Tại hội thảo “Nhận diện kinh tế Việt Nam năm 2011 - Kịch bản cho năm 2012: Các giải pháp định hướng ngắn và trung hạn cho các doanh nghiệp”, chiều 27/11, tại Hà Nội, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, năm 2011, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công. Không nằm ngoài “vòng xoáy” này, các doanh nghiệp nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như phải giảm đầu tư, tiêu thụ hàng hóa khó khăn.
Bên cạnh đó, sức ép giảm giá tiền đồng vẫn còn lớn, lãi suất sẽ giảm nhưng có thể vẫn còn cao, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi nhanh cũng tác động đến một số ngành sản xuất.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, năm 2012 có thể lại là năm có nhiều thách thức, vì vậy nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phải tạo được bước ngoặt để xoay chuyển tình hình, không để lạm phát tăng cao.
Năm 2012 cũng là năm thực sự tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.
Ví dụ, về ngành Điện, việc phát triển nhà máy điện theo kiểu cũ (thủy điện, nhiệt điện) gần như khó tăng thêm nhiều. Do đó cần điều chỉnh theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Một thí dụ khác, có không ít địa phương vẫn còn tình trạng khu công nghiệp không được lấp đầy hoặc những dự án đầu tư dàn trải, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, thời gian tới, chúng ta không tiếp tục phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo cách cũ mà tập trung phát triển 2, 3 khu kinh tế thật mạnh, có thể chế hiện đại, hiệu quả cao, nghĩa là phải chọn được mục tiêu quan trọng nhất và tập trung đầu tư chứ không đầu tư tràn lan.
Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào vốn, công nghệ thấp và tài nguyên. Tuy nhiên, thời gian tới việc cắt giảm đầu tư công diễn ra mạnh mẽ cùng với việc kiểm soát chặt chẽ khai thác tài nguyên thì đạt được mức tăng trưởng 6% - 6,5% trong năm 2012 không hề dễ dàng.
Đối với doanh nghiệp, để thích ứng với môi trường vĩ mô, cần có một lộ trình và giải pháp phù hợp nhằm phát triển bền vững như nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, phân khúc thị trường hoặc xây dựng những giải pháp thương hiệu phù hợp.
Cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính, tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm.
Cần tập trung mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế các nước trong khu vực và thâm nhập các thị thị trường mới như châu Phi, Mỹ La tinh.
Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc tái cấu trúc, chú ý đào tạo nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuẩn bị kế hoạch lâu dài khi kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ trì trệ. Các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng thâm nhập và khai thác tốt hơn thị trường nông thôn.
Doanh nghiệp cần giải pháp cụ thể cho năm 2012
TCCT
Năm 2012 có thể lại là một năm khó khăn với nền kinh tế. Vì vậy, để chủ động ứng phó với “kịch bản” này, doanh nghiệp cần có giải pháp thật cụ thể.