Phân bổ hạn ngạch dệt - may đã hợp lý?

Mặc dù Thông tư liên bộ Thương mại và Công nghiệp hướng dẫn việc giao và thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ ban hành đến nay đã được gần 2 tháng, (thông tư 07/2003/TTL/BT

Doanh nghiệp cho rằng chưa hợp lý

Có thể nói sau, khi thông tư trên ra đời, một số doanh nghiệp dệt may cho rằng, Bộ Thương mại phân bổ hạn ngạch theo nhiều tiêu chí, nhưng lại không có cơ quan chức năng nào có thể xác định một cách chính xác được các tiêu chí này. Cụ thể: tiêu chí về số lượng thiết bị, trình độ tay nghề của công nhân, quy mô khách hàng, vị trí địa lý của doanh nghiệp (đóng ở vùng sâu, vùng xa), vốn đầu tư lớn, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đều chưa được lượng hoá cụ thể... Mặt khác, trong việc tính toán hạn ngạch, các doanh nghiệp phàn nàn về 3 hệ số K, và chính cách tính này, không ai có thể hiểu nổi những hệ số K đó chính xác tới mức nào và thậm chí, từng doanh nghiệp cũng không thể kiểm tra đuợc số lượng hạn ngạch mình đựợc phân bổ có đúng hay không? Chính vì thế, sau khi thông tư ra đời, đã có rất nhiều doanh nghiệp “bàng hoàng” vì thấy rằng số lượng hạn ngạch mà doanh nghiệp được phân giao ít hơn nhiều lần so với năng lực dự định sản xuất lúc ban đầu; thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, hạn ngạch được giao chỉ đủ sản xuất trong vài ba tuần là hết.

Bên cạnh đó, thông tư Liên bộ số 07 quy định việc phân giao hạn ngạch sang Mỹ năm 2004 như: Dành 75% hạn ngạch để phân giao cho thương nhân có thành tích (gọi chung là hạn ngạch thành tích) xuất khẩu từ ngày 1/5/2003 đến 31/12/2003 và dành 25% hạn ngạch để phân giao bổ sung cho thương nhân (gọi tắt là hạn ngạch bổ sung...). Nguyên tắc phân giao căn cứ theo tỷ lệ phần trăm số lượng hạn ngạch của từng chủng loại hàng trong 8 tháng cuối năm 2003, trừ đi số lượng hạn ngạch năm 2004 đã ứng trước sử dụng trong năm 2003. Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Dệt- May Việt Nam (VITAS) cho rằng, đây là một quy định rất khó hiểu. Chính trong thông tư liên bộ 07, phần đầu đã chỉ rõ “căn cứ tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ 9 tháng đầu năm 2003”... vậy mà, trong quy định hạn ngạch thành tích ở phần 2 cũng chính của thông tư này lại chỉ tính thành tích xuất khẩu trong 8 tháng cuối năm 2003.

Cũng theo VITAS, nếu căn cứ phân giao “hạn ngạch thành tích” năm 2004 mà chỉ tính thành tích xuất khẩu trong 8 tháng cuối năm 2003 là vô cùng bất hợp lý.

Thứ nhất, trong 4 tháng đầu năm 2003, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng và dốc toàn bộ năng lực sản xuất vào thị trường Mỹ, thời gian tiếp theo mới sản xuất hàng sang EU, Nhật Bản... nay, thông tư Liên bộ quy định chỉ tính thành tích xuất khẩu trong 8 tháng cuối năm 2003 để phân giao hạn ngạch năm 2004 thì chắc chắn các doanh nghiệp này thành tích sẽ giảm đi nhiều.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp khi thực hiện đơn hàng dệt may của các công ty Mỹ, phải hoàn thành xong toàn bộ số lượng sản phẩm để xuất khẩu hết một lần, không thể xuất dần như các thị trường khác. Do đó, một số doanh nghiệp không may mắn đã xuất toàn bộ hàng một lần trước ngày 1/5/2003 theo hợp đồng sang Mỹ cả năm 2003, và ngay lập tức, họ bị liệt vào loại doanh nghiệp không có thành tích gì trong năm 2003 và chỉ tiêu phân bổ hạn ngạch năm 2004 cũng chỉ là con số không.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp không xuất khẩu lô hàng dệt may nào sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm, nhưng xuất khẩu vào ngày 1/5/2003 hoặc xuất khẩu vào thời gian sau đó thì được tính toàn bộ là thành tích xuất khẩu sang Mỹ năm 2003 để duyệt hạn ngạch năm 2004. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phàn nàn rằng, với việc phân bổ hạn ngạch như trên, sẽ dẫn đến hậu quả, có doanh nghiệp thừa năng lực (kể cả về số lượng lẫn các tiêu chí mà phía Mỹ đưa ra) thì lại được phân giao hạn ngạch không tương xứng, nhưng lại có những doanh nghiệp nhỏ, nằm ở vùng sâu, vùng xa lại cũng được phân giao hạn ngạch... mà đôi khi được phân giao rồi lại không đủ khả năng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ (vì rằng, để xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường này, thông thường, doanh nghiệp đó phải được đại diện nhà nhập khẩu hoặc hải quan nước sở tại đến tận nơi trực tiếp kiểm tra, chứ không hẳn là thông qua bản báo cáo bằng giấy tờ)...

Bộ Thương mại:Tương đối công bằng

Phản ứng trước những kiến nghị của doanh nghiệp dệt may thời gian qua về cơ chế phân giao hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ năm 2004, đại diện Bộ Thương mại cho rằng, về cơ bản, các tiêu chí phân giao năm 2004 cũng tương đối giống năm 2003. Tuy nhiên, với cơ chế lần này có một số ưu điểm  hơn cơ chế phân giao năm 2003, cụ thể:

Thứ nhất, chế tài phạt đối với các vi phạm rất cụ thể và rõ ràng, mạnh tay, kể cả trong việc thực hiện và hoàn trả hạn ngạch.

Thứ hai, trong cơ chế quản lý năm 2004, có quy định rõ ràng là không giao hạn ngạch cho doanh nghiệp để xuất khẩu bán thành phẩm, cũng như nhập bán thành phẩm về để sản xuất, sau đó xuất đi Mỹ. Đồng thời, đối với doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất, kể cả đã có thành tích xuất khẩu năm 2002 và năm 2003 đi nữa cũng không được phân giao hạn ngạch.

Cũng theo Bộ Thương mại, một nét mới trong cơ cấu phân giao hạn ngạch cho các đối tượng lần này đã “thoáng” hơn rất nhiều so với quy chế phân giao hạn ngạch năm 2003, cụ thể: tăng tỷ lệ cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước từ mức 3% năm 2003 lên 7% năm 2004, tăng tỷ lệ dành cho doanh nghiệp ký được hợp đồng với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ từ mức 3% năm 2003 lên đến 5% năm 2004...

Riêng về tiêu chí thời gian, để xác định việc ưu tiên phân giao hạn ngạch năm 2004 mà các doanh nghiệp phản ứng lâu nay, đại diện Bộ Thương mại giải thích: Thông tư lấy căn cứ số thực hiện của doanh nghiệp từ 1/5 đến hết năm 2003 để giao hạn ngạch thành tích là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Vì rằng, số liệu giao hạn ngạch và số liệu thực hiện được của 8 tháng cuối năm 2003 chính là số liệu được tính trên cơ sở thành tích của doanh nghiệp trong 15 tháng (từ 1/1/2002/ đến 31/1/2003) chứ không phải là con số đơn thuần của năm 2003. Còn nếu như lấy số liệu từ 1/1/2003 đến hết năm 2003 thì sẽ bị pha trộn. Bởi vì các số liệu kê khai của doanh nghiệp và số liệu của hải quan trong 4 tháng đầu năm 2003 không trùng khớp . Do vậy, nếu như tính từ đầu năm thì các doanh nghiệp phải báo cáo lại từ đầu, điều này sẽ tăng thêm một khối lượng công việc khổng lồ và sẽ khó khăn hơn trong khâu quản lý. Vì thế, việc sử dụng số liệu đến 1/5 để làm cơ sở phân giao hạn ngạch thành tích chính là có cơ sở khoa học.

Mặt khác, khi lấy số liệu 8 tháng (từ 1/5/2003) thì mẫu số làm  cơ sở phân giao sẽ thấp và doanh nghiệp sẽ được một hệ số K cao, nếu lấy số liệu cả năm, thì mẫu số làm cơ sở phân giao sẽ cao và do đó, doanh nghiệp sẽ được hệ số K thấp. Và như vậy, việc lấy số liệu 8 tháng, thì doanh nghiệp nào thực hiện tốt trong 8 tháng này (tính từ 1/5) và 15 tháng trước thì sẽ có lợi hơn.

Hiệp hội Dệt- May nói gì?

Năm 2003 sắp kết thúc, VITAS cho rằng, nếu căn cứ phân giao hạn ngạch thành tích năm 2004 lại chỉ được tính thành tích xuất khẩu trong 8 tháng cuối năm 2003, thì rất có thể, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng của năm 2003. Ngược lại, nếu hạn ngạch thành tích được tính trọn cả năm 2003 (1/1- 31/12/2003) thì các doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm tra được độ chính xác của hệ số K và như thế sẽ biết được số lượng hạn ngạch năm 2004 mà doanh nghiệp mình được phân giao, dựa trên tỷ lệ phân bổ theo Thông tư liên tịch (75% cho hạn ngạch thành tích) và tổng lượng hạn ngạch năm 2004 theo Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ.

Như vậy, để việc phân giao hạn ngạch được công bằng và hợp lý, đại diện VITAS và phân hội Hiệp hội Dệt - May Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị:

Nên lấy thành tích xuất khẩu hàng dệt may của một doanh nghiệp sang Mỹ trong một năm là số lượng hàng dệt may xuất khẩu của doanh nghiệp đó tính từ 1/1 đến 31/12/2003 dựa theo chứng từ xuất khẩu hàng hoá do Hải quan Việt Nam quản lý. Và, nếu là thành tích xuất khẩu hàng dệt may của một doanh nghiệp sang Mỹ trước khi bị áp đặt hạn ngạch vào ngày 1/5/2003 thì phải tính từ 1/1/2002 đến 30/4/2003. Như vậy, sẽ quyết định phân giao hạn ngạch đợt 1 cho thương nhân có thành tích xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ từ 1/5/2003 đến 30/9/2003. Đến tháng 1/2004, sẽ phân bổ tiếp đợt 2 cho thương nhân có thành tích xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ từ 1/10/2003 đến 31/12/2003.

Dù cho các doanh nghiệp có phản ứng thế nào đi nữa, theo chúng tôi, việc ra đời Thông tư 07 của liên Bộ Thương mại và Công nghiệp là một cố gắng lớn để kịp thời hướng dẫn việc phân bổ hạn ngạch hàng dệt may sang thị trường Mỹ năm 2004 đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, chắc chắn sẽ có những thiếu sót và đặc biệt, Thông tư hướng dẫn, đôi khi đối với doanh nghiệp này là tốt, nhưng đối với doanh nghiệp kia lại là không tốt, (vì liên quan đến lợi ích doanh nghiệp)... Nhưng dẫu “được” với doanh nghiệp này và “không được” với doanh nghiệp kia, thì điều cốt lõi của Thông tư là được xây dựng dựa trên lợi ích quốc gia và sát hơn, là lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, chứ không riêng gì cho một doanh nghiệp nào... Do đó, để có thể công bằng hơn, thiết nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu bỏ chế độ phân giao hạn ngạch như hiện nay, tiến hành đấu thầu một cách minh bạch và công bằng. Ai, doanh nghiệp nào đủ điều kiện, thì được quyền xuất khẩu....

  • Tags: