Nghĩ về Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là niềm tự hào của người Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam và hiện đang có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Hà Nội đang vào xuân, phố phường đã tấp nập, chuẩn bị cho cái tết cổ tr

Hà Nội được xây dựng từ năm 1010 và lúc đó còn mang tên Thăng Long dưới triều Vua Lý Công Uẩn. Dấu ấn không phai mờ theo năm tháng và điều dễ nhận thấy nhất là Hoàng thành với những di tích cung điện của các bậc đế vương; các cửa ô lịch sử, nơi đã từng bảo vệ thành luỹ xưa kia và khu phố cổ với 36 phố phường được hình thành khoảng thế kỷ XV vẫn còn đó. Mỗi tấc đất, mỗi không gian đều phảng phất một không khí lịch sử, đậm hồn thiêng sông núi, vì thế mà nhiều vấn đề, nhiều ý tưởng, nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, điểm tô phát triển Thủ đô đang được nhiều người, nhiều giới trong và ngoài nước quan tâm. Tiếp tục nâng cao nhận thức văn hóa về giá trị lâu dài về nhiều mặt của phố cổ và các di tích khác: Nhiều nghiên cứu về Hà Nội, các chuyên gia đã trình bày không chỉ bằng những chứng lý khô khan mà đưa ra những phân tích, khuyến nghị có cơ sở khoa học, có tình, có lý, có hồn về việc xây dựng Thủ đô ngang tầm với vị trí của Thành phố này. Trước hết, nói về khu phố cổ, nơi lưu giữ, hiển hiện rất nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tên gọi “36 phố phường” bắt nguồn từ tổ chức 36 đơn vị hành chính cơ bản, điển hình thời phong kiến nhà Lê (được phân chia theo kiểu các phường nghề nghiệp). Trên nền 36 phố phường cũ, hiện vẫn có các phố Hàng Bạc, Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Quạt... chiếm một diện tích 450 ha và gần 200.000 dân, với trên 80 công trình di tích lịch sử như chùa, đền, đình, miếu. Phố Hàng Bạc là nơi xưa kia thuộc phường Hàng Bạc và cư dân ở đó làm nghề trang sức vàng bạc, đá quý... ngày nay vẫn có nhiều nhà theo nghiệp cũ. Trong nhà thường có bàn thờ ông tổ nghề trang sức, các dụng cụ tinh xảo để làm nên những món trang sức được nhiều người ưa chuộng. Nghề cổ, thợ mới và ở đâu đó còn vang lên bài hát mới: “Hà Nội mùa thu... phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”... Nhiều gia đình trong thời kỳ kinh tế thị trường vẫn chung thuỷ với nghề này, các nghệ nhân ở đây vẫn trăn trở tìm tòi, sáng tạo... Khu 36 phố phường nằm ở phía Đông của Hoàng thành cũ, đã từng là nơi đô hội buôn bán sầm uất, làm tăng vẻ phong phú, hấp dẫn của đô thị. Nó là một bộ phận không thể tách rời trong cấu trúc của khu vực đô thị cổ Việt Nam. Sự tồn tại của nó cho đến nay, dù không còn nguyên vẹn, song vẫn mang tính đặc trưng của đô thị cổ mà chỉ Hà Nội mới có. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là một trong những nơi sinh ra và nuôi dưỡng các truyền thuyết, ca dao, chuyện kể, lễ hội dân gian...

Khu phố cổ là một tổng thể kiến trúc độc đáo. Với những đường phố thẳng, ngắn, có chỗ cong, gãy khúc; những mái ngói lô nhô phủ màu rêu phong cổ kính. Nhà cửa, khung cảnh 36 phố phường ở Hà Nội với cảnh buôn bán tấp nập đã mang lại cho nó cái duyên, cái không khí ấm cúng, bận rộn, sôi nổi, hấp dẫn mọi người. Những đền đài, di tích trên đất Hà Nội là một phần của đời sống tinh thần, là linh hồn của người dân Thủ đô. Theo số liệu điều tra của Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn (Bộ XD), Hà Nội hiện tồn tại 169 ngôi nhà cổ (có từ thế kỷ XV-XVII), 211 ngôi nhà xây dựng vào thời cận đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) và 25 di tích đền, chùa, miếu, đình, nhà thờ... Đó là những di sản lịch sử, kiến trúc, văn hoá vô cùng quý giá mà tổ tiên ta đã để lại cho hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Phố Mã Mây và các phố lân cận thuộc phố cổ có các loại nhà ở xây theo truyền thống. Nét đặc trưng là nhà ở để buôn bán. Nhà ở hình ống có sân trong để thông thoáng lấy ánh sáng, trồng cây cảnh.

Các kiến trúc đình, chùa, đền thờ, đình làng truyền thống... với nghệ thuật chạm khắc điêu luyện trên các loại gỗ tốt tạo hình dáng nghệ thuật trên cấu trúc vì kèo, cánh cửa; các đồ đạc như bàn thờ, giường, tủ, ghế, sập, kệ... là những sản phẩm kiến trúc đặc trưng cho các thời kỳ phát triển của lịch sử đất nước. Hiện nay, khu phố cổ vẫn là khu buôn bán như trước đây và hiện tại, nó đóng góp một phần kinh phí đáng kể trong ngân sách của Thủ đô.

Cùng với khu phố cổ thì các di tích khác mang tính quần thể, liên hệ nhiều đến tâm linh, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc như khu vực Hoàng thành mới được khai quật năm 2004 là một sự kiện trọng đại, một thứ quốc bảo, cần được Nhà nước, các ngành chức năng và toàn dân nâng niu, trân trọng, bỏ công sức, trí tuệ, tiền của để khôi phục, bảo tồn.

Về văn hóa chợ ở Hà Nội, tìm hiểu từ xa xưa, người ta đã hay nói đến từ “đô thị”, nghĩa là ở đâu có phố phường, thành đô ở đó có thị - tức là chợ.

Chợ Đồng Xuân - cái tên thật thân thuộc với người Hà Nội, chợ bày bán đủ mọi sản vật muôn vùng. Người đến Hà Thành cũng rất dễ thương, người ta kể rằng có người vùng khác vào chợ Đồng Xuân thấy mấy cô đi chợ đẹp quá, ngơ ngẩn cả người ra:

“Em đi chợ Đồng Xuân,

Anh không mua - chỉ ngắm.

Em cười, anh lúng túng

Người trong chợ... cười theo”.

Phố phường quanh chợ Đồng Xuân và lân cận cũng đổi mới cùng với sự thay da đổi thịt của đất nước. Hàng Đào, Hàng Ngang vẫn sầm uất, nhưng giờ đây không phải là phố của các “chú khách vui tính người Tàu” mà còn tụ hội cư dân từ bốn phương đất nước. Người ta không nghe tiếng leng keng của tàu điện chạy nữa, phương tiện đó đã cho vào “bảo tàng”, nhưng có thể lúc nào đó chúng ta lại dùng tàu điện hiện đại chạy trong phố mới. Khu phố gần Bờ Hồ có nét trầm mặc lại có nét xuân sắc. Chợ Hàng Bè đầy hoa tươi luôn khoe sắc, là món quà không thể thiếu trong các ngày sinh nhật, lễ hội, nhất là dịp Tết đến Xuân về... của người Tràng An thanh lịch.

Có nhà nghiên cứu, có kiến trúc sư gọi Hà Nội là “cô lọ lem của thế kỷ XX”, là một “nhân chứng của lịch sử” có nhiều nét” Đông Tây giao hoà” nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ... đã thể hiện thành công chủ đề Hà Nội trên trang sách, bức vẽ, bản nhạc.... của mình. Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong số ít những nghệ sĩ đã đặc tả phố cổ Hà Nội, tạo thành phong cách riêng, nổi tiếng ở cả trong nước và ngoài nước.

Song, nói đến Hà Nội 36 phố phường, không thể không nhắc tới Hồ Gươm - một bộ phận quan trọng cấu thành trên vùng đất cổ thuộc kinh thành Thăng Long xưa kia. Sự tồn tại và phát triển của Hồ Gươm không chỉ là truyền thuyết kiếm thần của vua Lê Lợi, mà còn ghi sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam hình ảnh một Tháp Rùa lung linh, một cầu Thê Húc in bóng xuống mặt nước biếc xanh và ngôi đền Ngọc Sơn cổ kính. Hồ Gươm - đó cũng là một điểm hội tụ sự ngưỡng mộ của khách thập phương mỗi khi đặt chân đến chốn kinh thành.

Hồ Gươm cùng với các khu phụ cận là một mẫu hình về nghệ thuật tổ chức cấu trúc không gian. ở đây có một hệ thống không gian mở, các quảng trường, các vườn cây, hồ nước liên hoàn với hệ thống không gian lưu thông, có ý nghĩa trong việc tạo thẩm mỹ cảnh quan môi trường đô thị. Đó là một phong cảnh kiến trúc khiêm nhường phù hợp với khí hậu nhiệt đới và tỷ lệ con người sống ở đó tương hợp...

Tuy nhiên, hiện nay, phố cổ Hà Nội đang đứng trước những thách thức lớn. Nhiều năm liền, sự quản lý lỏng lẻo, việc cấp phép tuỳ tiện, tình hình chấp hành luật pháp kém của một bộ phận dân cư.... đã làm mất đi hàng trăm công trình kiến trúc văn hoá cổ. Việc quy hoạch chậm trễ, giải quyết vụ việc theo kiểu bị động... đã gây khó khăn cho công việc cải tạo, mở rộng, trùng tu, duy tu các di tích kể cả khu phố cổ. Song song với việc quy hoạch phố xá, hạ tầng kỹ thuật, Hà Nội đang chú trọng giải quyết vấn đề giao thông đô thị bằng những hợp tác song phương hiệu quả với vùng Ile De France (Gồm Pari và phụ cận), đây là một phần quan trọng của chương trình chung về quy hoạch đô thị mà các chuyên gia kinh nghiệm của Pháp đang hợp tác, giúp đỡ thủ đô nước ta. Theo kế hoạch, trước hết sẽ thực hiện đề án cải thiện hệ thống xe buýt (đầu năm 2003 đã có hơn 30 tuyến xe buýt tiện lợi), tiếp đó, sẽ thực hiện đề án xây dựng đường xe điện với 6-7 đường xe cả thảy; dự kiến sau năm 2005, sẽ đưa tuyến đường thử nghiệm dài 12 km, nối trung tâm Hà Nội với các khu phố mới ở phía Tây vào hoạt động. Đề án xe điện Hà Nội là một trong 10-15 đề án lớn của thế giới với kinh phí từ 100-130 triệu euro (Pháp tài trợ 50 %). Giao thông thuận tiện, phố phường sạch đẹp, quy củ, các di tích, danh lam thắng cảnh sẽ lấp lánh hơn, người dân và du khách sẽ đến nhiều hơn để chiêm ngưỡng Hà Nội.

Bàn luận, suy nghĩ về Hà Nội, viết về phố cổ Hà Nội, hay đề xuất, khuyến nghị… chắc sẽ còn nhiều dịp, nhưng để kết thúc bài này, xin mượn tiếng chuông chùa Trấn Vũ để nói về cảm nhận, tình cảm của mình về đất kinh thành hấp dẫn, kỳ lạ:

“Gió đưa cảnh trúc là đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”...

Đúng rồi, tiếng chuông chùa Trấn Quốc và các chùa khác trên mảnh đất thiêng liêng này còn vang vọng mãi. Như một người đẹp ngủ trong lâu đài” Hà Nội đã tỉnh giấc, Hà Nội đang được các chuyên gia, KTS, các nhà quy hoạch, các nhà vạch chính sách và toàn dân quan tâm hơn bao giờ hết. Hà Nội sẽ đẹp hơn, đàng hoàng hơn, vừa cổ kính mà vẫn văn minh hiện đại, làm nhịp cầu hữu nghị giao lưu văn hóa cho đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển, tỏa sáng.
  • Tags: