Niềm đam mê của chàng công nhân cơ điện

Vóc người cao to, mạnh mẽ, khuôn mặt chữ điền hiền khô với hàng ria con kiến, cái bắt tay của Cường cho tôi cảm giác ấm áp, tin cậy về một con người điềm tĩnh và trung thực. Nguyễn Kiên Cường, cái tên

 

Sinh năm 1973, dường như những người tuổi Quý Sửu thường thiên về kỹ thuật. Từ nhỏ, Cường đã rất quan tâm và ham thích những đồ chơi điện tử. Với anh, đồ điện, bảng điện là những thứ đồ chơi đẹp nhất và không bao giờ chán. Cường rất thích được xem bố sửa điện và học làm theo. Có lần, một người bạn của bố tặng anh chiếc ô tô chạy pin của Trung Quốc. Chơi chưa được 5 phút, Cường tháo tung ra để xem trong có gì. Cứ thế, cùng với thời gian, dần dần, niềm đam mê ngấm vào máu thịt, để rồi sau này không ít lần anh đã gặp phiền toái với niềm đam mê đó. Nhưng anh bảo “chẳng sao cả, nếu không như thế đâu gọi là đam mê”.

Ngay từ khi học trung học phổ thông, Cường đã đăng ký học nghề điện. Anh ước mơ được thi vào Trường Đại học Bách khoa để theo đuổi nghề đã chọn. Nhưng tốt nghiệp trung học phổ thông, do hoàn cảnh gia đình lúc đó còn nhiều khó khăn, anh không thể tiếp tục học lên mà đành rẽ ngang đi làm công nhân cho Công ty Nồi hơi Việt Nam. Năm 1994, Cường xin về Công ty Bia Hà Nội làm công nhân vận hành dây chuyền chiết chai. Năm 1999, tổ điện của Công ty thiếu người, biết anh đang theo học ngành Điện, Công ty đã chuyển anh sang tổ Điện và anh làm việc ở đó cho đến nay. Cường nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất trong đời là thời kỳ anh theo học Tại chức khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa. Hai vợ chồng anh lương cộng lại chưa nổi 2 triệu đồng, trong khi hai người đều đi học, con còn nhỏ. Anh đi làm theo ca, những lúc không thể đổi ca cho người khác anh đành nghỉ học. Có những lúc mệt mỏi quá, vợ anh đã tính đến chuyện buông xuôi, dồn sức để mình anh theo học, vừa đỡ tốn kém, con cái lại đỡ nheo nhóc. Nhưng rồi, vợ chồng anh lại động viên nhau, cộng thêm sự hậu thuẫn của hai bên gia đình, anh chị đã vượt qua để cùng tốt nghiệp. “Trong những ngày đó, quả thực, nếu không có sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại thì chắc tôi đã không thể thực hiện được ước mơ theo học ngành Điện của mình”. Bây giờ thì các con anh đã đi học, thu nhập của vợ chồng anh cũng khá hơn, anh lại đi làm hành chính nên càng dành nhiều thời gian hơn cho niềm đam mê của mình.

“Cậu ấy là người rất chịu khó lại có chí tiến thủ”, anh Lê Văn Hiếu – Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện - rất tự hào khi giới thiệu về anh. Khởi nghiệp từ một công nhân, nhưng Cường đã tự học để vươn lên làm chủ các thiết bị hiện đại. Có kinh nghiệm lại có kiến thức, anh được đào tạo để vận hành và sửa chữa các hệ điều khiển mới nhất, tiên tiến nhất, các thiết bị hiện đại nhất của các dự án đầu tư mới do nước ngoài chuyển giao. Kiên trì và chịu khó, anh là cây sáng kiến của Xí nghiệp. Hầu như năm nào anh cũng có sáng kiến cải tiến phục vụ trực tiếp cho công việc và đem lại hiệu quả kinh tế cho Công ty. Điển hình là sáng kiến khôi phục hoạt động của các biến tần hỏng bộ phận điều khiển và công suất. Do đặc tính dây chuyền sản xuất được nối mạng, việc hỏng một biến tần cũng có thể ảnh hưởng tới cả dây chuyền, ảnh hưởng tới chất lượng cả một mẻ bia. Xuất phát từ việc thấy các biến tần chỉ hỏng từng bộ phận hoặc cụm chi tiết đã phải loại bỏ rất lãng phí, trong khi chi phí mua 1 biến tần thường rất đắt (hàng ngàn USD/biến tần tuỳ loại), Cường đã cùng anh em trong Xí nghiệp như Hải, Tuấn, Khôi nghiên cứu để khôi phục hoạt động của các biến tần hỏng. Sự kiên trì của anh và các đồng nghiệp đã được đền đáp, anh đã thành công. Số biến tần được Xí nghiệp anh “cứu sống” đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho Công ty.

Càng gắn với thực tế sản xuất, anh càng có nhiều kinh nghiệm. Mỗi khi sản xuất gặp sự cố mà anh em trực ca không giải quyết được là anh và những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm được gọi đến, bất kể đêm hôm. Chuyện ở lại Công ty sau ca làm việc đã trở thành bình thường. Có lần, để khắc phục sự cố lỗi phần mềm hệ điều khiển nhà nấu, anh ở lại Công ty bám máy 3 ngày liền. Thiết bị của nhà cung cấp thuộc bản quyền của Hãng, không có trên thị trường, nếu đặt Hãng thì phải ít nhất 6 tuần hàng mới về đến nơi. Anh cùng các đồng nghiệp lại tự mày mò, tự chế tạo dựa trên những thiết bị có thể mua được trên thị trường Việt Nam, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Vợ sốt ruột gọi điện đến Xí nghiệp, anh chỉ kịp nói “ừ, anh đang ở Công ty, đang bận sửa máy, thôi nhé”. Anh bảo “lúc ấy vợ có giận dỗi cũng chẳng có thời gian mà dỗ, kệ thôi, rồi sau sẽ hiểu”. Tôi hỏi anh đã bao giờ vì một sự cố mà bỏ lỡ một cuộc hẹn chưa. Anh cười “tất nhiên rồi”. Lần đó hết giờ, anh chuẩn bị về thì thấy anh em gọi dưới phân xưởng bia gặp sự cố. Tối đó, theo kế hoạch 2 vợ chồng anh đi xem phim. Anh đành gọi điện về bảo vợ cho người khác vé, hẹn vợ dịp khác vì anh còn phải ở lại cùng anh em sửa chữa, đảm bảo an toàn sản xuất. Anh cười hiền “dân kỹ thuật là vậy, vất vả lắm, nhưng được cái vợ tôi rất hiểu niềm đam mê của tôi nên không bao giờ trách móc tôi cả”.

Với niềm đam mê và nghị lực học hỏi, vươn lên, Nguyễn Kiên Cường luôn được đồng nghiệp quí mến và được lãnh đạo tin tưởng. Từ khi về Xí nghiệp, anh liên tục đạt danh hiệu lao động giỏi, 3 năm qua luôn được suy tôn là lao động tiên tiến cấp Tổng công ty. Trong mắt bạn bè đồng nghiệp anh luôn là một chàng trai tốt bụng, nhiệt tình và đầy tinh thần trách nhiệm. Với Công ty, anh giống như con “Trâu Vàng cần mẫn cày bừa trên cánh đồng điện tử”, để rồi những sáng kiến của anh đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho Công ty. Con đường sáng tạo còn rộng mở phía trước. Cầu chúc anh luôn thành công trên con đường mà anh đã lựa chọn.

  • Tags: