Rạng Đông với chương trình Chiếu sáng học đường

Một cuộc điều tra năm 2003 của Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh trên hàng ngàn học sinh đã cho thấy một con số hết sức đáng ngại, có tới 26,4% số học sinh được khảo sát bị các bệnh về


Đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân để khiến tỉ lệ trẻ em bị mắc các bệnh về mắt ngày càng gia tăng như đọc sách báo nhiều, chữ nhỏ, mờ, ngồi học sai tư thế, ham xem tivi... Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là điều kiện ánh sáng trong các phòng học đang có nhiều vấn đề và chưa được coi trọng đúng với tầm quan trọng vốn có của nó. Qua khảo sát của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Trung tâm Tư vấn Đèn tiết kiệm điện năng và Dung dịch hoạt hóa, điện hóa, tại 156 lớp học của 76 trường trong 32 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, các phòng học rất đa dạng về diện tích, về chiều cao trần. Thiết bị chiếu sáng đang sử dụng cũng rất đa dạng, đèn huỳnh quang 40W, đèn tròn 100W… thậm chí có trường còn sử dụng bóng cao áp 125W, bóng đèn tròn 200W. Song, do phân bố ánh sáng không đồng đều nên độ rọi sáng thường chỉ đạt từ 80-120 lux. Các bóng đều được lắp trực tiếp vào trần, tường nhà, không có chao chụp, gây lóa bảng, lóa mắt học sinh và giáo viên, đồng thời ánh sáng phân tán, không tập trung vào mặt phẳng chiếu sáng hữu ích. Như vậy, số lượng bóng đèn, số lượng điện sử dụng nhiều, song vẫn chưa đảm bảo được ánh sáng cần thiết, hợp lý cho giáo viên và học sinh.
Ông Đinh Sỹ Đạt – Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh 2 Đắc Lắc đã nói về tình trạng ánh sáng của trường ông như sau: Trường có 33 phòng học, mỗi phòng lắp 8-12 bóng, độ cao trần 4m. Do mới xây dựng nên thấy ánh sáng cũng không đến nỗi nào, nhưng qua kiểm tra, có tới 33,63% học sinh của Trường bị mắc các bệnh về mắt và trong số đó 88% các em bị cận thị. Có em một mắt cận 11 độ, mắt kia cận 9 độ. Ông Đạt cho biết thêm, khi trường xây dựng xong, các cán bộ đến nghiệm thu chỉ bật đèn thấy sáng là cho đạt chứ không có thiết bị để đo xem phòng học có đủ ánh sáng theo yêu cầu hay không. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn quốc tế thì độ sáng tối thiểu trong các phòng học phải đạt 300 lux, còn theo tiêu chuẩn Việt Nam thì tối thiểu là 100 lux, quá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng, ngay cả mức tối thiểu này, các trường học cũng không đảm bảo được. Vì thế, nhiều em học sinh chỉ nghe giảng và chép bài của bạn chứ hoàn toàn không nhìn thấy trên bảng viết gì. Học, đọc trong môi trường mờ ảo, thiếu ánh sáng lâu ngày nên các em càng học chăm, càng học giỏi thì tỉ lệ mắc các bệnh về mắt càng cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn tiết kiệm điện năng và Dung dịch hoạt hóa điện hóa, người đã xây dựng được một công nghệ đặc biệt để thiết kế hệ thống đèn học đường, thì khó khăn lớn nhất là các phòng học ở Việt Nam hiện nay không theo một tiêu chuẩn chung nào cả. Mỗi phòng học dài, rộng, cao khác nhau, nên lắp đặt hệ thống chiếu sáng sao cho mọi vị trí đều sáng như nhau là điều không đơn giản. Ngay trong các phòng học, việc bố trí ánh sáng cũng rất tùy tiện, thậm chí có nơi, đèn còn gắn ngay trên nóc bảng gây lóa, làm cả giáo viên và học sinh đều bị chói mắt, nhức mỏi dẫn đến sức nhìn kém, mắt mau mỏi mệt.

Rạng Đông với chương trình “Chiếu sáng học đường”
Với công nghệ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chỉ cần đưa vào các thông số kích thước phòng học (rộng, dài, cao), số cửa sổ… là có thể cho ra một hệ thống chiếu sáng phù hợp. Trên cơ sở sáng kiến và đề xuất đó, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã cho ra đời bộ đèn huỳnh quang có chao chụp, sử dụng đèn huỳnh quang T8-36W Triphosphor 100 (bột 3 phổ) riêng cho chiếu sáng lớp học sẽ tăng độ sáng lên 20% và tiết kiệm được 10% lượng điện tiêu thụ so với các loại đèn huỳnh quang thông thường. Từ tháng 1/2004, sau khi được chuyển giao công nghệ thiết kế hệ thống chiếu sáng của Tiến sĩ Khải, Công ty đã thành lập “Ban Tư vấn chiếu sáng” và tiến hành lắp đặt thí điểm một phòng học với ánh sáng mẫu (hoàn toàn miễn phí và có bảo hành 6 tháng) tại 76 trường cả trong Nam, ngoài Bắc. Để không làm ảnh hưởng tới lịch học của các trường, Ban Tư vấn chiếu sáng của Công ty đã đưa các kỹ sư và công nhân của mình đến trường bắt đầu công việc từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Ngày hôm sau, các em học sinh đã có một phòng học với đầy đủ ánh sáng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Qua hơn 3 tháng làm việc không có ngày nghỉ, Công ty đã lắp đặt hoàn chỉnh được 156 lớp học của 76 trường đạt mục tiêu ánh sáng màu thích hợp cho học đường, độ rọi phân bố đều trên bàn học đạt 300 lux, trên mặt bảng 500 lux, giáo viên và học sinh không nhìn thấy bóng đèn, không bị lóa bảng, không bị chói mắt. Các trường đều rất phấn khởi đón nhận chương trình này.
Theo tính toán của Công ty thì chi phí lắp đặt thiết bị chiếu sáng hoàn chỉnh (loại đèn 3 phổ) cho một phòng học, bao gồm cả thiết kế hết khoảng gần 1.385.000 đồng. Đây là loại phòng học mẫu kích thước 7m x 8m = 56m2 với độ rọi sáng trên mặt bàn học sinh đạt 300 lux trở lên. Đã có một số trường sau khi thấy kết quả tốt từ phòng học mẫu đã quyết định tiến hành thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng của các lớp học, được giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều nơi, do trường không có đủ kinh phí, các bậc phụ huynh đã tình nguyện đóng từ 20.000-25.000 đồng/em để giữ gìn đôi mắt khỏe mạnh cho con em mình thay vì phải tốn hàng triệu đồng chạy chữa cho các em khi mắc bệnh cận thị.
Dẫu biết rằng đây là một cách tiếp thị sản phẩm rất mềm dẻo của Rạng Đông, nhưng thực tế lại là một hoạt động xã hội rất có ý nghĩa mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Rạng Đông lại thêm một lần nữa khẳng định uy tín của một doanh nghiệp đàn anh trong ngành chiếu sáng, phát huy truyền thống của một doanh nghiệp Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

  • Tags: