Bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX người dân Trung Quốc đã dần dần chuyển hướng tiêu dùng sang các mặt hàng khác là hàng trang sức vàng, máy điều hoà không khí, nhà ở, vật liệu trang trí nội thất, xe máy, xe ô tô con, trong đó hàng trang sức vàng đã trở thành điểm nóng trong tổng số hàng hoá trên thị trường tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Thị trường hàng trang sức Trung Quốc do hàng trang sức vàng tạo nên là chủ yếu. Trung Quốc đã trở thành thị trường vàng quan trọng của châu á, với lượng tiêu thụ vàng trên thị trường Trung Quốc đã chiếm trên 10% tổng lượng tiêu dùng của thế giới. Sau khi mở cửa thị trường trong nước, lượng tiêu thụ hàng trang sức vàng đã tăng lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng năm tăng lên gấp đôi. Tỷ lệ tiêu thụ hàng trang sức vàng các loại trên thị trường Trung Quốc như sau: Tỷ lệ vàng ròng chiếm 80%, vàng 22K là 16%, vàng 14K là 1%, hàng trang sức vàng có gắn kim cương chiếm 18%.
Theo các tài liệu của Trung Quốc cho biết, tiềm lực thị trường hàng trang sức vàng của Trung Quốc còn rất lớn. Lượng tiêu thụ hàng trang sức vàng bình quân hàng năm của mỗi người dân Trung Quốc đại lục là 0,8g, của Hồng Kông, Đài Loan là từ 8-10g. Trong số 100 người mua hàng trang sức thì có 15 người ở đại lục, 43 người ở Đài Loan, 31 người ở Hồng Kông, còn lại là ở những nơi khác. Tiêu thụ hàng trang sức của dân Trung Quốc trước hết là vàng, sau đó là jade, kim cương. Thị trường hàng trang sức vàng của Trung Quốc sẽ được mở rộng theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Hàng trang sức ở Trung Quốc đã trở thành hàng hoá.
Trước đây, người dân Trung Quốc mua hàng trang sức chủ yếu là để làm vật bảo đảm giá trị, còn bây giờ thì nặng về trang điểm hơn, trên cơ sở bảo đảm giá trị. Tác dụng trang điểm của hàng trang sức tăng lên mạnh mẽ được thể hiện ở nhu cầu đa dạng hoá các kiểu dáng của hàng trang sức của người dân Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chọn mua hàng trang sức chủ yếu là thể hiện cá tính, trang điểm cho bản thân đẹp thêm và mạnh hơn. Càng ngày, càng có nhiều người dân ở các địa phương Trung Quốc chọn hàng trang sức làm quà tặng, kể cả quà cho trẻ em. Người dân Trung Quốc căn cứ vào đối tượng tặng quà để chọn các kiểu dáng hàng trang sức khác nhau, vì vậy, hàng trang sức kiểu mới, vẻ đẹp kỳ lạ trên các thị trường hàng trang sức ở Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Hiện nay, ở Trung Quốc, quan niệm trang điểm đối với hàng trang sức đang tăng mạnh, còn quan điểm dùng hàng trang sức làm vật đảm bảo giá trị đang yếu dần, điều này được thể hiện ở chỗ, yêu cầu trước tiên của người dân Trung Quốc đối với hàng trang sức là "kiểu dáng", "công nghệ", sau đó là màu sắc. Vì vậy, sự cạnh tranh về kiểu dáng, công nghệ đang trở thành nội dung quan trọng nhất trên thị trường hàng trang sức của Trung Quốc.
Quá trình phát triển của ngành công nghiệp hàng trang sức Trung Quốc
Sau ngày Trung Quốc giải phóng, ngành công nghiệp hàng trang sức đã bị đình đốn một khoảng thời gian. Sau cuộc đại nhảy vọt, các địa phương mới tập hợp các thợ kim hoàn lại thành lập doanh nghiệp hàng trang sức có tính chất tập thể, kể từ đó, đã thành lập ngành công nghiệp hàng trang sức mới của Trung Quốc. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất sản phẩm hàng trang sức phục vụ xuất khẩu. Từ đầu năm 1980, Trung Quốc bắt đầu phục hồi lại ngành công nghiệp hàng trang sức. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quyết định về "phục hồi tiêu thụ hàng trang sức vàng trong nước". Đây được coi là cái mốc lịch sử của ngành công nghiệp này. Vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX, tại các địa phương bắt đầu sắp xếp, điều chỉnh lại ngành hàng trang sức, xây dựng các nhà máy sản xuất hàng trang sức. Thị trường hàng trang sức đã dần dần từng bước khôi phục, người dân Trung Quốc cũng có những đổi mới trong mua sắm hàng trang sức và có ý thức quan tâm nhiều hơn đến thị trường hàng trang sức. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện các loại văn bản pháp luật, qui định trong ngành và các hoạt động trên thị trường hàng trang sức, thành lập các cơ quan điều hành phối hợp, tiến hành các hoạt động điều chỉnh và kiểm soát thị trường hàng trang sức. Các địa phương bắt đầu tìm kiếm các đối tác nước ngoài để hợp tác, liên doanh, thu hút kỹ thuật và công nghệ nước ngoài, tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị trường trong nước và từng bước hoà nhập với thị trường thế giới. Những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ XX, ngành hàng trang sức Trung Quốc đã có những bước phát triển mới, thị trường hàng trang sức Trung Quốc đã bắt đầu hoà nhập với thị trường hàng trang sức thế giới, chuyển hoạt động kinh doanh sang phương thức cạnh tranh. Cuối năm 1999, được sự giúp đỡ của Hội đồng vàng thế giới, Trung Quốc đã thành lập phương án cải cách thể chế quản lý vàng và mở cửa thị trường vàng với các bước: Thành lập trung tâm giao dịch vàng, mở cửa thị trường vàng trong nước một cách toàn diện, thị trường vàng Trung Quốc thực sự trở thành một bộ phận của thị trường vàng thế giới, huỷ bỏ chế độ hạn chế nhập khẩu vàng, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, gia công chế tác vàng trong nước tham gia với thị trường vàng thế giới. Ngày 28/11/2001, Sở giao dịch vàng đầu tiên của Trung Quốc đã đi vào vận hành và ngày 30/10/2002 đã chính thức hoạt động. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định xây dựng 106 nhà máy sản xuất hàng trang sức với trên 300 ngàn CBCNV. Mạng lưới tiêu thụ hàng trang sức được phủ khắp các thành phố và nông thôn. Trung Quốc cũng đã thành lập các công ty, tập đoàn sản xuất vàng. Các doanh nghiệp sản xuất vàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng trang sức vàng với màu sắc đẹp và kiểu dáng đa dạng, phong phú thay thế cho sản xuất vàng thô đơn thuần trước đây. Người tiêu dùng hàng trang sức vàng của Trung Quốc đã được cung cấp các chế phẩm vàng và hàng trang sức vàng với số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và kiểu dáng phong phú hơn, đồng thời được tuỳ ý lựa chọn các loại mặt hàng trên thị trường hàng trang sức.
Một số vấn đề tồn tại và xu hướng phát triển.
Kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu.
Trước đây, do thị trường hàng trang sức Trung Quốc chưa mở cửa, nên giá vàng và hàng trang sức vàng trong nước có mức chênh lệch với giá thị trường hàng trang sức thế giới, làm cho một số bọn buôn lậu có chỗ sơ hở để lợi dụng. Khi giá vàng thế giới cao thì vàng và hàng trang sức vàng chảy ra nước ngoài; khi giá vàng và hàng trang sức thế giới thấp thì vàng và hàng trang sức vàng lại chảy vào trong nước, làm cho hàng năm Trung Quốc tổn thất hàng chục tỉ NDT. Ngoài ra, còn dẫn đến tình trạng thị trường hàng trang sức trong nước hỗn loạn và cạnh tranh không lành mạnh, nẩy sinh hiện tượng tham nhũng, các nhà doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Vì vậy, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu, muốn phát triển ngành công nghiệp hàng trang sức nhất thiết phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng buôn lậu đến cùng.
Mở cửa thị trường vàng và hàng trang sức vàng toàn diện hơn.
Thị trường vàng và hàng trang sức vàng của Trung Quốc đã có những bước đổi mới mạnh mẽ, tạo ra một chuyển biến lớn trong ngành công nghiệp hàng trang sức, tạo cơ hội mới cho ngành phát triển nhanh chóng và hoà nhập vào thị trường thế giới, các điều kiện ở các địa phương trong nước đã chín muồi, Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường vàng và hàng trang sức vàng toàn diện hơn nữa, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện chế độ hội viên, các đơn vị hội viên được phép giao dịch trên thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Có chính sách thuế hợp lý.
Trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm gia công chế tác đá quý của các nước Xri-lan-ca, Thái Lan v.v..., nhằm trợ giúp cho ngành công nghiệp hàng trang sức trong nước phát triển, Trung Quốc sẽ miễn thuế nhập khẩu các nguyên liệu đá quý, ngọc và giảm thuế tiêu dùng hàng trang sức từ 10% xuống 3% là mức tương đối hợp lý.
Xu hướng phát triển.
Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hàng trang sức ngang tầm với thế giới, Trung Quốc đã tién hàng loạt các cải cách, áp dụng các thể chế mới, quan điểm mới, công nghệ đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng trang sức Trung Quốc đang từng bước áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới, như công nghệ mạ khuôn đúc, kỹ thuật đúc chính xác, tự đông hoá toàn bộ khâu gia công chế tác hàng trang sức, thiết kế hàng trang sức trên máy vi tính, sử dụng các vật liệu đa sắc và vật liệu hợp kim v.v...Ngành công nghiệp hàng trang sức Trung Quốc tập trung vào mục tiêu hiệu quả và lợi ích, quan tâm nhiều đến sở thích về thẩm mỹ của người tiêu dùng như " đời sống hoá hàng trang sức" "trào lưu mua vàng ròng" "xu thế giá vàng", "lượng tiệu thụ kim cương", đây chính là những trị số nhạy cảm trong đầu tư và chỉ tiêu hiệu quả của ngành hàng trang sức. Xu hướng phát triển chung của ngành công nghiệp hàng trang sức Trung Quốc là lấy mới thay cũ, lấy tinh thay thô, lấy cao thay thấp, lấy mạnh thay yếu, cải cách và đổi mới liên tục, đưa ngành công nghiệp hàng trang sức lên thành một trong những ngành mạnh của Trung Quốc, ngang tầm với thế giới./.