Phát triển du lịch làng nghề ở Chương Mỹ

Huyện Chương Mỹ xưa có tên là huyện Chương Đức, thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Năm Gia Long thứ 13 (1814) phủ Ứng Thiên đổi là phủ Ứng Hòa. Đời Đồng Khánh huyện được chia làm hai là Yên Đức và Chư

Chương Mỹ có địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa có đặc trưng của vùng bán sơn địa với núi, sông, đồng, bãi, hồ, hang động,… Chương Mỹ còn gánh trên vai trọng trách phân lũ, bảo toàn cho Thủ đô Hà Nội khi gặp những cơn lũ cực lớn.

Huyện cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía tây nam, có các quốc lộ 6A, 21A, đường 80, tỉnh lộ 419, đường Hồ Chí Minh đi qua; và hai con sông: sông Bùi và sông Đáy chảy qua. Chương Mỹ nằm giữa tam giác du lịch Hà Nội - Ba Vì - Chùa Hương, có diện tích tự nhiên 232,9 km2, dân số 84.183 người, trong đó có 36.084 nhân khẩu thành thị và 248.099 nhân khẩu nông thôn. Đơn vị hành chính có 2 thị trấn: Chúc Sơn và Xuân Mai và 31 xã. Huyện có nhiều đình, chùa, đền, miếu... phong cảnh tuyệt đẹp như: chùa Trăm gian, chùa Trầm, chùa Hỏa Tinh, chùa Cao, chùa Thấp, chùa Sấu (Sùng Nghiêm Tự), đình Nội, đình Xá, đình Linh Sơn... tất cả đều tập trung quanh thị trấn Chúc Sơn.

Trước kia, kinh tế của Huyện chủ yếu là nông nghiệp, do ảnh hưởng của thiên tai nên Huyện đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch. Năm 2003, Chương Mỹ được tỉnh Hà Tây phê duyệt đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Phú Nghĩa, với diện tích 55,83 ha và 13 điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề ở 16 xã, với diện tích 127 ha. Đã có trên 30 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm.

Với lợi thế nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị gồm Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây; trong quy hoạch trục phát triển kinh tế Bắc - Nam; tiềm năng sẵn có của địa phương là nằm trong vùng bán sơn địa, nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Ba loại hình phát triển du lịch tiềm năng là: Du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề.

Đối với các điểm du lịch văn hóa lịch sử, huyện đã quy hoạch tổng thể khu du lịch chùa Trầm với diện tích 50ha ở xã Phụng Châu để xây dựng mô hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, đồng thời chú trọng tới việc tu bổ, nâng cấp chùa Trầm và chùa Trăm Gian để thu hút khách thập phương.

Đối với du lịch sinh thái, Chương Mỹ có rất nhiều hồ như: Hồ Đồng Sương, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang lập quy hoạch tổng thể khu du lịch với quy mô 400 ha, vốn đầu tư 36 triệu USD; dự án Hồ Văn Sơn, được Công ty TNHH EK DNC (Hàn Quốc) đang tiến hành triển khai xây dựng với quy mô 190 ha, xây dựng sân golf 36 lỗ và du lịch sinh thái quanh hồ, vốn đầu tư 22 triệu USD; xung quanh Hồ Miễu có rất nhiều nhà hàng và nhà nghỉ tư nhân đang hoạt động để phục vụ du khách.

Ngoài ra, Chương Mỹ là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan; hinhf thức du lịch hàng nghề được Huyện rất chú trọng. Các làng nghề mây tre đan có rất nhiều sản phẩm hàng hóa độc đáo, đặc trưng, có sức lôi cuốn khách du lịch đến tham quan làng nghề, điển hình là làng nghề Phú Nghĩa. Đây là một trong 3 điểm du lịch làng nghề được sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và kết hợp với Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch thực hiện dự án. Xác định được hướng đi đúng đắn với điều kiện thực tế của địa phương, Chương Mỹ đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế du lịch - thương mại đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần thay đổi diện mạo của quê hương Chương Mỹ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huyện Chương Mỹ hiện có 174 làng nghề, chủ yếu là mây tre đan. Các làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ được coi là một trong những cụm làng nghề lớn nhất tỉnh. Chỉ riêng trong vùng chậm lũ của huyện Chương Mỹ đã có 21 làng nghề làm mây tre đan xuất khẩu, trong tổng số 31 làng nghề trong vùng. Thu nhập bình quân của các làng nghề khoảng 13 - 15 triệu đồng/người/năm, trong khi thu nhập thuần nông chỉ vào khoảng 6 triệu đồng/người/năm. Các sản phẩm mây tre đan truyền thống chủ yếu được sản xuất tập trung ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Sơn, Đông Phương Yên, Trung Hòa… Các làng nghề truyền thống còn lại gồm nhóm nghề thêu, nón lá, điêu khắc, mộc, chế biến nông sản, trong đó nghề nón lá có 5 làng, tập trung ở các xã Văn Võ, Đông Phương Yên, Đồng Phú, Tiên Phương, Phú Vinh; nghề mộc, điêu khắc có 1 làng, nghề thêu 1 làng, chế biến nông sản 1 làng. Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội và huyện Chương Mỹ đang xây dựng đề án phát triển 20 làng thuần nông của Huyện thành làng có nghề và phát triển mới 36 làng nghề.

      Các điểm du lịch làng nghề xã Phú Nghĩa

      Trong các làng nghề mây tre đan của huyện Chương Mỹ, xã Phú Nghĩa được coi là ông tổ của nghề với lịch sử phát triển nghề lâu đời gần 400 trăm năm. Xã Phú Nghĩa nằm ở phía tây huyện Chương Mỹ, cách trung tâm huyện lỵ 5 km và cách thủ đô Hà Nội 27 km. Xã có 7/7 làng được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận là làng nghề, trong đó Phú Vinh là làng nghề truyền thống. Xã có 7 thôn, 10 cụm dân cư được chia thành 10 đơn vị hành chính thôn, xóm. Cả xã có 2.217 hộ với tổng số 10.018 nhân khẩu, trong đó số lao động trong độ tuổi là 5.307 người. Số hộ tham gia làm nghề mây tre đan xuất khẩu chiếm 90% số hộ trong toàn xã. Nhờ phát triển của nghề truyền thống mà người dân trong xã có việc làm thường xuyên, đời sống ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá, giàu chiếm 45%, số hộ trung bình chiếm 41,1%, số hộ nghèo chiếm 13,9%. Sản phẩm của xã đã được xuất khẩu ra 50 nước trên thế giới. Năm 2001, xã Phú Nghĩa đã được UBND tỉnh Hà Tây và Sở Du lịch Hà Tây chọn là điểm du lịch làng nghề Phú Nghĩa theo tourr du lịch của các điểm trên địa bàn Hà Tây. Năm 2004, Sở Công nghiệp Hà Tây đã chọn Phú Mỹ để khảo sát xây dựng dự án điểm về phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Xã đã đầu tư xây dựng cơ bản đường bê tông liên thôn, xã.

      Tổ chức Du lịch thế giới lựa chọn làng nghề mây tre đan Phú Vinh vào chương trình STEP (du lịch bền vững, xoá đói giảm nghèo). Theo kế hoạch, Tổ chức Du lịch thế giới sẽ hỗ trợ kinh phí khoảng 70.000 USD cho làng nghề. Với dự án này, các nhà chuyên môn sẽ giúp chính quyền địa phương quản lý và phát triển du lịch làng nghề, xây dựng quy trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất cho các hộ dân làm nghề, cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra sản phẩm phù hợp với du lịch. Ông Duclatch - Trưởng nhóm phát triển du lịch bền vững vì người nghèo của tổ chức SPN (Hà Lan) cho biết: “Chúng tôi sẽ giúp Phú Vinh nâng cao chất lượng các mặt hàng du lịch truyền thống; tiếp đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng, mời các nghệ nhân của làng đào tạo cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp làng nghề Phú Vinh phát triển các sản phẩm du lịch trong làng như “tua” du lịch đi bộ, trung tâm giới thiệu sản phẩm”. Trong những năm qua, Phú Nghĩa đã đón hàng ngàn lượt khách đến thăm quan, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và nhiều đoàn khách quốc tế. Riêng quý I-2009, xã đã đón khoảng 100 lượt khách du lịch, trong đó có 30 khách nước ngoài.

Các làng nghề tập trung ở các thôn: Phú Vinh, Quan Trâm, Khê Than, Đồng Trữ…

1.       LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN XUẤT KHẨU PHÚ VINH

Địa Chỉ: Thôn Phú Vinh - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Nghề mây tre giang đan Phú Vinh đã có lịch sử trên 400 năm và được công nhận là Làng nghề vào năm 2001. Lúc đầu, chỉ có một số hộ dân làm đem bán tại thị trường Hà Nội, ngày nay, sản phẩm mây tre giang đan Phú Vinh phát triển mạnh và đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Phú Vinh có 405 hộ với gần 1.000.000 lao động tham gia làm nghề, chiếm 90% số hộ trong thôn. Doanh thu năm 2008 đạt 45 tỷ đồng, thu nhập bình quân 15.000.000đ/người/năm. Từ khâu khai thác vật liệu, chế biến sản phẩm, ký kết hợp đồng xuất khẩu, đóng container hàng để đưa đi xuất khẩu đều được người làng Phú Vinh làm thành thạo. Mẫu mã hàng ở đây vừa phong phú, vừa đẹp vì Phú Vinh gần như được coi là đất tổ của nghề này.

       2. LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN XUẤT KHẨU QUAN TRÂM

Địa Chỉ: Thôn Quan Trâm - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Quan Trâm có nghề mây giang đan xuất khẩu từ lâu đời và được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2001. Trước đây, hàng mây giang đan chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sau này, khi những sản phẩm mây đan đã được các nước Đông Âu mến mộ, thì hàng ở đây đã được xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại. Hiện nay, nghề mây giang đan càng phát triển mạnh, vì ngoài thị trường Đông Âu, hàng còn được xuất khẩu sang các thị trường: Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…

        3. LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN XUẤT KHẨU KHÊ THAN

Địa Chỉ: Thôn Khê Than - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Khê Than là một trong những làng nghề mây tre đan nổi tiếng của Hà Nội, nghề mây tre đan xuất hiện ở thôn từ hơn 100 năm nay, được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2001. Trước đây, hàng của Khê Than xuất khẩu đi các nước nhờ Công ty Xuất nhập khẩu của tỉnh. Hiện nay, hầu hết các nước ưa chuộng hàng mây tre đan đều có mặt hàng của Khê Than, nhưng các sản phẩm này đều do người Khê Than trực tiếp xuất khẩu. Làng có gần 200 lao động làm nghề, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm.

        4. LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN ĐỒNG TRỮ

Địa Chỉ: Thôn Đồng Trữ - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là thôn có vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm huyện 6km, nằm gần quốc lộ 6, nghề mây tre đan xuất hiện ở đây từ những năm 60 thế kỷ trước, khi một số hộ gia đình trong làng, để cải thiện cuộc sống, đã sang các làng bên học hỏi kinh nghiệm và mang nghề về làng. Dần dần, nhân dân trong làng do thấy được lợi ích kinh tế, nhất là tạo được việc làm và thu nhập trong thời gian nông nhàn, đã tham gia ngày một nhiều. Làng được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2004. Số lao động tham gia lao động làm nghề 684 lao động.

       5. LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN NGHĨA HẢO

Địa chỉ: Thôn Nghĩa Hảo - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2004. Số hộ tham gia làm nghề 222 hộ, với 498 lao động. Doanh thu toàn thôn đạt 3,5 tỷ VNĐ năm 2008.

      6. LÀNG NGHỀ NÓN LÁ PHÚ HỮU I

Địa chỉ: Thôn Phú Hữu  - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2003. Số lao động tham gia làm nghề 240 lao động. Sản phẩm truyền thống: nón lá

7. LÀNG NGHỀ NÓN LÁ PHÚ HỮU II

Địa chỉ: Thôn Phú Hữu - Xã Phú Nghĩa - Huyện Chương Mỹ.

Được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2003. Số lao động tham gia làm nghề 252 lao động. Sản phẩm truyền thống: nón lá.

Xem bài: Sơn Tây - vẻ đẹp văn hóa làng nghề truyền thống xứ Đoài

http://www.tapchicongnghiep.vn/congnghieponline/khuyencong/2009/10/22636.ttvn