Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam

Song song với việc nhận đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tới việc đầu tư ra nước ngoài, mở rộng thị trường, đặt những nền móng cơ bản cho việc ki

Ngày 14/4/1999, Nghị định số 22/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành, cùng một số văn bản pháp luật liên quan đã tạo nên một khung pháp lý cần thiết cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, qua 5 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, như:
- Qui định còn thiếu cụ thể, đồng bộ, nhất quán. Có không ít những điều khoản đến nay không còn phù hợp, không bao quát được sự đa dạng của các hình thức đầu tư ra nước ngoài.
- Các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư ra nước ngoài còn nhiều hạn chế, chưa lường hết được những vấn đề phát sinh trong quá trình thẩm định, cấp phép và triển khai dự án…
- Các thông tin về tình hình hoạt động của các dự án hầu như không được cập nhật, do thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể và cơ chế kiểm soát về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh đó lại không có các chế tài cụ thể.
- Chưa có một cơ chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là trong khâu triển khai thực hiện dự án.
- Thủ tục hành chính tuy đã có những tiến bộ, nhưng nhìn chung vẫn còn quá phức tạp, rườm rà; hiệu quả đầu tư chưa cao; không ít qui định can thiệp quá sâu vào quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quy trình đăng ký và thẩm định cấp giấy phép còn phức tạp. Thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư chưa được rõ ràng, gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. 
Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác kinh tế, kỹ thuật, thương mại với nước ngoài, tạo lập một môi trường pháp lý ổn định, thì việc hoàn thiện chính sách đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu. Hoàn thiện chính sách với mục tiêu khắc phục sự thiếu thống nhất, tạo lập tính cụ thể, rõ ràng giữa các văn bản pháp qui liên quan đến đầu tư ra nước ngoài; Chính sách phải được thể hiện theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho đầu tư ra nước ngoài mà ta có thế mạnh. Đầu tư ra nước ngoài phải nằm trong tổng thể qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Và do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 22/NĐ-CP là một việc làm hết sức cấp thiết và không thể trì hoãn. Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/NĐ-CP có một số điểm rất đáng chú ý và cần thiết phải sửa đổi là:
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài, dù là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp đều có những điểm chung nhất định là đưa vốn bằng tiền, công nghệ, tài sản để tham gia đầu tư vào công ty với mục đích lợi nhuận. Trong Điều 1 của NĐ 22/CP chỉ qui định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài là hoạt động đầu tư trực tiếp, do đó trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung cần điều chỉnh cả hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các lĩnh vực đầu tư sản xuất, dịch vụ, thương mại.
- Điều 2 NĐ 22/CP qui định, chỉ cho phép đối tượng là doanh nghiệp nhà nước thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp được thành lập theo Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Hợp tác xã, còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh không được đầu tư ra nước ngoài. Do đó, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung cần bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp liên doanh, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu. Một điểm mới trong Điều 3 của Dự thảo là doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phải hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi liên tục trong ba năm gần nhất. Các điều kiện đầu tư ra nước ngoài là áp dụng chung cho mọi thành phần kinh tế để tránh phân biệt. Bên cạnh đó là hạn chế đối với việc góp vốn bằng nguyên liệu và nhiên liệu, vì một số loại nguyên liệu và nhiên liệu ta còn khan hiếm, còn chưa chủ động được cho nhu cầu trong nước.
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài gắn với chuyển nguồn vốn từ trong nước ra nước ngoài, có liên quan tới quản lý ngoại hối, an ninh tài chính, việc làm cho người lao động. Hơn nữa, việc đầu tư ra nước ngoài cần có qui hoạch, nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho xã hội. Do vậy, cần sửa đổi bổ sung qui định các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như xuất khẩu nhiều lao động, phát huy có hiệu quả các ngành nghề truyền thống của Việt Nam, mở rộng thị trường và sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tăng khả năng xuất khẩu thu ngoại tệ; Đồng thời cũng qui định cụ thể những lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
- Từ Điều 6 đến Điều 10 trong NĐ 22/CP qui định thẩm quyền quyết định và các thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài là chưa rõ ràng và không cần thiết. Trong xu thế đơn giản hóa thủ tục và tăng cường quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cần qui về hai cấp là Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong quá trình điều chỉnh giấy phép đầu tư, cần phải xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và phải có sự phân cấp.
- Thủ tục phê duyệt tái đầu tư trong NĐ 22/CP qui định chưa rõ, vì có những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì khi tái đầu tư cũng cần phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Hoặc dự án khi xin cấp giấy phép đầu tư ban đầu thì thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng khi tái đầu tư thì phần mở rộng lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi chấp thuận cho phép tái đầu tư, cần phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến một số chính sách khác ở trong nước. Vì vậy, để tạo tính thống nhất, đồng bộ giữa các chính sách và tạo ra môi trường pháp lý ổn định thông thoáng, có tính thống nhất nội tại cao, thì hoàn thiện chính sách đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam là một việc làm cấp thiết và cần được ban hành trong thời gian sớm nhất.

  • Tags: