Là một xã với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm đến 80%, cây lúa là chính và vẫn còn 650 hộ nghèo, chiếm 29% tổng số hộ toàn xã. Vì là xã nghèo, nên Long Sơn luôn được hưởng thụ sự ưu đãi nhiều từ chương trình 135 của Chính phủ, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành và ngành Điện. Cũng trong năm 2002 từ nguồn vốn ngành Điện vay của Ngân hàng thế giới (vốn WB) đã đầu tư xây dựng hoàn tất vào cuối tháng 12/2002 gồm: 12,16 km đường dây trung thế; 16 trạm biến thế với dung lượng là: 467,5 kVA; 22,5 km đường dây hạ thế, với kinh phí là 2,93 tỷ đồng.
Qua trao đổi với ông Lê Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Long Sơn, chúng tôi được biết những đổi thay qua gần một năm khi xã Long sơn có điện lưới quốc gia.
- Về phát triển số hộ dùng điện, trước kia chưa có điện lưới quốc gia số hộ chỉ đạt khoảng 30%, đến nay, sau gần một năm số hộ đã đạt đến 65% (tăng trên 35% số hộ dùng điện). Đạt được tốc độ phát triển nhanh là do có chủ động làm việc trước với ngân hàng, ký bảo lãnh cho các hộ nghèo, khó khăn vay tiền kéo điện vào nhà, ngoài ra còn tuyên truyền, vận động các hộ dân người dân tộc Khơme hiểu biết tầm quan trọng của điện trong việc sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ làm tốt công tác này, đã góp phần đưa việc phát triển số hộ dùng điện đạt chỉ tiêu theo dự án đề ra.
- Phát triển kinh tế đã tăng nhanh trong những năm qua. Đáng kể và có hiệu quả nhất phải kể đến việc phát triển điện, từ đó góp phần đưa mức tăng trưởng nền kinh tế trong năm qua đạt đến 12%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Điện về vùng nông thôn trong lúc này là phù hợp và rất cần thiết, từ đó tạo nên bước đột phá về "chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi". Nguồn điện không chỉ được dùng thắp sáng, mà các hộ dân còn mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư mở rộng cơ sở dịch vụ, gia công cơ khí, xay xát, chế biến. Có trên 37 trang trại chăn nuôi ứng dụng điện vào sản xuất và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân đều dùng điện tưới tiêu nước để tăng năng suất, giảm chi phí và đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Mô hình có hiệu quả nhất phải kể đến dự án do Sở Khoa học - Công nghệ Trà Vinh đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật cho xã, với sự hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp của trường Đại học Cần Thơ. Kết quả đã tạo ra 14 mô hình có hiệu quả cao như: trồng dưa màng phủ công nghiệp, trồng tre lấy măng, trồng đậu phộng trong mùa nghịch, đậu nành màng phủ, nuôi bò... Các biện pháp kỹ thuật được trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn cho từng hộ dân, như việc trồng lúa trước kia chỉ làm có một vụ, nay đã chuyển sang làm ba vụ. Ngoài một vụ lúa chính, các hộ dân người Khơme còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi, trồng có hiệu quả: trồng đậu nành và trồng dưa màng phủ trên đất cát giống, nhân trồng được giống cây trồng tại chỗ, trồng cỏ phục vụ các trang trại chăn nuôi... Từ đó kéo theo chi phí giá thành sản xuất hạ, chất lượng sản phẩm, năng suất tăng lên và cũng từ các mô hình này, đã có gần 10% số hộ thoát ngheo, vươn lên làm giàu.
Ngoài việc phát triển kinh tế, chính quyền xã không ngừng quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là các hộ Khơme nghèo. Cũng trong hai năm qua, đã xét chọn, đề xuất với cấp trên xây mới, bàn giao 157 căn nhà cho các hộ Khơme nghèo và trợ cấp đầy đủ nhiều khoản ưu đãi đặc biệt của xã nghèo theo chương trình 135 của Chính phủ. Đồng thời công tác "xóa hộ đói, giảm hộ nghèo" được lãnh đạo xã quan tâm và đặt lên hàng đầu. Cũng trong hai năm qua đã xóa được 295 hộ nghèo, bình quân một năm xóa được 150 hộ nghèo, hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra.
Về định hướng phát triển trong những năm tới, ông Lê Hùng Cường cho biết:
- Về phát triển điện, xã có kế hoạch đề nghị tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư kéo điện vào nhà cho các hộ Khơme nghèo được trả chậm vào hóa đơn thu tiền điện hàng tháng, chia ra nhiều tháng trong ba năm. Phấn đấu đến cuối năm 2004, đạt từ 75-80% số hộ dùng điện. Ngoài ra, đề xuất với cấp trên lắp mới các trạm biến thế 3 pha, phục vụ các trang trại chăn nuôi lớn thuộc xã Long Sơn. Trước mắt là một trang trại nuôi bò sữa thuộc ấp Sơn Lang; đồng bộ theo phát triển điện là láng nhựa 4 km đường vào ấp, nhằm phục vụ cho sản xuất tại trang trại.
- Phát triển kinh tế giữ vững mức tăng trưởng đạt được trong năm qua là 12%; tiếp tục mô hình kết hợp với trường Đại học Cần Thơ để nhận được sự hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến từng hộ nông dân. Tiếp tục duy trì, phát triển 14 mô hình sản xuất nông nghiệp đã thành công, có hiệu quả trong các năm qua như: trồng lan tỏa 450 ha dưa trên giồng cát, phát triển đàn bò mới 4.600 con, bình quân mỗi hộ là 02 con; triển khai mô hình nuôi bò sữa ở ấp Ô Răng, ấp Huyền Đức...
Chia tay với Long Sơn, điều đáng ghi nhận ở đây là sự lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo của người dân và sự nỗ lực đó như được tiếp sức với chủ trương hết đúng đắn của chính quyền địa phương, từ đó tạo nên bước đột phá lớn về phát triển kinh tế "chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi". Hy vọng rằng, rồi đây, ở vùng quê Long Sơn sẽ khởi sắc vươn lên theo hướng "công nghiệp hóa - hiện đại hóa", thoát nghèo xứng đáng với truyền thống của một xã anh hùng.