Hải Phòng - thành phố công nghiệp hiện đại trước năm 2020

Nửa đầu năm 2003 đã có 2 sự kiện đáng ghi nhớ đối với nhân dân “Thành phố hoa phượng đỏ”. Đó là, giữa tháng 5, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia,

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng, Bộ Chính trị đã nhất trí nhận định rằng: Xây dựng và phát triển Hải Phòng không chỉ có ý nghĩa cho riêng Hải Phòng, mà trên nhiều mặt còn có ý nghĩa quan trọng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Bộ Chính trị đồng ý với chủ trương cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cảng biển ở Hải Phòng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước; đồng ý nghiên cứu xây dựng đảo Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ; xây dựng đảo Cát Bà cùng với Cát Hải, Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước.

Rõ ràng, vị trí kinh tế - chính trị của Hải Phòng đã được nâng lên tầm cao và yêu cầu của đất nước đối với “Thành phố hoa phượng đỏ” này cũng ngày một nặng nề hơn về mọi phương diện.

Hải Phòng vốn được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế địa lý - kinh tế và nội lực, đưa kinh tế của địa phương 3 năm gần đây tăng trưởng với tốc độ cao, với GDP bình quân mỗi năm tăng trên 10%, bằng 1,5 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Đáng chú ý là cơ cấu kinh tế của Thành phố đã và đang chuyển biến mạnh mẽ, đúng hướng, với tỷ trọng GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng hiện nay đạt khoảng 41% GDP,  cao hơn mức bình quân cả nước là 40,48%, trong khi khu vực dịch vụ đạt khoảng 43,34%, cao hơn chỉ số chung cả nước là 37,78% và khu vực nông - lâm - thuỷ sản đạt 15,66%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước là 21,74%. Với cơ cấu kinh tế như vậy, thì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2003 của Hải Phòng ở mức 14,6% có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ số này ở cùng kỳ năm trước đạt đạt 24,9%, vượt trội cao so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước cách đây một năm là 13,9%.

Giờ đây, Hải Phòng đã là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đứng thứ 6 về giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (kể cả dầu khí), Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Với quy mô như hiện nay, công nghiệp Hải Phòng đã bỏ xa gần gấp đôi những địa phương đang ở vị trí thứ 7-9, như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Cần Thơ. Nhưng điều đáng chú ý hơn còn là tính trẻ trung và năng động của nó. Bởi trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi giá trị sản xuất của công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 43,8%, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước và công nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng 28,4%, tăng 8,2%, thì công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 27,8%, tăng những 21%. Cần nhớ rằng, chỉ cách đây hai năm rưỡi, tức năm 2000, tỷ trọng của công nghiệp ngoài quốc doanh mới ở mức 20,3% và về giá trị tuyệt đối mới chỉ bằng 81% kết quả của 6 tháng đầu năm nay. Sự lớn mạnh nhanh chóng của công nghiệp ngoài quốc doanh chứng tỏ sự lãnh đạo đúng hướng của Thành phố trong việc phát huy lợi thế của địa phương và nội lực trong dân.

Chưa kể những đóng góp lớn của công nghiệp trung ương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hải Phòng, năm 2002, trong khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ tăng hơn 11%, thì xuất khẩu của những doanh nghiệp thuộc Sở Công nghiệp Hải Phòng quản lý đạt khoảng 380 triệu USD, tăng 20% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố. Rõ ràng, công nghiệp địa phương, mà chủ yếu là công nghiệp ngoài quốc doanh của Hải Phòng đã và đang phát triển đúng hướng, gắn sản xuất với thị trường và có khả năng cạnh tranh tương đối cao. Bên cạnh niềm tự hào truyền thống về phát triển cảng biển - dịch vụ hàng hải, về mở mang du lịch biển và về thành công bước đầu trong nuôi trồng thuỷ sản mới đây, người dân Hải Phòng ngày nay còn tự hào về những sản phẩm công nghiệp do chính mình làm ra, bằng cả vốn trong nước lẫn vốn nước ngoài, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được tiêu thụ tốt trong nước và ngoài nước. Đó là gần một triệu tấn thép trong năm, là những con tàu trọng tải trên 13.000 tấn, là những xe đạp mini, dây điện, dây cáp điện, là quạt điện “Phong Lan”, “Hoa Phượng” và có cả những máy điều hoà không khí, máy lạnh, máy giặt được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc... Hải Phòng không chỉ nổi tiếng về đồ hộp Hạ Long, một trong những sản phẩm được tài trợ cho SEA GAMES 22, về xi măng, về ống nhựa Tiền Phong..., mà còn được người tiêu dùng nước ngoài biết đến bởi các sản phẩm mới như giày dép, may mặc, dệt kim...

Đất lành chim đậu. Hải Phòng đang là một trong những điểm đến đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hải Phòng dẫn đầu các tỉnh, thành phố phía Bắc, thu hút thêm được 16 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 82,5 triệu USD, đứng thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đáng chú ý là trong đó, có dự án sản xuất đĩa CD, VCD, DVD trắng tại Hải Phòng có vốn đầu tư đăng ký lớn thứ 2 kể từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 20 tháng 6 năm 2003, Hải Phòng có 134 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,432 tỷ USD, chủ yếu đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp, trong đó đã thực hiện được khoảng 1,087 tỷ USD, đạt hệ số vốn thực hiện trên vốn đăng ký ở mức cao nhất nước. Hải Phòng hiện là một trong 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (không kể dầu khí). Cùng với vốn đầu tư trong nước ngày một lớn, vốn đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng, góp phần đưa Hải Phòng sớm tới đích Thành phố Công nghiệp hiện đại trước năm 2020.

Phát huy cao tiềm năng của các thành phần kinh tế, kết hợp tốt nội lực với ngoại lực trong phát triển công nghiệp theo phương châm đa dạng hoá sản phẩm và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh là bài học thành công của ngành công nghiệp Hải Phòng.

Thực tế cho thấy, trên cùng một mặt bằng về cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhưng ở địa phương nào có sự chỉ đạo, điều hành tốt của các cấp chính quyền thì sẽ mang lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn so với các địa phương chưa có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiều lần nhận xét như vậy. Và chính Hải Phòng đã và đang phấn đấu để xứng đáng với lời nhận xét đó.

  • Tags: