Kinh doanh độc quyền bằng tài trợ

Thương hiệu bia tươi Laser được quảng cáo khá mạnh trên các phương tiện truyền thông từ cuối năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng vào các quán thử chọn sản phẩm mới này, thì hầu hết đều n

 

"Sau gần một tháng đưa sản phẩm ra thị trường, Nhà máy có phản hồi là rất ít quán ở phía Nam “dám” nhận bán bia tươi Laser. Người tiêu dùng thì phản ánh là tìm mua bia tươi Laser khó quá, trong khi cường độ quảng cáo của Laser lại dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Đội ngũ tiếp thị của Laser cũng rất ít được chủ quán tại Tp.HCM đồng ý cho vào để giới thiệu sản phẩm... Ngay cả khi chúng tôi thử vào quán hỏi mua bia tươi Laser, nhiều nơi trả lời là sản phẩm mới có ở... tivi. Thật lạ! Với quy mô vốn đầu tư 500 tỷ đồng, công suất 60.000 chai bia tươi/giờ và đây lại là một trong 10 nhà máy bia tươi đầu tiên của thế giới, sử dụng công nghệ bia tươi cũng vào loại mới nhất do CHLB Đức sáng chế năm 2002, song sản phẩm lại bị người tiêu dùng Việt Nam chê?.

Lân la với các chủ quán, chúng tôi phát hiện ra lý do khiến họ ngần ngại bia Laser là, một liên doanh sản xuất bia với nước ngoài rất tên tuổi đã ký hàng loạt hợp đồng tài trợ cho các chủ quán này với số tiền thường phải trên trăm triệu. Ràng buộc ở đây là, các quán chỉ được bán sản phẩm bia do liên doanh này làm ra và loại bia Sài Gòn chai, 333 lon; cấm các quán này không được thực hiện các hoạt động mang tính giới thiệu sản phẩm cho những thương hiệu bia khác dưới mọi hình thức!”, ông Lê Phụng Sơn diễn giải vì sao sản phẩm bia tươi Laser không đến được người tiêu dùng.

TS. Trần Quí Thanh phân tích: “Có một số hãng nước ngoài không ngần ngại áp dụng mọi biện pháp, kể cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách, mở rộng thị trường... Cụ thể là việc lạm dụng lợi thế của tự do hóa thương mại, áp đặt thế mạnh riêng để định giá, bán phá giá và các hành vi lạm dụng khác nhằm mục đích độc chiếm thị trường. Cách thức thường thấy là một hãng nào đó ký kết hợp đồng - thường thì không ghi rõ là hợp đồng gì với chủ quán, theo đó sẽ tài trợ hàng trăm triệu đồng, trang bị cho quán từ bảng hiệu, bàn ghế, đến ly cốc... với điều kiện quán đó chỉ được bán sản phẩm của hãng.

Có thể thấy rõ điều này trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bia. Có công ty tài trợ cho mỗi quán từ 150 đến 200 triệu đồng để trang bị những vật dụng cần thiết phục vụ công việc bán hàng và công ty này sẽ độc quyền quảng cáo, tiếp thị các nhãn hiệu bia do họ sản xuất và quán hàng đó không được làm quảng cáo, khuyến mãi, hoặc tiếp thị cho bất cứ nhãn hiệu bia nào khác. Nếu vi phạm cam kết, thì quán hàng đó sẽ bị phạt và bồi hoàn toàn bộ số tiền mà công ty này tài trợ. Với nội dung hợp đồng như vậy, công ty đó đã sử dụng tiềm lực tài chính để mua chuộc, lôi kéo, mà thực chất là phong toả, hòng độc chiếm khách hàng và thị trường. Hiện tượng trên xảy ra phổ biến tại TP.HCM, nơi có tới 80% số quán hàng bị ràng buộc kiểu như thế!”.

Theo ông Thanh, dấu hiệu cạnh tranh kiểu kinh doanh độc quyền bằng tài trợ ở đây còn là phương thức đầu tư để loại bỏ đối thủ. “Từ khi xảy ra việc bia tươi Laser mở rộng kênh phân phối bán lẻ qua các quán ở khu vực Tp.HCM, thì công ty liên doanh bia nêu ở trên càng quyết liệt hơn trong việc ký kết những hợp đồng tài trợ với các quán. Họ hiểu, khi hành vi này chưa chịu sự điều tiết vì Dự Luật Cạnh tranh vẫn chưa được thông qua - thì dùng lợi thế tài chính để đè bẹp sản phẩm thương hiệu Việt của doanh nghiệp nội địa là chuyện mà không phải bây giờ mới xảy ra. Thử hỏi những tên tuổi một thời như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, kem Hynos... khi được liên doanh với nước ngoài liệu có được củng cố phát triển hơn hay là dần chìm vào quên lãng?”, TS Trần Quí Thanh đặt vấn đề.

“Chịu thiệt hại nhiều nhất ở đây là người tiêu dùng. Họ đã bị tước đi quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp, dịch vụ ưa thích mà không hề hay biết. Hiện tượng này không chỉ tồn tại trong ngành Rượu - Bia mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay trong những ngành sản xuất bột giặt, kinh doanh taxi... Cũng cần sòng phẳng là nên xem xét lại việc lập những thoả thuận dân sự với tên gọi “Hợp đồng” liệu có xâm phạm quyền của người tiêu dùng không? Cơ sở của vấn đề này là tại Điều 4, khoản 1 của Nghị định 69 ban hành năm 2001, ghi: “Phải bảo đảm cung cấp hàng hoá dịch vụ để người tiêu dùng tự do lựa chọn. Người tiêu dùng có quyền mua hay không mua, chấp nhận hoặc không chấp nhận bất kỳ một loại hàng hoá, dịch vụ hoặc phương thức, điều kiện kinh doanh nào đó”. Bởi nếu không xét đến ràng buộc ấy, thì thay vì bỏ tiền của, công sức đầu tư quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt, doanh nghiệp sẽ chăm chăm vào chuyện trút hầu bao ra mua các quán để chỉ bán độc quyền sản phẩm do mình sản xuất bởi đây là cách làm rẻ tiền hơn nhiều so với bỏ công sức xây dựng, củng cố thương hiệu Việt!”, ông Lê Phụng Sơn nhận định.

“Việc ký hợp đồng tài trợ với các quán là phương thức kinh doanh mà phía nhà sản xuất hiểu rằng cho đến nay, hoàn toàn không vi phạm vào các điều luật kinh doanh của Việt Nam. Số tiền mà họ đầu tư vào quán phải đi đôi với quyền lợi của cả hai bên. Còn việc mới đây sản phẩm bia tươi của đơn vị này đẩy mạnh quảng bá, thì đó là chiến lược tiếp thị của công ty, không liên quan chuyện cạnh tranh với sản phẩm bia tươi khác cũng đang quảng cáo trên phương tiện truyền thông!”, bà Nguyễn Hoàng Mai nhìn nhận với vai trò khách quan.

Với cái nhìn tổng thể, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đánh giá, chuyện rắc rối giữa hai thương hiệu bia nói trên có nguyên nhân từ việc nền kinh tế thị trường buộc phải có Luật Cạnh tranh để quản lý.

Dự thảo Luật Cạnh tranh hiện nay có lường được những vụ việc như đang xảy ra với hai nhà sản xuất bia. Đơn cử, Khoản 3 Điều 13 “Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm” ở Dự thảo Luật Cạnh tranh (lần thứ 9) ghi: Hạn chế sản xuất, phân phối, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật làm thiệt hại cho khách hàng. Khoản 3 Điều 24 “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” ghi: Mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh.

“Như vậy, khi Luật Cạnh tranh được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp hiểu đúng và thêm vũ khí để khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế thị trường...”, LS Trương Trọng Nghĩa nhận định.

  • Tags: