Hàn Quốc: Chủ động trong việc đổi mới công nghệ mở trong lĩnh vực chế tạo

Mục tiêu của chiến lược nhằm nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ với việc du nhập các ý tưởng và công nghệ bên ngoài và xuất khẩu các công nghệ tự phát triển để nâng cao tối đa giá trị công nghệ. Phương

 

 

CHIẾN LƯỢC ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ MỞ CHƯA THỰC SỰ HIỆU QUẢ

Trước đây, các doanh nghiệp chế tạo Hàn Quốc tăng trưởng thông qua chiến lược sản xuất trên qui mô lớn. Nhưng tăng trưởng về kinh tế đã thôi thúc họ tìm ra những ý tưởng mới thông qua chiến lược đổi mới công nghệ mở. Theo tiến sĩ Bok Deuk-gyu - Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung cho biết, lý do khiến giới doanh nghiệp chế tạo Hàn Quốc chú ý tới việc đổi mới công nghệ mở, đó là do sự cạnh tranh khốc liệt trên trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang bị doanh nghiệp mới nổi ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đeo bám rất sát. Các nước này có nguồn nhân công rẻ hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, nên các sản phẩm của họ có sức cạnh tranh cao hơn về giá. Nếu tiếp tục đi theo con đường hiện nay thì có nhiều khả năng, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ mất năng lực cạnh tranh khi trình độ của doanh nghiệp các nước như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng phát triển. So với các nước phát triển thì qui mô đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc là nhỏ và thiếu công nghệ tích lũy. Do đó, bên cạnh các điều kiện ở trong nước, nếu chúng ta tận dụng được các nguồn tài nguyên ở bên ngoài vào việc phát triển sản phẩm mới và công nghệ mới một cách nhanh chóng hơn và rẻ hơn, thì điều đó sẽ giúp ích rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, ngành chế tạo đã đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Nhưng lĩnh vực chế tạo của Hàn Quốc đã và đang gặp khó khăn do sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khác. Giống như trước đây Hàn Quốc đã cạnh tranh với các nước phát triển dựa trên cơ sở là nguồn lao động giá rẻ, giờ đây, nền kinh tế mới nổi càng bám sát Hàn Quốc. Thêm vào đó, môi trường kinh tế thay đổi đột biến đã rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm chủ lực và khiến chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng mạnh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế tạo của Hàn Quốc đã lựa chọn chiến lược đổi mới công nghệ mở với việc liên kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp mạo hiểm… để phát triển sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng với chi phí thấp trong thời gian ngắn. Đó là lý do thứ hai mà tiến sĩ Bok Deuk-gyu đưa ra.

Theo tiến sĩ Bok Deuk-gyu, nếu đánh giá tỉ lệ áp dụng đổi mới mở theo từng giai đoạn phát triển công nghệ, có thể thấy tìm kiếm đang là hoạt động được tiến hành nhiều nhất. Đó là việc tìm hiểu các công nghệ hay ý tưởng ở bên ngoài mà Hàn Quốc có thể áp dụng. Có hơn một nửa các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành các hoạt động tìm kiếm mở như vậy. Có khoảng 25% doanh nghiệp trong nước hợp tác với các doanh nghiệp hay trung tâm nghiên cứu bên ngoài khi tiến hành nghiên cứu và phát triển thực tế. Xuất khẩu công nghệ cũng là một hoạt động quan trọng của chiến lược đổi mới mở. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc còn nhiều yếu kém khi chỉ có dưới 5% doanh nghiệp bán hay chuyển giao ra bên ngoài các công nghệ hay sáng chế mà mình đang sở hữu. Ước tính, bình quân có 6,3 doanh nghiệp Hàn Quốc áp dụng đổi mới mở vào quá trình tìm kiếm thông tin. Tỉ lệ này bằng với của Liên minh châu Âu. Nhưng các doanh nghiệp chế tạo của Hàn Quốc đã nhận thấy những hạn chế trong hoạt động biến nỗ lực trên thành quả thực tiễn. Số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc đã tăng từ 8 tỷ USD năm 1998 lên 24 tỷ USD, chiếm 3% GDP vào năm 2006, nhưng tỷ lệ chuyển giao sáng chế cho doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức 3,6%. Trong số các sáng chế được chuyển giao như vậy, có tới 60% lại rơi vào tình trạng không sử dụng được.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại không tận dụng được hết các kết quả từ chiến lược trên mang lại, do môi trường doanh nghiệp ở Hàn Quốc khác so với các nước phát triển. Chẳng hạn như doanh nghiệp ở các nước phát triển đã đầu tư rất nhiều cho quá trình nghiên cứu và phát triển, nên họ có kinh nghiệm phát triển sản phẩm lần đầu tiên tung ra trên thị trường. Trong khi một số doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng trên, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều thực hiện nghiên cứu và phát triển theo hướng mô phỏng hay chạy theo các các sản phẩm, công nghệ đã được các nước tiên tiến phát triển. Theo đó, các hoạt động đổi mới mở ở Hàn Quốc đang được tiến hành theo hai hình thức: một là thực hiện nghiên cứu và phát triển hay đổi mới công nghệ mở theo hình thức giống với các nước phát triển; hai là vẫn thực hiện phát triển công nghệ theo cách mô phỏng hay bắt chước công nghệ của các nước phát triển. Như vậy, việc nghiên cứu phát triển theo hướng mô phỏng, bắt chước đang trở thành rào cản cho sự thay đổi. Tất nhiên là số trường hợp các doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường đang ngày càng tăng lên như mạng internet băng rộng di động (WiBro), tàu khoan dầu, truyền hình đa phương tiện kỹ thuật số (DMB)… Đóng tàu, ngành công nghiệp ống khói truyền thống cũng đang giữ vững vị trí đứng đầu thế giới thông qua quá trình đổi mới này. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng mô phỏng sản phẩm của các nước phát triển như trước đây và điều đó đang làm mất dần đi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, tỉ lệ tăng năng lực sản xuất của ngành chế tạo đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% năm 2007.

 

GIẢI PHÁP GIÚP CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ TẠO THOÁT RA KHỎI NGUY CƠ HIỆN NAY

Tiến sĩ Bok Deuk-gyu phân tích, hình thức tiến hành hoạt động đổi mới mở của các doanh nghiệp ở các nước phát triển và ở Hàn Quốc đang mang lại những kết quả khác nhau. Sự khác nhau đó ám chỉ một điều rằng có sự khác nhau trong môi trường đổi mới công nghệ giữa Hàn Quốc và các nước phát triển. Tiến sĩ cũng khuyên rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc không nên tiến hành các hoạt động đổi mới mở một cách mù quáng chạy theo các nước khác, mà cần phải cân nhắc kỹ sự khác biệt đó và tìm hiểu tiêu chuẩn công nghệ của các sản phẩm mà mình đặt mục tiêu, năng lực công nghệ mà mình đang sở hữu, trình độ công nghệ của các chủ thể kinh tế bên ngoài mà mình sẽ cùng hợp tác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần triển khai hoạt động đổi mới mở một cách chiến lược, sau khi cân nhắc kỹ bộ máy tổ chức hay văn hóa doanh nghiệp đã đủ để tiếp nhận các hoạt động đổi mới mở hay chưa. Đó sẽ được coi là một sự lựa chọn sáng suốt.

Như vậy, để vượt qua những thách thức hiện nay, ngành chế tạo của Hàn Quốc cần phải có một tư duy linh hoạt ngay từ nội bộ mỗi doanh nghiệp. Công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới P&G đã rút ra kinh nghiệm sau khi vấp phải nguy cơ trầm trọng vào cuối những năm 1990 đã đề ra phương châm là lựa chọn một nửa các ý tưởng về sản phẩm mới ở bên ngoài công ty. Và kể từ đó, hơn 9.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển của Công ty đã bắt tay với 1,5 triệu cộng tác viên ở khắp mọi nơi trong xã hội và tích cực tiếp nhận các ý tưởng của họ. Kết quả là doanh thu của Công ty đã tăng từ 39,2 tỷ USD năm 2001 lên 68,2 tỷ USD năm 2006.

Tiến sĩ Bok Deuk-gyu khẳng định, trong thời kỳ các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó phát triển nếu chỉ dựa vào các nguồn tài nguyên và nỗ lực đổi mới trong nội bộ doanh nghiệp, ngành chế tạo của Hàn Quốc cần phải tìm kiếm đối tác hai bên cùng có lợi và theo đuổi các hoạt động đổi mới mở đích thực bằng thái độ tích cực.

  • Tags: