Dân lo hồ cạn!

Nằm cách thành phố Lạng Sơn 28 km, công trình hồ thủy lợi bản Nầng (thuộc xã Tân Đoàn – huyện Văn Quan) được Nhà nước đầu tư xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm cung cấp nước cho sản xuất

Lai lịch hồ bản Nầng

Từ thung lũng Ba Xã, chúng tôi phải leo núi hơn một tiếng đồng hồ mới lên đến hồ bản Nầng. Con đường dẫn lên hồ khá lớn song dốc đứng, quanh co và sạt lở đến ghê người. Thấy chúng tôi than đường sá dốc, xấu, khó đi lại, một người dân địa phương đi cùng cho biết, hôm nay trời nắng còn đỡ, chứ gặp hôm trời mưa, đường trơn như bôi mỡ việc đi lại còn cực khổ gấp trăm lần. Khó ai có thể ngờ, trên độ cao như vậy lại có một hồ nước mệnh mông, được bao bọc bởi những rừng hồi thoai thoải xanh um, cao lớn. Hồ bản Nầng giống như một khu du lịch sinh thái với khí hậu mát mẻ, trong lành. Ông Phả, 70 tuổi, một người già tại bản Nầng cũng khẳng định, hồ này được Nhà nước xây từ cách đây hơn 40 năm. Tại đây từng có một đơn vị bộ đội đóng quân và đã có công mở mang, tu sửa đường lên bản cho dân thành đường đường lớn, ôtô có thể đi lại. Tuy nhiên, sau khi đơn vị này rút đi, con đường trở nên hoang vắng, xuống cấp, các phương tiện cơ giới không thể đi lại được như hiện nay.

Để có thể xây được hồ bản Nầng, hàng chục hộ dân ở đây đã phải di dời xuống khu vực quanh chợ Ba Xã. Tuy đã được Nhà nước và các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí giúp định cư tại nơi mới, nhưng vì thiếu đất canh tác, thậm chí thiếu cả nước cho sản xuất, và sinh hoạt, nên không lâu sau đó, hầu hết các hộ đã rủ nhau quay trở về đất cũ dựng nhà, khôi phục sản xuất. Đến cuối những năm 80, thế kỷ trước, khi các HTX nông nghiệp dần dần tan rã, thì người bản Nầng tháo bớt hơn 6m (so với cao trình 9,56m) nước trong hồ để lấy lại phần ruộng của mình. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây làm ruộng, chăn nuôi và trồng hồi rất thuận lợi, bởi tiện nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân ở dưới cánh đồng Ba Xã rộng lớn thì luôn phải chịu hạn hán, thiếu cả nước sinh hoạt. Cảnh vụ mùa thất bát, đói ăn vì thế xảy ra liên miên. Nhận thức được tầm quan trọng của hồ bản Nầng, cách đây 3 năm. UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định di dời 28 hộ dân quanh vùng, nhằm tái dâng nước lên cao trình cũ, bảo đảm cung cấp nước cho hàng trăm ha đất phía dưới chân núi. Theo đó, các hộ dân bản Nầng sẽ được hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng để ổn định cuộc sống, sau khi di dời xuống thung lũng Ba Xã. Khi mới đón quyết định trên, người dân trong bản không khỏi phân vân, bởi sắp tới, họ sẽ phải rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn, đổ bao mồ nước mắt, bắt đất “nở hoa” thành những rừng hồi xanh tốt trải dài đến vút tầm mắt. Thêm vào đó là những lo lắng về một cuộc sống mới còn chưa biết ra sao !

Quá nhiều quyết định !

Theo phản ánh của nhiều người dân bản Nầng, điều bất cập đầu tiên chính là những qui định không rõ ràng trong dự án đền bù giải phóng mặt bằng. Ngay khi quyết định của UBND Tỉnh được phê duyệt (giữa năm 1999), nhiều đoàn cán bộ của Tỉnh và huyện Văn Quan đã lên bản Nầng thuyết phục dân, sau đó triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bà con đã có nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh đơn giá đền bù và công tác ổn định cuộc sống sau di dời, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, không rõ ràng. Riêng việc đền bù nhà cửa và vật kiến trúc theo lời một số cán bộ chính quyền chỉ hỗ trợ di dời khoảng 2 triệu đồng. Mặc dù mức đền bù thấp như vậy, song vẫn có 20 trong 28 hộ đăng ký di dời vì tính rằng, khi dâng nước thì ruộng ngập hết, cuối cùng cũng phải ra đi. Những hộ còn lại không đồng ý đi vì cho rằng, với mức hỗ trợ thấp như vậy thì không biết đi đâu; còn nếu ở lại thì vẫn có thể sinh sống nhờ chăn nuôi và trồng hồi.

Có 20 hộ, mặc dù đã đăng ký, song việc di dời cũng rất chậm chạp. Một mặt, người dân không có tiền để trang trải phí tổn, mặt khác, họ vẫn muốn chờ đợi một quyết định mới của các cấp chính quyền. Đến cuối năm 2000, bà con được đoàn công tác của huyện Văn Quan do ông Hà Mạnh Thắng dẫn đầu thông báo là được nhận đền bù. Đây là quyết định đền bù do UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, có kèm theo bản phụ lục tổng hợp, các hộ có thể đăng ký rồi nhận luôn tiền đền bù. Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh mâu thuẫn vì có rất nhiều quy định đền bù không công bằng. Bà con cho biết, có nhiều hộ gia đình không hề có vườn tược cây cối, song vẫn được đền bù; ngược lại một số hộ có vườn, hoa màu thì lại không được nhận. Hai hộ có ruộng liền kề, cùng hạng nhau, song lại có hạng đền bù khác nhau. Tuy nhiên, đáng nói nhất phải kể đến trường hợp, nhiều hộ sống trong nhà đất, lợp ngói cũ kỹ mà được đền bù xấp xỉ 100 triệu đồng, trong khi những hộ có nhà xây lại được đền bù thấp hơn nhiều... Bất bình trước quyết định này, nhiều hộ gia đình đã không ký tên nhận tiền, đồng thời cử đại diện thôn nhiều lần lên Huyện phản ánh sự việc. Nhằm xoa dịu những búc xúc của người dân, thi thoảng các đoàn cán bộ của Huyện, xã lại về thôn đo đạc, nắm bắt tình hình, song thực chất vẫn không giải quyết được.

Thời gian sau đó, các cấp chính quyền, nhất là UBND huyện Văn Quan lại liên tục đưa ra những văn bản mâu thuẫn nhau, gây hoang mang, lo lắng cho dân. Kết quả là việc di dời vẫn không có sự chuyển biến tích cực nào.

Đến bản Nầng vào thời gian này không khỏi chạnh lòng vì cảnh vật hoang tàn, ảm đạm nơi đây. Nhiều hộ gia đình không di dời, song trước sức ép của chính quyền xã, huyện, buộc phải tháo dỡ nhà cửa, đình đốn sản xuất. Cả gia đình phải sống chen chúc trong một gian bếp nhỏ hoặc lều lán dựng tạm. Trong khi đó, đồ đạc và gạch ngói được dồn đống, che đậy bằng lá khô, bạt rách. Các hộ gia đình đã được đền bù hàng trăm triệu đồng cũng có cuộc sống không khá hơn. Do chính quyền xã và huyện không hề có một phương án nào, nhằm hướng dẫn cho dân ổn định cuộc sống sau di dời, nên nhiều hộ dân sau khi nhận đền bù đã tự cầm tiền xuống thung lũng mua đất, nhà... Nhưng do không được hướng dẫn, nên đa số hộ đều mua đất và nhà xung quanh khu vực chợ Ba Xã, là khu vực có giá đất đắt đỏ. Mua xong nhà thì hết tiền mua ruộng đất canh tác. Biết lấy gì để làm ăn ? Nhiều hộ đành chọn giải pháp chia đôi nhân khẩu, trong đó một nửa gia đình lại bản Nầng làm ruộng, vườn kiếm tiền, gạo; một nửa ở lại trông nhà mới, chăm lo việc học hành của con cái.

Có thể nói, những rắc rối ở bản Nầng nảy sinh do chính quyền xã Tân Đoàn và huyện Văn Quan đã không thực hiện tốt việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, vô trách nhiệm, đồng thời khâu qui hoạch ổn định cuộc sống cho dân sau di dời cũng chưa được làm tốt, khiến một sự việc rất đơn giản lại trở nên rối như tơ vò. Và hậu quả là không chỉ hàng chục hộ dân của bản Nầng ngày đêm không biết số phận của mình ra sao, mà dự án hồ bản Nầng còn phải chịu cảnh dậm chân tại chỗ và hàng trăm ha đất canh tác của người dân dưới thung lũng Ba Xã ngày qua ngày vẫn hạn hán.

Thiết nghĩ, để mau đưa hồ bản Nầng vào sử dụng, tạo nên bướt đột phá trong việc phát triển KT –XH, thì các cấp chính quyền của tỉnh Lạng Sơn, nhất là huyện Văn Quan và xã Tân Đoàn cần phải có những biện pháp cương quyết, công tâm, nhằm giải quyết dứt điểm và công bằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời có kế hoạch ổn định cuộc sống sau di dời cho người dân, để dân yên tâm di dời, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được hoạt động.

  • Tags: