Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong mối tương quan chung ấy, văn hóa quản lý Nhà nước (QLNN) có vai trò tác động rất lớn thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tích cực, năng động trong hoạt động sản xuất – kinh doanh trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, góp phần vào sự tăng trưởng ở mức cao liên tục trong những năm vừa qua của nước ta.
Văn hóa QLNN đối với doanh nghiệp là bộ phận của văn hóa QLNN đối với các đối tượng quản lý. Đó là sự thể hiện thái độ ứng xử (trong đó, bao hàm các thành tố văn hóa) của Nhà nước thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (văn hóa pháp lý), hệ thống cơ quan QLNN chuyên ngành (văn hóa công sở) và các công chức thực thi công vụ (văn hóa công vụ) đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong quá thành lập, hoạt động, đổi mới hoặc tuyên bố phá sản.
- Về văn hóa pháp lý
Để đáp ứng nhu cầu khách quan của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005 (sau đây viết tắt là Luật Doanh nghiệp năm 2005 để phân biệt với Luật Doanh nghiệp năm 1999) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, đối tượng áp dụng bao gồm:
- Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp.
Có thể đánh giá, Luật Doanh nghiệp năm 2005 là một minh chứng cho sự tiến bộ, cụ thể hơn về thành tố văn hóa pháp lý, đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp đã tạo ra khung pháp lý bình đẳng và quản lý thống nhất giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không còn sự phân biệt doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau trong hoạt động QLNN đối với doanh nghiệp. Sự đổi mới và thái độ ứng xử này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vốn không được hưởng sự ưu đãi của Nhà nước, nay có cơ hội được cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để phát huy những thế mạnh về vốn, công nghệ, trình độ quản lý trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp được ưu đãi trước đây phải tự đổi mới toàn diện thì mới có thể cạnh tranh lành mạnh để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường theo “luật chơi” chung. Rõ ràng, văn hóa pháp lý có tác động tích cực tới sự phát triển, trưởng thành của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Tuy còn có ý kiến khác nhau về nội dung trong một vài điều, khoản của Luật, nhưng đa số doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều đánh giá Luật Doanh nghiệp năm 2005 là một bước tiến bộ về văn hóa pháp lý ở nước ta đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đánh giá cả hệ thống văn bản pháp luật về doanh nghiệp thì thấy, hệ thống này có những bất cập. Qua điều tra xã hội học bằng phiếu thăm dò ý kiến của hơn 476 người là các nhà quản lý doanh nghiệp (trong đó, 225 người thuộc doanh nghiệp Nhà nước, 139 người thuộc doanh nghiệp dân doanh và 112 người thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), chúng tôi nhận thấy rằng, các nhà quản lý doanh nghiệp đều quan tâm tới yếu tố văn hóa QLNN trong thể chế Nhà nước đối với doanh nghiệp. Qua ý kiến phản hồi, có 70,50% số người được hỏi cho rằng, ở nước ta hiện nay, các văn bản pháp quy thường ban hành quá chậm so với đòi hỏi của thực tế; 66,80% ý kiến cho rằng, các văn bản pháp quy không có giá trị dài hạn, thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây trở ngại trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và 67,30% ý kiến đánh giá các văn bản pháp quy còn thiếu sự đồng bộ, chưa thống nhất, còn chồng chéo, rườm rà; đó là những “rào cản” đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.
Qua các phân tích trên có thể nhận thấy, văn hóa pháp lý đối với doanh nghiệp qua Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có bước tiến bộ. Song so với yêu cầu khách quan của thực tiễn, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều mong muốn, ngoài Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới sâu sắc và toàn diện về thể chế đối với doanh nghiệp, tạo khung pháp lý đầy đủ, nhất quán, vững chắc và đồng bộ để các doanh nghiệp có môi trường pháp lý thuận lợi trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
- Văn hóa công sở
Trong những năm gần đây cùng với sự đổi mới về thể chế, các cơ quan QLNN có chức năng quản lý doanh nghiệp đã, đang và tiếp tục cải cách về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đăng ký thành lập và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Những cải cách giảm thiểu thủ tục rườm rà, phiền hà của các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực như Kế hoạch - Đầu tư, Thuế, Hải quan, Tài chính, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất… đánh dấu bước phát triển mới về văn hóa công sở của các cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp. Ví dụ, cơ chế “mở cửa” cùng với việc giảm thiểu thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của ngành Kế hoạch - Đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân hoặc tổ chức thành lập doanh nghiệp mới, hoặc như ngành Hải quan đã tiến hành nhiều cải cách trong kê khai, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng phương pháp quản lý hiện đại, khai báo hải quan điện tử đã giảm rất nhiều thời gian chờ đợi của doanh nghiệp. Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Mặc dù đã có những cải cách của các cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp, nhưng những “rào cản” từ phía cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp vẫn còn không ít. Cũng qua ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý doanh nghiệp, có 47% số người được hỏi rằng, chế độ kiểm toán chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm toán, 60,80% ý kiến đánh giá các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hoặc cán bộ, công chức (CBCC) thực thi công vụ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chưa nghiêm và chưa kịp thời và 48,40% ý kiến cho rằng, cơ quan thanh tra chưa thực hiện việc thanh tra hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng chức năng, thẩm quyền quản lý. Và trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp hàng năm giữa giới doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ hoặc với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh về thái độ sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền QLNN đối với doanh nghiệp (những ý kiến này đã được tường thuật trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng). Đây là những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của văn hóa công sở đối với doanh nghiệp, rất cần sự chấn chỉnh từ phía cơ quan QLNN. Trong QLNN đối với doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tôn trọng nguyên tắc đề cao pháp luật lên trên hết, xây dựng quy tắc hành xử đối với doanh nghiệp công khai, minh bạch để khắc phục tình trạng cái gì không quản lý được, thì ban hành các quy định cấm mà trong đó, có những quy định trái luật hoặc có hiệu lực cao hơn luật. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan công quyền thể hiện sự quản lý thống nhất, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không chỉ trên văn bản pháp luật mà cần thể hiện đầy đủ trong hoạt động thực tiễn.
- Về văn hóa công cụ
Trên đây, chúng tôi đã phân tích tác động to lớn tích cực của văn hóa pháp lý, văn hóa công sở đối với sự phát triển của doanh nghiệp và những mặt tiêu cực gây trở ngại cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đạt đến độ hoàn hảo tuyệt đối; quy chế, quy tắc ửng xử của cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp có đạt đến độ hoàn mỹ, thì cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn, nếu như trong quá trình thực thi công vụ, công chức được giao thẩm quyền thực hiện không nghiêm luật pháp; chấp hành không đúng quy chế, quy tắc ứng xử của cơ quan chủ quản đã đề ra.
Trong hoạt động thực tiễn, bên cạnh những CB, CC tận tuỵ với công việc, giỏi nghiệp vụ, có thiện chí giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình cho doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu theo luật định từ phía cơ quan QLNN thì vẫn còn một số CB, CC chưa làm tròn bổn phận chức trách. Qua cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đối với đội ngũ CB, CC thực thi công vụ liên quan đến doanh nghiệp cho thấy, có rất nhiều tiêu cực từ phía CB, CC. Qua điều tra, phát hiện từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ sự tố giác của quần chúng, đã có nhiều CB, CC ngành Ngân hàng bị đưa ra xét xử. Tiêu biểu như vụ án EPCO Minh Phụng có 18 bị can là CB, CC; vụ buôn lậu gắn với hối lộ, tham nhũng Tân Trường Sanh dính líu tới 30 CB, CC ngành Hải quan; vụ tham nhũng của Công ty Bột giặt Mỹ phẩm Nha Trang và gần đây là vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án buôn lậu ở Hang Dơi – Lạng Sơn, vụ PMU 18… đều có sự dính líu tham nhũng của CB, CC Nhà nước trong thực thi công vụ. Đó là những vụ tiêu cực lớn đã được phát giác. Trên thực tế, có lẽ, còn không ít những sách nhiễu, phiền hà đòi và nhận hối lộ từ phía CB, CC với doanh nghiệp. Qua điều tra xã hội học, chúng tôi thu nhận được một số ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý doanh nghiệp chưa hài lòng về thái độ ứng xử của CB, CC đối với doanh nghiệp lớn hơn số ý kiến hài lòng. Cụ thể là, có 59,40% số người được hỏi cho rằng, CB, CC thực thi công vụ có thái độ sách nhiễu doanh nghiệp; 52,10% ý kiến đánh giá CB, CC thực thi công vụ còn hách dịch, cửa quyền và 64,10% ý kiến cho rằng CB, CC thực thi công vụ còn yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc yếu kém về giao tiếp ứng xử.
Từ phân tích trên, có thể thấy văn hóa công vụ của đội ngũ CB, CC thực thi công vụ đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập, gây cản trở không nhỏ tới sự phát triển của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và chính thức tham gia vào “sân chơi chung” của WTO. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi CB, CC thực thi công vụ phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, có thiện chí giúp đỡ doanh nghiệp, không có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu doanh nghiệp; đồng thời, phải thuần thục chuyên môn, nghiệp vụ và có thái độ ứng xử giao tiếp văn minh lịch sự.
Về phía doanh nghiệp, cũng cần phải nhận thức sâu sắc về việc xây dựng và phát triển văn hóa QLNN đối với doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ từ phía các cơ quan công quyền và CB, CC Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Mỗi doanh nghiệp cần tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, làm tròn nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước, xây dựng uy tín thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh, đổi mới cách thức quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO:9000, đổi mới công nghệ, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sớm đưa kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.