Cô giáo người Hà Nội trên đất Tuy Hòa

"Cái Tâm giúp ta khiêm tốn học hỏi và thực sự chân tình với đồng chí, đồng nghiệp trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh, mà không có sự tính toán vì cá nhân. Còn trong gia đình, sự thành đạt của cha

 Đó là tâm sự chân tình của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Giang, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng đã từng hơn 30 năm gắn bó, say mê với sự nghiệp đào tạo trên mảnh đất Tuy Hoà đầy nắng gió. Với sự phấn đấu không mệt mỏi đó, cô Giang luôn xứng đáng với danh hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà" và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2000.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo ở làng Nhân Chính - Hà Nội, cô Giang đã sớm tiếp thu được một nền giáo dục cơ bản từ bố, mẹ. Lớn lên, cô lại có may mắn được chọn sang Trung Quốc học Hoá học, sau đó về nước và được phân công học ngành Địa chất - khoá đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970 tốt nghiệp đại học, cô Giang được phân công về làm giáo viên tại Trường Trung cấp Địa chất 1 Mê Linh. Và năm 1975, ông Trời đã se duyên cho cô với chàng trai người Bình Định ra đất Bắc cùng học và công tác. Năm 1978, lại một lần nữa, theo sự phân công của tổ chức, cô Giang đã theo chồng, lưu luyến rời Hà Nội, vào Phú Yên, tham gia xây dựng Trường Trung cấp Địa chất 2 mà nay là Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hoà  -  Bộ Công nghiệp.

Tới nay, đã có hơn 30 năm cô Giang đứng trên bục giảng. Ngày qua ngày, cô vẫn say sưa lên lớp, dạy cho các em học sinh những bài học về địa chất đại cương, khoáng vật, thạch học, tinh thể học… Hàng nghìn học sinh, công nhân kỹ thuật được cô Giang truyền thụ kiến thức đã ra trường và làm việc trên mọi miền của Tổ quốc. Cũng đã có nhiều lớp giáo viên trẻ được cô Giang bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, để tham dự các hội thi giáo viên giỏi và đạt nhiều giải cao. Làm được điều ấy, bản thân cô đã phải thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện và bồi dưỡng kiến thức cho mình. Ngoài những giáo trình mà Khoa Địa lý - Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp trước đây đã đào tạo, trang bị kiến thức cơ bản cho mình, cô Giang còn phải mua thêm những cuốn sách, những bộ giáo trình mới. Và từng đêm về, khi đã xong công việc của một người vợ, người mẹ trong gia đình, cô Giang lại tranh thủ ngồi đọc, nghiên cứu và bổ sung, hoàn thiện các bộ giáo trình do cô chủ biên và đã có ý định sau này về hưu, sẽ tặng lại cho Trường. Để phục vụ tốt hơn cho công tác dạy và học môn Địa chất, cô Giang đã mạnh dạn đề nghị Nhà trường xây dựng một phòng mẫu địa chất, với số tiền đầu tư trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có một phần đóng góp cá nhân mà cô dành dụm được từ chăn nuôi, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Cô Giang cũng là người tích cực cùng đồng nghiệp tham gia nhận thêm việc làm, để gắn công tác giảng dạy với thực tiễn nghề nghiệp cho giáo viên và học sinh, đồng thời góp phần thêm thu nhập cho Tổ bộ môn, cho Trường (như khảo sát và phân tích hàng nghìn mẫu đất đá, để xác định nền móng cho nhiều công trình xây dựng thuỷ lợi, giao thông, dân dụng...). Đến nay, cô giáo Giang đã có nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị phục vụ cho công tác giảng dạy như các bộ bản vẽ tinh thể trên đèn chiếu, các bộ mô hình học tập… Nếu ai đó nghĩ rằng, được đào tạo từ những năm 1960, nay kiến thức đã trở nên lạc hậu, cách giảng dạy cũng theo đó mà dễ lạc hậu với học sinh, thì với cô Giang, kiến thức luôn được cập nhật, từ nội dung đến cách trình bày đều trở nên rất hiện đại và hấp dẫn. Và cũng chính từ những vận động đó, mà nhiều năm liên tục, cô Giang đã đạt các danh hiệu giáo viên giỏi xuất sắc cấp Tỉnh, cấp Bộ. Năm 1997 và năm 2000, cô Giang đã cùng các giáo viên của Tỉnh, của Bộ Công nghiệp tham dự Hội thi giáo viên giỏi toàn quốc ngành Giáo dục chuyên nghiệp và đều dành giải Ba.Và cũng trong năm 2000, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Giang đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ¦u tú. Trong bộ Hồ sơ của mình, cô Giang đã có tới hàng chục Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND tỉnh Phú Yên… Đầu năm 2003, cô đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Các thành tích của cô tại Hội thi giáo viên giỏi toàn quốc càng khẳng định cô Giang là người có tài năng sư phạm thật sự, suốt đời miệt mài gắn với nghề nhà giáo và phát huy đúng chức năng của một nhà giáo. Chẳng thế, mà bao nhiêu năm tâm huyết, theo đuổi một nghề, sống gắn bó ruột thịt với một mái trường, bản thân lại có bề dày thành tích như vậy, lẽ ra, cô Giang đã phải ở cương vị lãnh đạo nào đó. Thế nhưng, cô lại là người không ham danh vọng. Trong suốt hơn 20 năm trời, cô Giang chỉ đảm nhiệm chức Trưởng ban Nữ công và chỉ duy nhất một nhiệm kỳ nhận chức cao nhất là Phó chủ tịch Công đoàn. Dù ở cương vị nào, cô cũng góp phần chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong Trường, tham gia xây dựng được một tập thể Nhà trường vững mạnh, một mái ấm đại gia đình các nhà giáo trên mảnh đất miền Trung thân yêu.

Còn gia đình riêng của cô Giang cũng đáng để nhiều người mơ ước. Của cải vô giá nhất và đáng tự hào nhất của hai nhà giáo là 3 người con, 2 gái 1 trai. Ai cũng cố gắng rèn luyện, chăm ngoan, chịu khó học tập theo gương bố mẹ và đều là học sinh giỏi. Nay, cô con gái lớn đã tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Dược học tại Trung Quốc và đã về nước làm việc. Con trai thứ hai cũng vừa tốt nghiệp khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nay vừa làm việc vừa theo học lên cao học. Cô con gái út cũng sắp tốt nghiệp Khoa Kế toán – kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Nhìn các con ngày càng khôn lớn, trưởng thành và lại đi xa, chưa biết chắc chúng sẽ có thể đến một nơi nào đó, về quê nội miền Trung hay ở lại quê ngoại Hà Thành, cô Giang vừa thấy bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ xa xưa của mình, vừa hạnh phúc, tự hào về những gì mình đã dầy công gây dựng. Chẳng còn mấy tháng nữa, cô Giang sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu. Nhưng, với tấm lòng của một người suốt cuộc đời gắn với nghề nhà giáo, cô cũng đang tích cực đầu tư công sức và suy nghĩ để sớm hoàn thành một đề tài mà nhiều giáo viên đã và đang theo đuổi: Tìm phương pháp giảng dạy mới cho giáo viên chuyên nghiệp của Trường mình./.

  • Tags: