Năm 2002, TCty Điện lực Việt Nam chỉ đạo lấy tỉnh Hải Dương để thí điểm việc phối hợp giữa ngành Điện và địa phương trong việc xây dựng mô hình quản lý điện nông thôn hợp pháp. Công ty Điện lực 1 đã tập trung chỉ đạo và cùng Điện lực Hải Dương triển khai thí điểm. Sau đó, mỗi tỉnh chọn 1 đến 2 xã thí điểm, riêng Thanh Hóa 5 xã, nội dung chủ yếu tập trung vào mô hình hợp tác xã điện độc lập (tách từ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp). Từ kết quả thí điểm ở Hải Dương và nhiều Điện lực trong đó có cả các tỉnh thuộc miền Trung và miền Nam cùng sở Công nghiệp các tỉnh đã họp rút kinh nghiệm.
Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, tiến độ còn chậm, có nhiều nguyên nhân:
* Nguyên nhân chủ quan là có một số địa phương chưa muốn chuyển đổi hoặc chưa tích cực chuyển đổi vì đụng chạm đến quyền lợi cá nhân.
* Nhiều cấp, nhiều ngành chưa quen với mô hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý điện nông thôn và mô hình hợp tác điện độc lập.
Các tỉnh giao cho sở Công nghiệp làm đầu mối chủ trì cùng các ngành xây dựng phương án, nhưng có tỉnh không có thành phần Điện lực. Một số tỉnh, sở Công nghiệp quá cầu toàn, khi triển khai lúng túng về cách làm, không có hướng tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Trong khi đó, một số Điện lực dựa vào lý do tỉnh giao cho sở Công nghiệp nên trông chờ vào sở Công nghiệp, tiến độ chậm thuộc phía địa phương.
Thực hiện chủ trương của Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực 1 đã triệu tập giám đốc các Điện lực họp bàn biện pháp phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình với những nội dung cơ bản như sau:
Giám đốc các Điện lực trực tiếp báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành của địa phương xây dựng đề án và phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Công ty Điện lực 1 tập trung vào mô hình ban quản lý điện xã, mô hình khoán thầu và những mô hình khác chưa hợp pháp thuộc diện bắt buộc phải chuyển đổi. Đối với mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp là mô hình hợp pháp, nên duy trì chỉ cần củng cố và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh điện năng.
Để cho tổ chức quản lý điện nông thôn mới hoạt động có hiệu quả, cần tổ chức bán điện đến hộ dân theo một cấp (không qua trung gian), bán thống nhất một giá không vượt giá trần (700đ/kWh) do Chính phủ quy định trên địa bàn toàn xã.
Trong quá trình triển khai tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, phối hợp với các tổ chức quần chúng.
Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thí điểm ở một huyện, sau đó đồng loạt tổ chức ở các huyện trong toàn tỉnh. Khi tổ chức triển khai ở huyện, cần phải có nội dung cụ thể: Kế hoạch chuyển đổi và phân công trách nhiệm giữa sở Công nghiệp, UBND huyện và Điện lực để chịu trách nhiệm hướng dẫn các xã tiến hành làm các thủ tục chuyển đổi.
Giao chỉ tiêu cụ thể cho các Điện lực đến 31/12/2003 phải hoàn thành: Mô hình khoán thầu còn 228 xã thuộc 5 Điện lực phải chuyển xong; Mô hình Ban quản lý điện xã còn 2346 xã, chia làm 2 mức: Chuyển 100% gồm có các Điện lực có khối lượng dưới 60 xã; Chuyển được 50% gồm có các Điện lực có khối lượng lớn xấp xỉ 100 xã trở lên.
Cuối năm, Công ty sẽ tổ chức hội nghị đánh giá và khen thưởng các đơn vị hoàn thành kế hoạch giao về chuyển đổi mô hình, coi đó là chỉ tiêu để xác định quĩ tiền lương, để khen thưởng. Riêng các Điện lực có khối lượng lớn Công ty giao chỉ tiêu cuối năm thực hiện 50%, nếu phấn đấu hoàn thành 100% sẽ được thưởng đặc cách: Tập thể sẽ áp dụng quy chế tăng giảm quỹ lương mềm (thêm 1% tiền lương mềm (V2) của đơn vị 6 tháng cuối năm 2003). Cá nhân mỗi Điện lực chọn 1 người xuất sắc, Công ty cho đi tham quan, học tập ở nước ngoài 7-10 ngày. Và ngược lại, đối với các Điện lực không hoàn thành kế hoạch giao sẽ đánh giá phạt điểm thi đua và áp dụng quy chế giảm quỹ lương mềm (V2).
Các Điện lực đã xác định được nhiệm vụ việc chuyển đổi mô hình là rất quan trọng là chuyển đổi khách hàng mua bán điện, từ chủ thể không đủ tư cách pháp nhân sang chủ thể có tư cách pháp nhân, ký hợp đồng mua bán điện. Nhiều Điện lực đã giao kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng chi nhánh điện, chỉ đạo các chi nhánh điện có phương án phối hợp báo cáo UBND huyện. Tập trung làm trước ở 1 huyện, sau đó nhân rộng ra các huyện trong toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, chưa đầy 3 tháng kể từ ngày triển khai, kết quả đạt được rất tốt.
Tỉnh Thái Bình, lúc đầu Điện lực đề xuất triển khai trước ở huyện Hưng Hà, nhưng lãnh đạo huyện còn chần chừ, sau đó chuyển sang làm trước ở huyện Kiến Xương. Tại huyện Kiến Xương, UBND tỉnh chủ trì, mời lãnh đạo các huyện đến tham dự. Trong khoảng 1 tháng (7/2003) tỉnh Thái Bình đã triển khai xong bước 1 ở tất cả các huyện. Kết quả đến ngày 19/9/2003, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao trước 9 tháng (vì tỉnh Thái Bình có khối lượng lớn, kế hoạch giao đến 30/6/2004).
Tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2001 đã triển khai, nhưng không tiến triển được. Tháng 7/2003, Điện lực báo cáo UBND tỉnh chọn làm trước ở huyện Gia Bình là huyện có truyền thống về thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Nhà nước. Tại hội nghị triển khai mô hình ở huyện Gia Bình, nhiều chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã và tổ điện nông thôn đã đưa ra nhiều vấn đề rất gay gắt, lo ngại qua nhiều cửa. Tại hội nghị này, Giám đốc Điện lực Bắc Ninh và Giám đốc Sở Công nghiệp Tỉnh hứa sẽ cử người trực tiếp xuống huyện và xã, không để các xã phải đi lại. Chủ tịch UBND Huyện đã giao nhiệm vụ cho các phòng ban của Huyện giúp các xã. Kết quả chưa đến 1 tháng, huyện Gia Bình đã chuyển đổi xong với giá bán điện đến tận hộ nông thôn không vượt giá trần Chính phủ quy định (700đ/kWh). Cùng với huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh triển khai ở tất cả các huyện. Kết quả đến ngày 8/9/2003, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành, vượt mục tiêu trước thời gian 4 tháng.
Từ huyện Gia Bình có thể rút ra bài học kinh nghiệm về cách làm về sự phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng giữa sở Công nghiệp, Điện lực và UBND huyện, từ đó chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ, hướng dẫn các xã, hợp tác xã lập hồ sơ chuyển đổi, xóa bỏ tình trạng xã xin huyện, huyện xin tỉnh. Bài học kinh nghiệm, có thể tóm tắt ở 3 nội dung cơ bản như sau:
- UBND huyện giữ vai trò trung tâm chỉ đạo và cấp giấy phép ngành nghề kinh doanh.
- Điện lực giữ vai trò tiên phong, hướng dẫn chuyển đổi khách hàng mua bán điện từ chủ thể cũ sang chủ thể mới có tư cách pháp nhân và ký lại hợp đồng mua bán điện.
Sở Công nghiệp giữ vai trò quản lý Nhà nước và cấp phép hoạt động Điện lực.
Sau khi rút kinh nghiệm ở huyện Gia Bình, nhiều tỉnh có những vướng mắc đã được tháo gỡ, nhiều tỉnh lúng túng về các bước triển khai nay đã có hướng đi. Đặc biệt là có sự cố gắng phấn đấu thi đua của nhiều giám đốc Điện lực, nên kết quả rất khả quan: Đến hết tháng 9/2003, tất cả các tỉnh đã có quy định, đề án hoặc văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn. Nhiều tỉnh đã tổ chức trước 1 huyện, sau đó nhân ra các huyện và hoàn thành trên 50% kế hoạch, trong đó có 5 tỉnh hoàn thành toàn bộ kế hoạch đó là: Tỉnh Bắc Ninh ngày 8/9/2003 đã hoàn thành 100% kế hoạch, với 458 hợp tác xã DVNN&ĐN và 7 hợp xã điện năng; tỉnh Thái Bình ngày 19/9/2003 hoàn thành 248/248 xã (100% kế hoạch); tỉnh Bắc Kạn ngày 22/9/2003 hoàn thành 41/41 xã (100% kế hoạch); tỉnh Hưng Yên ngày 23/9/2003 hoàn thành 51/51 xã (100% kế hoạch); tỉnh Tuyên Quang ngày 30/9/2003 hoàn thành 57/57 xã (100% kế hoạch).
Từ tháng 7/2003 đến 30/9/2003, toàn Công ty Điện lực 1 đã chuyển đổi mô hình được 850 xã. Như vậy đến nay:
Số xã có mô hình hợp pháp là: 2887 xã (62%). Trong đó: Điện lực quản lý trực tiếp 633 xã; Hợp tác xã điện năng có 287 xã; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có 2207 HTX; Công ty Điện - Nước huyện có 7 Công ty (936 xã); Công ty Cổ phần có 2 (6 xã); Công ty TNHH có 1; Hộ kinh doanh cá thể có 4. Số xã còn mô hình không hợp pháp phải chuyển đổi là 1755 xã.
Phấn đấu đến 31/12/2003, toàn Công ty Điện lực I sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình, một số xã tồn tại chuyển sang 6 tháng đầu năm 2004.
Đối với 18 tỉnh có xã tham gia dự án NLNT II (RE II), còn 8 tỉnh có khối lượng mô hình phải chuyển đổi lớn là Phú Thọ 135 xã, Thái Nguyên 103 xã, Bắc Giang 99 xã, Thanh Hóa 422 xã, Yên Bái 95 xã, Nghệ An 248 xã, Hòa Bình 130 xã và Vĩnh Phúc 88 xã. Riêng tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có số xã cần phải chuyển đổi mô hình trên 400 xã, nhưng UBND tỉnh có chủ trương giao cho Công ty cổ phần Xây lắp điện lực Thanh Hóa quản lý lưới điện áp nông thôn do đó rất khó tiến triển. Công ty sẽ tập trung chỉ đạo điện lực Thanh Hóa và báo cáo EVN.
Căn cứ vào tiến độ thực hiện Dự án năng lượng nông thôn II, riêng 760 xã Tổng giám đốc EVN giao nhiệm vụ cho Giám đốc Công ty Điện lực 1 chỉ định tư vấn lập thủ tục đầu tư. ¦u tiên tập trung cho các xã thuộc đợt 1a, 1b của chương trình dự án: Đợt 1a gồm có Vĩnh Phúc 88 xã và Hà Tĩnh 98 xã; đợt 1b gồm Yên Bái 45 xã và Nghệ An 50 xã.
Sau khi chuyển đổi, Công ty Điện lực sẽ chỉ đạo các Điện lực phối hợp với các địa phương củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình khắc phục tình trạng “Bình mới rượu cũ”. Nội dung củng cố gồm có:
* Mở sổ sách ghi chỉ số công tơ, hạch toán điện năng, tính tổn thất…;
* Tính toán giá bán điện thống nhất toàn xã với giá không được vượt quá giá trần Chính phủ quy định (700đ/kWh);
* Mở sổ hạch toán lỗ, lãi và thu chi (công khai về quản lý theo quy định của pháp luật).
Có mô hình hợp pháp sẽ nâng cao năng lực quản lý cho công tác quản lý lưới điện hạ áp nông thôn do địa phương quản lý, sẽ góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng về công tác quản lý điện ở nông thôn, tạo điều kiện để làm quen với loại mô hình mới về tổ chức quản lý điện nông thôn, là mô hình tiên tiến, đồng thời khẳng định việc phân công của Chính phủ: Ngành điện quản lý lưới điện trung áp - địa phương quản lý lưới điện hạ áp là hợp lý (QĐ 22/TTg).