Với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính gồm bia các loại, nước ngọt có gas, không có gas, nước khoáng… sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty Bia Thanh Hóa đã tạo dựng cho mình nền tảng phát triển khá vững chắc dựa trên chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. Có được điều này là nhờ…
Chú trọng đầu tư công nghệ ngay từ đầu.
Ngay từ khi thành lập, Ban giám đốc Công ty đã xác định việc hoàn thiện trang thiết bị công nghệ sẽ là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của Công ty. Bởi muốn tồn tại và phát triển, không có con đường nào khác là phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các hãng đồ uống nổi tiếng trên toàn quốc. Với nguồn vốn ít ỏi ban đầu, cùng với nguồn vốn vay, Công ty đã tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất bia để đảm bảo công suất 3 triệu lít/năm. Xét trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi nhu cầu tiêu thụ các loại nước uống trong Tỉnh còn thấp, người dân thu nhập chưa cao, đặc biệt là chưa có thói quen uống bia thì điều này đã minh chứng cho quyết tâm và sự mạnh dạn rất đáng biểu dương của tập thể CBCNV Công ty.
Nhờ có trang thiết bị hiện đại, Công ty Bia Thanh Hóa đã đạt chất lượng cao, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, trở thành một thương hiệu được ưa chuộng của đông đảo khách hàng. Năng lực sản xuất của Công ty đã không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 1991 Công ty mới đạt sản lượng 5 triệu lít bia, thì đến năm 2000, sản lượng bia đã đạt 16,2 triệu lít; nước giải khát các loại đạt 1,66 triệu lít, doanh thu đạt xấp xỉ 92 tỉ đồng. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã và đang được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn Tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Nói về những kết quả đạt được của ngày hôm nay, Giám đốc Công ty - ông Lương Dũng cho biết: "Kể từ ngày thành lập, chúng tôi không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại để các sản phẩm khi xuất xưởng đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Chiến lược đầu tư của chúng tôi là đầu tư chiều sâu, đảm bảo tốt vệ sinh công nghiệp như máy chiết, rửa chai, máy thanh trùng, lọc bia, thiết bị chiết bia tươi (theo công nghệ hiện đại của CHLB Đức), hệ thống thiết bị phụ trợ cho các phân xưởng sản xuất, máy lọc, xưởng nấu… Nhờ đầu tư đúng hướng và kịp thời, các sản phẩm của chúng tôi như bia lon, bia chai, bia hơi, rượu vang Pháp đóng chai, nước ngọt các loại… đã dành được huy chương vàng từ năm 1995 đến nay và luôn được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao".
Thành tích lớn nhất của Công ty Bia Thanh Hóa trong năm 2002 là được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000. Thành tích này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Công ty trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động. Hiện nay, Công ty đã hoàn thiện hệ thống xuất bán bia hơi, giảm sức lao động phổ thông tại các công đoạn bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ; nghiên cứu và triển khai thành công nhiều đề tài sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, công trình nghiên cứu cải tiến và nâng cấp qui trình chiết chai trên máy Krones là một ví dụ điển hình. Nếu năm 1998, Công ty đạt mức doanh thu 87,2 tỉ đồng, nộp ngân sách 29,3 tỉ đồng, lợi nhuận 1,9 tỉ đồng, thu nhập bình quân đạt 597.000 đ/người/tháng, thì đến năm 2002, con số này tương ứng là 108,8 tỉ; 38,6 tỉ; 7,74 tỉ và 1.050.000 đ/người/tháng. 5 tháng đầu năm 2003, Công ty đạt doanh thu 93 tỉ, lợi nhuận 6 tỉ và thu nhập bình quân tăng lên 1.150.000 đ/người/tháng.
Yếu tố con người luôn được coi trọng.
Cùng với đầu tư trang thiết bị, công nghệ, ban lãnh đạo cũng như bản thân người lao động cũng ý thức được rằng: "Đổi mới về con người, nhất là đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành máy móc, điều khiển dây chuyền sản xuất sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Bởi trong nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh sẽ không thể có hiệu quả nếu thiếu đi sự song hành này". Vì thế, đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề của người thợ, nhằm đáp ứng yêu cầu mới luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty. Để làm được điều này, Công ty đã thực hiện chính sách khuyến học bằng cách cho công nhân hưởng 100% lương trong thời gian đi học. Ngoài ra, Công ty còn phụ cấp thêm 1-2 triệu đồng/năm, tùy theo năm công tác thực tế tại Công ty. Hiện nay, trong tổng số 623 lao động, số CBNV có trình độ đại học chiếm 8,2%, cao đẳng và trung cấp là 23,7%, còn lại là công nhân tay nghề cao.
Công ty Bia Thanh Hóa đã tổ chức lại các phòng ban, phân xưởng sản xuất cho phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ mới, bố trí lao động hợp lý dựa trên khả năng và năng lực của từng người, phù hợp với dây chuyền sản xuất mới theo công nghệ hiện đại. Từ các phòng ban xuống đến các khâu sản xuất đều được thống nhất, nâng cao tinh thần làm chủ cho mỗi công nhân, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tính hiệu quả trong kinh doanh, tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Ngoài việc tạo công ăn việc làm với mức lương ổn định, Công ty còn luôn quan tâm đến đời sống, điều kiện làm việc, trang bị bảo hộ lao động, chăm lo đến sức khỏe của người lao động, cùng các chính sách khác như chế độ ăn ca cho công nhân, bồi dưỡng làm thêm giờ… Có lẽ đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Công ty phát huy nội lực, tạo dựng một chữ tín cho nhãn hiệu Bia Thanh Hóa.
Mở rộng thị trường, xác lập uy tín thương hiệu.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, Công ty đã đầu tư mở rộng dây chuyền đóng chai và phân phối các loại rượu vang Alliance, Bordeaux do Pháp cung cấp. Tuy đây là sản phẩm mới, nhưng qua thực tế đã được người tiêu dùng chấp nhận.
Cũng chính việc đầu tư hệ thống các trang thiết bị máy móc hiện đại, mặt bằng sản xuất rộng rãi, thoáng mát, nguồn nước dồi dào và hệ thống lọc nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, nên từ năm 2002, Công ty Bia Thanh Hóa là một trong số ít nhà máy bia địa phương phía Bắc được chọn để sản xuất bia chai cho Công ty Bia Sài Gòn. Tháng 9/2002, mẻ bia đầu tiên theo công nghệ bia Sài Gòn đã chính thức được nấu tại Công ty Bia Thanh Hóa. Theo hợp đồng, trong năm 2003, Bia Thanh Hóa sẽ sản xuất 20 triệu lít bia cho Công ty Bia Sài Gòn.
Động thái này cho thấy, Công ty đã tự thể hiện mình bằng cách vươn lên trong cách nghĩ, cách làm và khẳng định được trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong việc đáp ứng yêu cầu sản xuất bia chất lượng cao. Giám đốc Lương Dũng còn cho biết thêm: "Để ghi nhận những gì mà Công ty đã làm được trong thời gian qua, Bộ Công nghiệp đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, hệ thống nhà nấu, hệ thống tank lên men và thiết bị phụ trợ với tổng mức đầu tư lên đến trên 63 tỉ đồng và nhà thầu SUDMO (CHLB Đức) sẽ cung cấp thiết bị. Khi dự án dây chuyền sản xuất bia chất lượng cao đi vào hoạt động, Công ty chúng tôi có thể cạnh tranh với các loại bia hiện đang rất nổi tiếng trên thị trường bia Việt Nam như Heneiken, Tiger, Hà Nội, Halida…"
Nói về định hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới, ông Lương Dũng cho biết: "Công ty sẽ nâng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Bia Thanh Hóa tại thị trường Thanh Hóa từ 20 triệu lít (năm 2003) lên 27 triệu lít (năm 2005) - không kể sản lượng sản xuất cho Công ty Bia Sài Gòn. Đồng thời, áp dụng sản xuất sạch, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm mọi nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh".
Nhìn lại chặng đường đã qua, bằng việc từng bước vừa đầu tư cơ sở vật chất và con người, vừa tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Bia Thanh Hóa đã xây dựng được cơ sở vật chất khá khang trang, hiện đại với giá trị tài sản cố định theo nguyên giá trên hàng trăm tỉ đồng. Mong rằng, với thực lực của chính mình, cộng thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của UBND tỉnh và các ban ngành hữu quan, Công ty Bia Thanh Hóa sẽ tiếp tục vươn lên, lớn mạnh hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của kinh tế Thanh Hóa trong những năm tới./.