làm khoa học là phải luôn có ý tưởng, phải luôn thay đổi. Khoa học không chấp nhận sự trì trệ, dậm chân tại chỗ. Có lẽ chính vì vậy mà cho đến ngày hôm nay, khi đã ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, chị vẫn say sưa với công nghệ mạ mà chị đã chọn lựa và sẽ gắn bó suốt đời.

 

  • Tags: