Tại buổi tọa đàm, hai bên đã thỏa thuận hợp tác chặt chẽ, lâu dài theo nguyên tắc tận dụng thế mạnh mỗi bên. Phía Ả rập - Xê út sẽ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng và ngược lại, Việt Nam giúp Ả rập-Xê út bảo đảm an ninh lương thực. Dự kiến, trong những năm tới, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Đối với sản phẩm xăng dầu, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10 - 15%/năm và dự báo đến năm 2015, nhu cầu tiêu thụ hàng năm sẽ đạt khoảng 22 - 25 triệu tấn. Nhu cầu về các sản phẩm hoá dầu để sản xuất nhựa Polypropylene, xơ sợi PE, PVC... cũng tăng trưởng bình quân từ 10 -15%/năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cuối năm 1999 đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển tích cực, trao đổi buôn bán song phương đã tăng nhanh và đạt hơn 100 triệu USD/năm. Năm 2008, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đạt 291 triệu USD, tập trung vào các mặt hàng như hải sản, than đá, máy tính, linh kiện điện tử, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan... Bộ trưởng tin tưởng rằng, với tiềm năng hợp tác sẵn có cùng với những cố gắng chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ả rập - Xê út trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư sẽ phát triển năng động và hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí và khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Dầu khí Ả rập - Xê út Ali Ibrahim Al Naimi nhấn mạnh, ngoài lĩnh vực dầu khí và khoáng sản, phía bạn cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác trên một số lĩnh vực khác như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ khí, xây dựng dân dụng, năng lượng. Đặc biệt, Ả Rập - Xê út có nhiều kinh nghiệm về phát triển năng lượng và sẵn sàng trở thành đối tác lâu dài với Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hai Bộ sẽ tạo điều kiện tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn các cấp, các doanh nghiệp; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng khai thác chế biến khoáng sản và lương thực. Bên cạnh đó, hai bên cần tạo điều kiện để doanh nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí; xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, trong đó có Nhà máy Nam Vân Phong mà hiện Petrolimex của Việt Nam đang trao đổi với Aramco về việc tham gia vào dự án này.